(GLO)- Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và Quyết định số 380/QĐ-TTg cho phép thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chi trả DVMTR áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-1-2011.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR, hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương đã ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 409 công ty thuộc 3 lĩnh vực: thủy điện, nước sạch, du lịch trên địa bàn 40 tỉnh để thu ủy thác tiền DVMTR chi trả cho các chủ rừng. Nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR trong 5 năm là 5.226 tỷ đồng (khoảng 1.000 tỷ đồng/năm), trong đó các nhà máy thủy điện đóng góp gần 98%, các cơ sở cung cấp nước sạch và dịch vụ du lịch sinh thái chiếm khoảng 2% (du lịch sinh thái 0,1%). Đây là một nguồn tài chính mới, ổn định ngoài ngân sách nhà nước bổ sung nguồn lực để quản lý, bảo vệ trên 5 triệu ha rừng cung ứng DVMTR. Hàng năm, nguồn thu từ chi trả DVMTR góp phần đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp chiếm từ 22% đến 25% tổng đầu tư toàn xã hội cho lâm nghiệp; tạo nguồn thu nhập bổ sung khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm cho trên 348.000 hộ và 5.700 nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn 40 tỉnh.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi |
Trên địa bàn các tỉnh, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai ngay từ khi chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực thi hành. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, hình thành hệ thống chi trả ở địa phương. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh đã làm tốt vai trò đầu mối và chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương, chủ động triển khai nhiệm vụ huy động nguồn tài chính và chi trả cho chủ rừng trên địa bàn. Những kết quả đạt được của các địa phương thời gian qua trong triển khai thực hiện chính sách là đáng ghi nhận và khích lệ, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, chính sách chi trả DVMTR cũng có một số hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện như: mức chi trả DVMTR có sự chênh lệch trên 1 đơn vị diện tích giữa các địa phương và ngay trong một lưu vực; đơn giá tiền chi trả DVMTR trên ha rừng quản lý thấp, chưa tương xứng với công sức, không đảm bảo thu nhập và tạo động lực khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng; một số quy định về quản lý sử dụng tiền DVMTR, đối tượng thụ hưởng tiền DVMTR chưa phù hợp thực tế, chưa nhất quán với các văn bản khác làm chậm quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến lúng túng trong tổ chức hệ thống, lựa chọn phương thức chi trả và ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân cho chủ rừng; tổ chức vận hành hệ thống bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa đồng bộ, nhiều tỉnh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc sở, nhiều tỉnh lại trực thuộc UBND tỉnh.
Trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra, thời gian tới cần chú trọng tập trung những vấn đề sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010/NĐ-CP phù hợp với thực tiễn triển khai và khai thác đúng giá trị vốn có; bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết trong thực hiện chính sách. Trên cơ sở đó, hướng dẫn triển khai những quy định thay đổi, bảo đảm sự thống nhất thực hiện chính sách trên phạm vi cả nước.
Hai là, nghiên cứu, triển khai thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng, nuôi trồng thủy sản sử dụng nguồn nước từ rừng, nhằm tăng thêm nguồn tài chính phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên cả nước.
Ảnh: Minh Nguyễn |
Ba là, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, bảo đảm chính sách chi trả DVMTR được vận hành thông suốt, hiệu quả. Chính sách chi trả DVMTR đạt được kết quả phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện tại địa phương, nơi diễn ra quan hệ chi trả giữa các bên sử dụng, cung ứng DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Cơ chế vận hành của chính sách đòi hỏi tuân thủ theo quy định. Hoạt động chi trả DVMTR bảo đảm sự công khai, minh bạch của các chủ thể trong quan hệ chi trả, mỗi bên tham gia vào quá trình chi trả, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng làm tốt vai trò tham mưu đề xuất; chủ động phối hợp với các ngành liên quan cấp tỉnh trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá việc chấp hành chính sách và hiệu quả mang lại đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, chú trọng công tác truyền thông chính sách, đây là một yêu cầu bắt buộc đối với các bên tham gia trực tiếp vào quá trình thực thi chính sách. Bằng nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền tác động đến các đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách để không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định, thúc đẩy sự vận hành chính sách đạt các mục tiêu đặt ra; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hỗ trợ, giám sát quá trình thực hiện chính sách ở địa phương.
Năm là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tổ chức Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương về mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, cơ cấu tổ chức của bộ máy điều hành và các chế độ, chính sách liên quan đến tổ chức, con người… để triển khai áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
Tin tưởng rằng, với kết quả đạt được trong 5 năm qua, chính sách chi trả DVMTR sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, khai thác tốt hơn nguồn lực xã hội đối với các loại dịch vụ còn lại, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam