Gỡ vướng về quản lý đất đai: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ số PAPI cho thấy tỷ lệ người dân phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ trong vòng 3 năm đã giảm gần 30%.

 
Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bạc Liêu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bạc Liêu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI (Nghị quyết số 19-NQ/TW) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. 
Thực tế hiện nay còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để việc quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả cao hơn. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về chủ đề “Gỡ vướng về quản lý đất đai.”
Bài 1: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
Thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiếp tục quán triệt tinh thần cải cách hành chính trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục đã hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 1686/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2021 công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính thay thế trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Những điểm sáng
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ chế, chính sách cũng như các quy định thủ tục hành chính ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa; đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.
Là một trong những điểm sáng trên toàn quốc về cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, công khai trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, trên website của tỉnh, tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh cũng như ở Bộ phận một cửa của Ủy ban Nhân dân cấp huyện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Đặc biệt, trong cải cách thủ tục hành chính về đất đai Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo cắt giảm 10% thời gian thực hiện đối với tất cả các thủ tục hành chính; đồng thời áp dụng 100% thủ tục hành chính về đất đai vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 nên có một số thủ tục hành chính áp dụng tại cấp tỉnh đã được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.
Tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến trong việc tinh gọn thủ tục hành chính về đất đai, giảm gánh nặng thủ tục cho người dân.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Lạc, thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” từ ngày 1/1-31/5/2021, Trung tâm Hành chính công của huyện đã tiếp nhận 926 hồ sơ và đã giải quyết 877 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt xấp xỉ 95%.
Bộ phận “một cửa,” “một cửa liên thông” của các xã, thị trấn trong 5 tháng đầu năm tiếp nhận 7.678 hồ sơ. Số hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 89%.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác cải cách hành chính, từ năm 2015 đến năm 2019, Yên Lạc đều giữ vị trí quán quân trong khối các huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc về cải cách hành chính và năm 2020 xếp vị trí thứ 5 về công tác này.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa hiện đang tổ chức thực hiện theo cơ chế một cửa, nhiều giải pháp được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
Đối với một số Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện miền núi, quãng đường di chuyển xa, địa hình đi lại khó khăn, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đang xây dựng quy trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ qua phần mềm Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để giảm thời gian luân chuyển hồ sơ từ Chi nhánh đến Văn phòng Đăng ký đất đai.
Đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại Chi nhánh, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh có văn bản chỉ đạo các Chi nhánh thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện đối với 14 thủ tục hành chính tại Chi nhánh, thời gian cắt giảm từ 3-16 ngày.
Từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm từ 1-20 ngày.
Đến khi thực hiện Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm từ 5-15 ngày tùy loại thủ tục.
Những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị như duy trì Tổ tư vấn pháp luật về thủ tục hành chính của ngành tại Trung tâm Hành chính tỉnh; niêm yết địa chỉ tiếp nhận phản ánh, ý kiến tại Bộ phận một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường; tổ chức phát phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đến trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hiện kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của Bình Dương thuộc nhóm đứng đầu cả nước, tình trạng hồ sơ trễ hạn đã giảm đáng kể, chỉ chiếm 0,27%.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã tiếp nhận và giải quyết 185.859 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn 185.364 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,73%.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phối hợp triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Thuế thực hiện luân chuyển thông tin địa chính bằng hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về lĩnh vực đất đai.
Đến nay, tất cả Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố đều đã thực hiện luân chuyển thông tin địa chính bằng hình thức điện tử sang Cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.
Việc áp dụng giải pháp trên đã rút ngắn được thời gian giải quyết từ 5 ngày xuống còn 3 ngày đối với các hồ sơ về đăng ký đất đai, tạo tiền đề cho sự phối hợp giữa 2 cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ thuận lợi cho cán bộ xử lý hồ sơ, giảm thiểu các thủ tục rườm rà đối với người dân và doanh nghiệp. 
Cải cách đồng bộ
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết từ năm 2016 đến nay, Tổng cục đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, nổi bật nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục được thực hiện lồng ghép trong quá trình dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Lượng giao dịch mua bán bất động sản tăng, cán bộ, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột phải tăng ca làm việc. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Lượng giao dịch mua bán bất động sản tăng, cán bộ, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột phải tăng ca làm việc. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Riêng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trình Chính phủ ban hành đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống còn 1/2 so với trước đây.
Bên cạnh đó, Tổng cục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tổng cục cũng tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1415/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 21/4/2016 gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai để sửa đổi theo hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tổng cục cũng rà soát, chuẩn hóa thống nhất danh mục thủ tục hành chính về đất đai, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 634/QĐ-BTNMT ngày 29/3/2016 về công bố thủ tục hành chính và thực hiện đánh giá tác động của các thủ tục hành chính phát sinh trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng cục chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính, trong đó đã tổ chức rà soát các thủ tục về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Những cải cách trong thủ tục hành chính về đất đai đã đem lại hiệu quả tích cực cho kinh tế-xã hội, được xã hội ghi nhận.
Cụ thể, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy tỷ lệ người dân phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ trong vòng 3 năm đã giảm gần 30%, chất lượng dịch vụ về cấp giấy chứng nhận tăng từ 2,64 điểm lên 3,49 điểm (thang điểm 4).
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã được đẩy mạnh.
Tổng cục đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BTNMT ngày 9/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sử dụng văn bản điện tử có xác thực chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Hiện nay, toàn bộ văn bản đi, đến đã được thực hiện xử lý, cập nhật hoàn toàn trên hệ thống hồ sơ công việc.
Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với rất nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành.
Trong đó có quy định rằng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung chức năng cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai để các cơ sở này có thể giải quyết các vấn đề nói trên. Trước đây, người dân chỉ có thể tới Văn phòng Đăng ký mới được giải quyết.
Trung bình mỗi năm, cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu thủ tục hành chính.
Một số địa phương đã thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh như Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Long An.., thử nghiệm nền tảng để kết nối tới Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên môi trường điện tử.
Ông Lê Thanh Khuyến cho biết thêm, gần đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 09 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để hướng dẫn khi người dân đi làm sổ đỏ thì không cần nộp bản sao các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, căn cước, sổ hộ khẩu mà sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy định mới này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ khi đi làm các thủ tục, thay vào đó sử dụng dữ liệu trong hệ thống Cơ sở dữ liệu điện tử.
Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.