Gỡ "nút thắt" cho Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 18 năm tính từ thời điểm được phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng (TP. Pleiku) vẫn chưa thể hoàn thành. Công tác bồi thường, thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được xem là “nút thắt” khiến dự án này chậm trễ.

Gặp khó trong giải phóng mặt bằng

Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2003 do Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (Công ty FBS) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích gần 16 ha, bao gồm 71.493,69 m2 đất ở; 15.488,04 m2 đất công trình công cộng; 19.054,2 m2 đất cây xanh mặt nước và 44.260,4 m2 đất giao thông. Dự án nằm dọc hai bên trục quốc lộ 14 (đoạn ngã ba Hoa Lư-Phù Đổng) thuộc địa bàn các phường: Hoa Lư, Hội Thương, Phù Đổng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư đã thực hiện theo hình thức giải phóng mặt bằng đến đâu tiến hành thi công các hạng mục đến đó. Đến thời điểm này, địa phương đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở, khu nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư, các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, cây xanh cảnh quan trên diện tích hơn 14 ha.

 Một góc khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng trên đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Lê Anh
Một góc khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng trên đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Lê Anh


Trước đó, ngày 24-5-2019, UBND tỉnh có Quyết định số 265/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Cụ thể, quyết định điều chỉnh tiến độ về đầu tư xây dựng hệ thống nhà kinh doanh đối với diện tích giao lần 1 (6,4 ha) hoàn thành trong quý IV-2019; điều chỉnh tiến độ Dự án về hạ tầng đối với diện tích giao lần 2 (8,6 ha) thời gian hoàn thành quý IV-2020. Đối với diện tích đất giao lần 2, song song với việc triển khai đầu tư hạ tầng sẽ thi công tại các vị trí đã có mặt bằng; các vị trí còn lại (chưa có mặt bằng) gia hạn triển khai đến hết quý III-2021. Diện tích còn lại là 16.578,34 m2 (đất ở 6.351,8 m2; đất nông nghiệp trồng cây lâu năm 10.226,54 m2 của 20 hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn phường Phù Đổng) do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku thực hiện. Dù đơn vị này đã nỗ lực nhưng đến ngày 21-5-2021 mới có 15/20 hộ đồng ý phương án bồi thường.

“Nút thắt” dần được tháo gỡ

Chiều 1-7, UBND TP. Pleiku đã tổ chức buổi đối thoại với hộ ông Nguyễn Lý-bà Phùng Thị Ngọc Loan (phường Phù Đổng) nhằm thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Theo đó, diện tích đất của gia đình ông Lý là hơn 1.168 m2. Phương án bồi thường, hỗ trợ đã được UBND TP. Pleiku áp dụng theo Quyết định số 1975/QĐ-UBND của UBND tỉnh với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 16,7 tỷ đồng, được mua 3 lô đất (115 m2/lô có thu tiền hơn 3,174 tỷ đồng/lô) tại khu L12, mặt đường Nguyễn Tất Thành (phường Phù Đổng) và giao 2 lô đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp con của ông bà đã đủ điều kiện tách hộ (khu I-16, diện tích 88,5 m2/lô, thu tiền sử dụng đất hơn 495 triệu đồng/lô) tại khu tái định cư Trại kỷ luật quân đội. Trong quá trình triển khai, hộ ông Lý không đồng ý nhận tiền bồi thường theo phương án được phê duyệt và đề xuất được chọn 2 lô đất liền kề tại khu tái định cư đường Nguyễn Lương Bằng hoặc khu tái định cư đường Tạ Quang Bửu đối với 2 lô đất được giao theo diện tách hộ. Tại buổi đối thoại ngày 1-7, lãnh đạo UBND TP. Pleiku, ngành chức năng và UBND phường Phù Đổng đã lắng nghe ý kiến mà hộ ông Lý trình bày; đồng thời giải thích cặn kẽ điều kiện quy định và các bước khi áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua đó, gia đình ông Nguyễn Lý đã thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sẵn sàng bàn giao đất phục vụ dự án.

Cùng với hộ ông Lý, hiện có 2 hộ khác cũng đã đồng ý với các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, sẵn sàng bàn giao đất phục vụ Dự án. Ông Đặng Toàn Thắng-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Việc người dân chưa thống nhất có thể do chưa hiểu hết quy định của pháp luật. Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình để áp dụng các chế tài theo quy định”.

Hộ ông Nguyễn Đình Thái (phường Phù Đổng) có tổng diện tích thu hồi là 202,4 m2 đất ở. Sau khi thu hồi, ông được bồi thường bằng 1 lô đất tại đường Nguyễn Tất Thành có thu tiền sử dụng đất (hơn 2,5 tỷ đồng). Chủ đầu tư cũng đã xem xét có cơ chế sang nhượng cho hộ ông Thái 1 lô đất tại đường Tạ Quang Bửu theo giá ưu đãi (1,3 tỷ đồng). Thế nhưng, ông Thái cho rằng, lý do gia đình không thống nhất nhận tiền bồi thường là vì mức thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thu hồi đất cao; sau khi thu hồi đất, gia đình nộp thuế thì số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng không đủ để mua lại 1 lô đất tái định cư. Gia đình đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ tiền thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng theo quy định. Còn hộ ông Trương Thế Hùng (phường Phù Đổng) có tổng diện tích đất thu hồi là 444,7 m2 đất ở. Ông Hùng kiến nghị xác định lại vị trí và kích thước của các thửa đất của ông tiếp giáp đường Nguyễn Tất Thành. Về chính sách tái định cư, gia đình đề nghị được cấp 4 lô đất gồm: 1 lô đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, 2 lô liền kề đường Tạ Quang Bửu và 1 lô đất đối với trường hợp đủ điều kiện tách hộ.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Hạnh-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku: “Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và UBND phường Phù Đổng để có hướng giải quyết dứt điểm đối với những hộ còn lại. Trong trường hợp các hộ không đồng ý, Trung tâm sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét trình UBND thành phố thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định”.

 

 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.