Gỡ “nút thắt” cho công nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tăng trưởng GDP của nước ta nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây là vì đại đa số doanh nghiệp khó khăn, xuất khẩu giảm mạnh, tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt 0,44% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói là công nghiệp chế biến, chế tạo đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng khi chỉ tăng 0,37%. Câu hỏi đặt ra là làm gì để công nghiệp thực sự nắm vai trò dẫn dắt nền kinh tế?

2 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp Việt Nam suy giảm mạnh, tốc độ “tăng trưởng âm” 6,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong suốt 20 năm qua. Dù từ tháng 3, ngành công nghiệp có sự tăng trưởng dương trở lại nhưng giá trị tăng thêm của toàn ngành 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước.

Là quốc gia thu nhập trung bình thấp, nền kinh tế có độ mở lớn với giá trị thương mại xuất-nhập khẩu gấp gần 2 lần quy mô GDP, lại tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới, Việt Nam không tránh khỏi tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và những biến động về chính trị, quân sự lớn trên thế giới, cùng những nguyên tắc về “xanh hóa chuỗi cung ứng”, nhất là với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, dệt may, da giày, nông-thủy sản…

Dù đã có nhiều nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp, song không thể phủ nhận thực tế là nội lực của công nghiệp Việt Nam còn yếu, manh mún, thiếu định hướng mũi nhọn; phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này đã được ngành Công thương thẳng thắn thừa nhận tại thời điểm Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra là đòi hỏi vô cùng cấp bách của đất nước.

Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo cho giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” của các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam, đồng thời trụ vững được tại thị trường trong nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp bình quân trên 8,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.

Vấn đề quan trọng thứ 2 là làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Bởi hiện tại, 70% kim ngạch xuất khẩu đang phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, mà chủ yếu là công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, máy móc công nghệ cao-lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận. Sự suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay của một số ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, đồ gỗ… hay của một số địa phương “trung tâm công nghiệp” cho thấy rõ điều này.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Việc thiết kế đồng bộ các ngành công nghiệp nền tảng gắn với các công trình, dự án như năng lượng, y tế hay giao thông-vận tải... sẽ không chỉ tạo ra việc làm, sản phẩm cho các ngành công nghiệp mà còn mở rộng thêm quy mô doanh nghiệp và nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đất nước.

Như vậy, “nút thắt” quan trọng nhất cần được tháo gỡ chính là hoàn thiện thể chế. Chỉ khi được luật hóa và đồng bộ các cơ chế chính sách thì mới quyết định được chất lượng đầu tư; từ sự lựa chọn đầu tư của các đối tác, sự lớn mạnh của doanh nghiệp và đường hướng phát triển bền vững công nghiệp.

Để “xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra một số định hướng cụ thể như: đẩy mạnh liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá.

Hiện thực hóa quan điểm, định hướng đó để đi đến thành công phụ thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn, trách nhiệm của nhà quản lý, điều hành và dựa trên chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.