(GLO)- Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư trên địa bàn biên giới của tỉnh. Ngay khi thiên tai xảy ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tích cực bám dân, bám địa bàn, nhanh chóng sơ tán người, di dời đồ đạc về nơi an toàn; đồng thời hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.
“Chưa cứu được người dân thì chưa nghỉ”
Nhớ lại trận ngập lụt vừa qua, chị Lê Thị Lời (làng Goòng, xã Ia Púch) vẫn thảng thốt: “Chỉ chưa đầy 10 phút, tất cả đồ đạc trong nhà bị nước cuốn trôi. Nước dâng quá nhanh, tôi chỉ kịp cạy mái tôn, đưa 2 con nhỏ (12 tuổi và 3 tuổi) leo lên nóc nhà và dùng tấm xốp trắng ra hiệu để các lực lượng đến cứu. Trong lúc tuyệt vọng nhất, 3 mẹ con tôi đã được các anh bộ đội đến cứu giúp, đưa về trú ở nơi an toàn. Gia đình tôi biết ơn các anh bộ đội lắm!”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Púch giúp dân dọn dẹp đường làng sau mưa bão. Ảnh: P.D |
Vì chủ quan, anh Trần Ngọc Quyết-một người dân có rẫy gần Đồn Biên phòng Ia Púch cũng suýt mất mạng trong mưa lũ. Gần 10 năm sống trên biên giới, chưa từng chứng kiến mưa lũ xảy ra nên khi Bộ đội Biên phòng gọi điện nhắc nhở phải khẩn trương di dời, anh Quyết vẫn nấn ná để thu gom đồ đạc. “7 giờ sáng hôm đó, nước vẫn cách mặt nhà đến mấy mét, vậy mà chưa đầy nửa tiếng sau, nước ở đâu cứ ùn ùn đổ về. Nước cuốn trôi hết đồ đạc, tôi trèo lên mái nhà cầu cứu mà trong lòng nghĩ chắc không sống được vì nhà cũng lung lay muốn trôi theo dòng nước”-anh Quyết kể.
“Nhận được tin báo, đơn vị đã nhanh chóng triển khai lực lượng, chia làm 2 hướng mang theo áo phao cùng một số phương tiện cơ động đến khu vực xảy ra lũ lụt, phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn”-Thiếu tá Trần Mạnh Hà-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Púch, cho biết. Với quyết tâm “Chưa đưa được hết người dân đến nơi an toàn thì chưa nghỉ”, sau 1 ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch đã giúp 39 hộ dân/167 khẩu ở khu vực làng Bỉh và Đội 14 Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) di dời đến các nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Brang, làng Bỉh và Đồn Biên phòng. Đặc biệt, đơn vị cũng phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông dùng ca nô cứu được 55 người dân bị cô lập trong nước lũ, phải đu bám trên cây cao su, ngồi trên nóc nhà, ở khu vực chòi rẫy... đưa về nơi an toàn.
Ngoài xã Ia Púch, địa bàn xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong ngày 10 và 11-6, các Đồn Biên phòng đã tổ chức sơ tán được 43 hộ/187 người từ nơi ngập nước ở các khu vực thuộc làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), làng Bua (xã Ia Pnôn); làng Bỉh, làng Goòng, Đội 14 Công ty Bình Dương (xã Ia Púch) vào vị trí an toàn; vận động, tuyên truyền được 5 hộ với 20 người ở nơi có nguy cơ bị ngập nước về chỗ trú an toàn.
Không để dân bị đứt bữa!
Mưa lớn đã khiến cho 56 ngôi nhà bị ngập lụt, 2 nhà bị tốc mái; 65,3 ha hoa màu, 7,5 ha cà phê, 1.859 cây điều, 700 trụ hồ tiêu, 270 con gia súc, gia cầm và một số tài sản của người dân trên khu vực biên giới của tỉnh bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, ở các Đồn Biên phòng: Ia Pnôn, Ia Púch và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động có 9 ha điều, 5 ha mì bị nước cuốn trôi, các vườn rau, ao cá bị ngập lụt. “Riêng tại khu vực suối Đôi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), nước lũ đã cuốn trôi 1 người dân và Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phối hợp cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức tìm kiếm”-Đại tá Trần Trung Dũng-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tích cực phối hợp tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp vệ sinh, khám-chữa bệnh, cấp thuốc, phun thuốc phòng dịch bệnh ở các khu vực bị ngập lụt để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. “Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát thiệt hại cụ thể đến từng đối tượng để có hướng khắc phục, đồng thời huy động các nguồn lực cùng hỗ trợ. Đối với những hộ bị thiệt hại nặng, có hoàn cảnh khó khăn, các Đồn trích kinh phí từ Quỹ Phòng-chống thiên tai của đơn vị để người dân không bị đói, không bị đứt bữa”-Đại tá Trần Trung Dũng nhấn mạnh.
Cùng với việc giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân về tác hại của thiên tai gây ra để chủ động phòng ngừa; quán triệt phương châm “4 tại chỗ” để nhân dân tự phòng ngừa là chính và có phương án cụ thể đối với từng gia đình, từng thôn, làng để khi có tình huống xảy ra thì chủ động xử lý trước khi có lực lượng đến ứng cứu. Mặt khác, các đơn vị cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các vị trí xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét... và tổ chức cắm các biển báo, biển cấm, biển quy định độ sâu mực nước trong mùa mưa bão để cảnh báo nhân dân phòng tránh. Các đơn vị cũng sẽ tăng cường tuần tra, chốt chặn để ngăn không cho người dân vào các khu vực nguy hiểm trong mùa mưa lũ, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người.
Phương Dung