Giữ hay bỏ loại hình đầu tư đổi đất lấy hạ tầng ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo luận về dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ngày 28.5, các đại biểu Quốc hội đã có quan điểm rất khác nhau về hình thức BT, hay còn gọi là “đổi đất lấy hạ tầng”.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) tranh luận về loại hình đầu tư BT ẢNH: QUANG HOÀNG
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) tranh luận về loại hình đầu tư BT ẢNH: QUANG HOÀNG
Về nội dung này, do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) trình 2 phương án để QH quyết định. Theo đó, phương án 1 là quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, “bảo đảm xử lý được các tiêu cực”; phương án 2 là bỏ hẳn quy định về loại hình dự án BT ở luật này, vì bản chất không phải hình thức đối tác công - tư. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị lựa chọn phương án 1.
Quá trình thực hiện có rất nhiều hạn chế
Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, ông chọn phương án 2, vì thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt. Nhà đầu tư thường “tranh thủ” cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định thầu dự án và được trả lại các khu “đất vàng”, giá trị cao gấp nhiều lần, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Loại dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP. Nếu nhà nước thiếu vốn thì nên đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có để có vốn đầu tư công vào các dự án cần, thay vì giao cho nhà đầu tư BT xây dựng rồi chuyển giao đất không qua đấu giá cho họ.
Hầu hết dự án BT giao đất không qua đấu giá
Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.013 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỉ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án xây dựng - chuyển giao (BT) tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này. Cụ thể, nhiều dự án cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập...
Quan điểm này được ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ. Ông Cường cũng cho rằng bản chất của hợp đồng BT là việc nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng công trình, sau đó bàn giao. Nhà nước sau đó sẽ thanh toán có thể bằng tiền hoặc bằng công trình. “Nếu như chúng ta thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì chúng ta đã có điều chỉnh bằng luật Đấu thầu, là lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình. Việc chúng ta thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì chúng ta đã có điều chỉnh ở luật về quản lý tài sản công về cách thức thanh toán. Do vậy, tôi cho ở đây chúng ta không nên đưa BT vào quy định trong luật này”, ĐB Cường nói.
Ngược lại, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nêu quan điểm: “Trong định nghĩa đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là “phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”, thì BT cũng là một sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, nó thuộc đối tượng nằm trong luật này”. Do đó, ĐB ủng hộ việc tiếp tục quy định trong luật, nhưng tạo hành lang pháp lý khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian trước đã xảy ra. ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng ủng hộ phương án 1 với lý do, thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu với khoảng 56% số dự án PPP, hiện còn nhiều dự án đang triển khai.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện nay BT không còn hình thức trả bằng tiền, chỉ còn hình thức trả bằng đất. Trong quá trình thực hiện dự án vừa qua có rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này nên cơ quan soạn thảo “sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH”.
“Nếu là đầu tư công thì không phải xây dựng luật này”
Một nội dung khác cũng được tranh luận gay gắt khi các ĐB thảo luận là việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có kiểm toán toàn bộ dự án PPP, hay chỉ kiểm toán phần vốn công góp vào đây. Rất nhiều ĐB đề nghị phải kiểm toán toàn bộ dự án. ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, dự án PPP là đầu tư công, do nhà nước chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình hoặc bằng quyền thu phí. “Bản chất là đầu tư công thì phải tuân thủ việc thực hiện KTNN theo đúng quy định”, ông Phương nói.
Tranh luận với nhiều ĐB phát biểu trước mình đều ủng hộ kiểm toán toàn bộ dự án, ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng QH đang làm luật PPP là hợp tác công - tư chứ không phải luật Đầu tư công. “Từ triển khai dự án đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước, thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước, thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, tôi cho rằng nếu đặt vấn đề chúng ta kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý”, ĐB Sinh nêu quan điểm.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng dự án PPP là một dự án có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công - tư nên nó không hẳn là một dự án đầu tư công như một số ĐB hiểu, bởi nếu nó là một dự án đầu tư công thì đã thực hiện theo luật Đầu tư công chứ không phải xây dựng luật này. Ông Dũng cũng “thống nhất là cần phải có kiểm toán”, nhưng KTNN chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. Còn tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp, để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên. “Các nội dung thiết kế trong dự thảo luật đã bảo đảm được chống thất thoát các tài sản của nhà nước”, ông Dũng nói.
Theo Vũ Hân-Lê Hiệp (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất