TP HCM phát triển khu Đông: Cơ hội cho bất động sản hưởng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc sáp nhập 3 quận phía Đông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo mới của TP HCM, trở thành "Thành phố trong lòng Thành phố" được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Trong bối cảnh này, bất động sản được đánh giá sẽ là lĩnh vực hưởng lợi, nhất là những dự án đại đô thị mang tầm vóc quốc tế.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Phương án lần này có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP (gọi tắt là thành phố phía Đông).
Khu Thảo Điền Q2 (ảnh Hoàng Triều)
Khu Thảo Điền Q2 (ảnh Hoàng Triều)
Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học - đào tạo bậc cao, Khu công nghệ cao - sản xuất tiên tiến, Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm tài chính và kinh doanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...
TP phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. Liên quan đến việc thành lập TP trực thuộc TP HCM, vào tháng 4-2020, UBND TP đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM (ảnh Hoàng Triều)
Phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM (ảnh Hoàng Triều)
Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội đầu tháng 5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ việc sáp nhập 3 quận phía Đông của TP HCM.
Khu đô thị sáng tạo chính là Thành phố phía Đông mà TP HCM ấp ủ thành lập từ nhiều năm qua, sẽ được thành lập trên 3 nền tảng là Khu công nghệ cao quận 9, Đại học Quốc gia ở Thủ Đức và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm quận 2. Với 10% dân số và diện tích, đây sẽ là vùng động lực cho thành phố phát triển với ước tính đóng góp 30% GDP của TP HCM, tương đương 4-5% GDP cả nước.
Thời gian qua, khu vực phía Đông gồm quận 2,9 và Thủ Đức đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, được xem là khu vực có tiềm năng phát triển vượt bậc so với các khu vực lân cận. Lợi thế lớn của khu vực này là sở hữu vị trí thuận lợi của thành phố với tốc độ phát triển bậc nhất Việt Nam, kết nối các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước là TP HCM – Đồng Nai và Bình Dương, cũng như khu vực Đông Nam Bộ.
Hầu hết những công trình giao thông trọng điểm của thành phố đều đi qua khu vực này như các tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ nối hầm Thủ Thiêm... Đặc biệt, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp đi vào hoạt động cũng thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.
Anh Minh Khang (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết gia đình anh sống ở khu vực này hơn 5 năm qua kể từ khi 2 vợ chồng mua căn hộ đầu tiên ở phường Phước Long B, đến giờ vẫn chưa có ý định chuyển chỗ ở.
"Khu vực này có hạ tầng giao thông tốt, hàng ngày tôi di chuyển qua Xa lộ Hà Nội hoặc đi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lên Mai Chí Thọ... vào trung tâm TP, hướng nào cũng thuận lợi. Quận 9 cũng rất tiện đi về Đồng Nai, Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi có đầu tư nhà đất và cũng chọn khu vực quận 9 vì kỳ vọng tiềm năng phát triển, nhất là sau khi có thông tin sáp nhập 3 quận, thành lập Thành phố phía Đông trong tương lai" - anh Minh Khang chia sẻ.
Khu Công nghệ cao Q9 (ảnh Hoàng Triều)
Khu Công nghệ cao Q9 (ảnh Hoàng Triều)
Khu vực phía Đông không chỉ thu hút cư dân trẻ đến ở, lập nghiệp mà đội ngũ chuyên gia, doanh nhân, trí thức trẻ cũng đến khởi nghiệp nhiều hơn thời gian qua. Theo các chuyên gia, với nhiều lợi thế có sẵn, đến nay khu Đông TP đang dẫn đầu về các công trình giao thông trọng điểm, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn.
Trong khi quận 2 đang phát triển rất sôi động với khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính kinh tế tầm cỡ quốc tế, thì quận 9 cũng sở hữu nhiều lợi thế do nằm liền kề quận 2 và thuộc Khu đô thị phía Đông, "Thành phố trong Thành phố".
Thực tế thời gian qua, dòng vốn từ nhà đầu tư đổ vào lĩnh vực bất động sản khu vực này cũng tăng mạnh, quận 9 đang có một sức hút rất lớn từ các "siêu dự án" bất động sản, trong đó phải kể đến những đại dự án như Vinhomes Grand Park được phát triển trở thành khu đô thị thông minh và đẳng cấp kiểu mẫu tại TP, trung tâm cửa ngõ phía Đông của TP. Những đại đô thị mang tầm vóc quốc tế như Vinhomes Grand Park được quy hoạch không thua kém các quốc gia phát triển, nhất là được phát theo mô hình đô thị thông minh, rất phù hợp với chiến lược phát triển mới của khu Đông trong tương lai.
Trao đổi với báo chí gần đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận định lợi thế hạ tầng, dịch vụ của khu vực phía Đông thành phố đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và khách hàng. Vài năm trở lại đây, hoạt động xây dựng, mua bán các dự án bất động sản cũng diễn ra khá sôi động tại khu vực này và trong tương lai không xa, bất động sản khu Đông sẽ dẫn dắt thị trường với tốc độ phát triển nhanh chóng.
P.Đình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm