Nguy cơ mất đất, mất tiền vì nhẹ dạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì nhẹ dạ và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Glar (huyện Đak Đoa) đã bị một số đối tượng lừa gạt dưới chiêu trò môi giới bán đất, làm trung gian trả nợ vay vốn và giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng để chiếm dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đem đi thế chấp hoặc sang nhượng lại cho người khác. Hiện nhiều gia đình đứng trước nguy cơ mất đất và lâm vào cảnh nợ nần.
Khốn đốn vì tin… “cò”
Hơn 3 tháng nay, ông Amyưm (làng Bối) như ngồi trên đống lửa bởi không thấy tăm hơi “ân nhân” của mình đâu. Theo lời ông Amyưm, tháng 6-2019, trong lúc gia đình đang thiếu vốn để làm ăn thì được một người dân trong làng giới thiệu gặp bà H. (không rõ lai lịch, thường đi bán hàng ở trong làng) để bán đất. Sau khi gặp và giới thiệu diện tích đất của gia đình cần bán, ông Amyưm và bà H. đã thống nhất giá trị chuyển nhượng mảnh đất 925 m2 (trong tổng số 2.578 m2 đất của gia đình) là 1,2 tỷ đồng. Sau đó, bà H. làm giấy viết tay và đặt cọc trước cho ông Amyưm 20 triệu đồng; đồng thời yêu cầu ông đưa GCNQSDĐ cho bà ta để hoàn thiện các thủ tục. Bà H. hứa số tiền còn lại khi nào ra công chứng giấy tờ sẽ trả hết. Phần vì thiếu hiểu biết, phần vì tin tưởng do thấy bà H. đã giao dịch với nhiều người dân trong làng nên ông Amyưm đã giao GCNQSDĐ. Bẵng đi một thời gian, tháng 10-2019, bà H. quay lại gặp ông Amyưm để trả lại GCNQSDĐ và hứa vài ngày sau sẽ mang tiền đến trả đủ cho ông. Khi bà H. đi rồi, ông Amyưm kiểm tra lại thì tá hỏa khi phát hiện GCNQSDĐ của mình đã bị chỉnh lý và sang nhượng 925 m2 đất cho một người khác. Đến nay, bà H. vẫn bặt vô âm tín cùng số tiền còn lại chưa trả cho ông Amyưm.
Huyện Đak Đoa tổ chức buổi tiếp dân, lắng nghe, tìm hiểu thông tin của người dân bị lừa chiếm đất tại xã Glar. Ảnh: N.T
Huyện Đak Đoa tổ chức buổi tiếp dân, lắng nghe, tìm hiểu thông tin của người dân bị lừa chiếm đất tại xã Glar. Ảnh: N.T
Lo sợ mất đất và số tiền còn lại, ông Amyưm đã viết đơn tố giác bà H. lên cơ quan chức năng. “Tôi nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của bà H. nên đã tin tưởng đưa GCNQSDĐ cho bà ấy. Đến khi thấy GCNQSDĐ đã bị chỉnh lý, diện tích đất không còn nguyên vẹn như ban đầu và tiền cũng không được nhận thì tôi mới biết bị lừa. Tìm hiểu tôi mới biết, ở làng Bối còn có cả hộ ông Nglưs, Mup và Amyơu cũng lâm vào tình cảnh giống như tôi nên viết đơn tố giác. Bây giờ, tôi cũng không biết phải làm sao”-ông Amyưm buồn rầu nói.
Ngoài thủ đoạn nói trên, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân, một số đối tượng đã sử dụng chiêu trò làm trung gian trả nợ vay vốn để lừa gạt, buộc phải mang những khoản nợ từ “trên trời rơi xuống”. Ông Huum (làng Tuơh Ktu) cho biết: Tháng 9-2019, ông thế chấp GCNQSDĐ để vay 30 triệu đồng của ông N. (trú tại thị trấn Đak Đoa). Vì gia đình không có tiền trả ông N. nên ông Huum đã nhờ ông L. (trú tại làng Hlâm, thị trấn Đak Đoa) vay ngân hàng giùm. Sau đó, ông L. cùng với người đàn ông tên H. (trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) đến nhà gặp ông Huum để xem đất, nhà cửa. Thời gian sau, ông H. tự liên hệ với ông N. để chuộc lại GCNQSDĐ mà ông Huum đã thế chấp. Đầu tháng 3-2020, ông H. gọi điện cho ông Huum yêu cầu lên Văn phòng Công chứng huyện Đak Đoa ký hồ sơ để vay ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, ông Huum vẫn chưa nhận được giấy tờ để vay ngân hàng vì ông H. và ông L. yêu cầu phải trả 140 triệu đồng (cả tiền gốc và lãi) thì mới trả lại giấy tờ cho ông.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: “Huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng rà soát thêm các hộ dân khác để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi sang nhượng đất nên tham khảo chính quyền để hướng dẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Thái Văn Hưng-Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: “Thời gian gần đây, tại địa bàn xã, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số đã dùng các chiêu trò dụ dỗ người dân đưa GCNQSDĐ để sang nhượng đất. Bên cạnh đó, đánh trúng tâm lý cần tiền để giải quyết nhu cầu cuộc sống, các đối tượng đã liên tiếp dồn nhiều người dân trong xã đến đường cùng, bị mất đất và mang theo một khoản nợ lớn. Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo Công an xã kiểm tra, nắm tình hình, xác minh các vụ việc trên địa bàn; tuyên truyền người dân cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng và tố giác các đối tượng môi giới làm GCNQSDĐ, vay vốn ngân hàng. Đồng thời, UBND xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện, Công an huyện để xem xét, chỉ đạo xử lý các bước tiếp theo”. 

4 hộ dân làng Bối, xã Ia Glar, huyện Đak Đoa đang cung cấp thông tin về các đối tượng cò đất. Ảnh: N.T
4 hộ dân làng Bối, xã Ia Glar, huyện Đak Đoa đang cung cấp thông tin về các đối tượng cò đất. Ảnh: N.T
Cũng liên quan đến các vụ việc nêu trên, mới đây, ngành chức năng huyện Đak Đoa đã có buổi tiếp xúc với người dân xã Glar để nắm đầy đủ thông tin. Trung tá Hoàng Xuân Thành-Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Đak Đoa) thông tin: “Sau khi nhận đơn tố giác của bà con, chúng tôi đã phân công cán bộ trực tiếp thụ lý giải quyết. Chúng tôi đang thực hiện các quy trình điều tra, thu thập tài liệu, xác định hành vi của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi mong muốn bà con cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm