Giọt giọt Hạ uy cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự tò mò về Hạ uy cầm (loại nhạc cụ vang bóng một thời) đã dẫn đường chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Văn An (làng Kê, thị trấn Chư Sê). Nghiêng nghiêng mái đầu bạc, ông say sưa tấu lên một bài vọng cổ. Như mưa rơi trên lá, tiếng Hạ uy cầm đọng lại giọt giọt trong tâm tưởng, thấm đẫm cả đất trời. 
Nghề báo với cơ hội gặp gỡ không ít người thú vị, truyền cảm hứng đã cho chúng tôi nhận ra một điểm chung rằng, đa số họ trở nên thú vị vì đã đi đến cùng với đam mê: nghiên cứu khoa học, sưu tầm tư liệu, cổ vật, chế tác nhạc cụ… Những người như họ chẳng khi nào nhàm nhạt. Ông An là một trong số đó.
Niềm yêu với Hạ uy cầm
Nâng niu cây Hạ uy cầm thứ 6 vừa được chế tác xong, ông An trầm giọng kể: “Hạ uy cầm (guitar Hawaii) là loại nhạc cụ có xuất xứ từ Mỹ, du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước. Buổi ban đầu, Hạ uy cầm được “phát minh” khi một người dân trên quần đảo Hawaii thử sáng tạo bằng cách đặt ngửa chiếc đàn thùng, kê dây cao lên, tay trái dùng một chiếc quẹt zippo hoặc thanh inox (gọi là block) để chặn dây thay vì dùng ngón tay bấm lúc chơi đàn, tay phải gảy bằng phím hoặc móng nhựa”. 
Là nghệ sĩ đàn ca tài tử, nhạc sĩ Thanh Kim là người đầu tiên “xé rào”, chỉnh  dây để “Nam Bộ hóa” cây đàn, làm dậy sóng các sân khấu ở Sài Gòn những năm 1950-1960. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng bị tiếng Hạ uy cầm mê hoặc, trong đó có Đoàn Chuẩn. Với cây đàn này, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác những tác phẩm nhạc tiền chiến bất hủ. Tùy theo cách chỉnh dây mà Hạ uy cầm có thể chơi được nhiều thể loại: đàn ca tài tử, cổ nhạc, tiền chiến, tân nhạc… 
Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Lê Văn An đã mê đắm âm nhạc tài tử và những câu vọng cổ. Không mua được guitar phím lõm, cha mẹ cậu dành dụm mua tặng con cây đàn guitar điện (sau đó nhờ thợ khoét lõm phím đi) để chơi. Giá trị của cây đàn khi ấy tương đương 4 chỉ vàng! Chơi được vài câu vọng cổ, cậu bé hào hứng tham gia đội nhạc cổ truyền của địa phương gồm: cò, kìm, gáo, trống, phách, kèn… để phục vụ các buổi cúng đình. 
Ông Lê Văn An bên chiếc Hạ uy cầm. Ảnh: Phương Duyên
Ông Lê Văn An bên chiếc Hạ uy cầm. Ảnh: Phương Duyên
Năm 1967, khi đang tập tành chơi đàn guitar phím lõm thì cậu bắt đầu biết đến tiếng Hạ uy cầm đầy điêu luyện của nhạc sĩ Thanh Kim qua sóng phát thanh. Những thanh âm dặt dìu, não nuột “làm mưa làm gió” khiến bao người thổn thức. Ông An hồi tưởng: Tình yêu với Hạ uy cầm thổi bùng lên sau đó khi đoàn cải lương nức tiếng Sài Gòn 1 về lưu diễn ở An Khê vào khoảng năm 1972. “Tôi nài nỉ ba tôi mời ông thầy ở đoàn cải lương về dạy chơi guitar phím lõm và Hạ uy cầm, ba tôi ưng lắm nên bèn mời ngay. Đó là nhạc sĩ Thanh Quý. Tối chơi nhạc cho đoàn, ngày ông dạy đàn cho tôi”-ông An kể. Ngoài dạy đàn, người thầy đầu tiên này còn tặng ông cuốn ký âm pháp của Hạ uy cầm. Khi đó, ông vẫn chơi bằng cách đặt ngửa chiếc guitar phím lõm, kê cao dây, mở đĩa Thanh Kim ra tập dù khó cách mấy. 
Thấy chơi mãi theo cách trên không ổn, đến năm 1974, ông tự tìm gỗ trắc đẽo cho mình cây Hạ uy cầm đầu tiên. Nhờ một người bạn là thợ chuyên nghề điện tử giúp sức, ông học được cách quấn mô bin, lắp volume, công tắc cho cây đàn. Chỉ đơn sơ vậy mà chiếc đàn được ông xem như bạn tri âm cho đến tận bây giờ. 
Năm 1981, ông An vui mừng gặp lại nhạc sĩ Thanh Quý khi đoàn cải lương Sài Gòn 1 lại về An Khê biểu diễn. Nghe học trò dạo thử vài ngón đàn, ông thầy không khỏi gật gù: “Anh dạy nhiều đứa nhưng ít có đứa nào được như em. Tiếng đàn của em ngọt lắm!”. Nhạc sĩ Thanh Quý bèn rủ ông đi theo đoàn, đầu tiên là giữ chân kéo màn và phụ việc lặt vặt, sau đó sẽ được dạy đàn thêm để mai này thế chân ông. “Trong suốt 10 ngày đoàn ở lại biểu diễn, tôi không thể làm được việc gì ra hồn vì bị giằng xé ghê gớm giữa gia đình và đam mê”-ông An nhớ lại. Khi đó, ông là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện An Khê, đã có 1 vợ, 2 con. Nếu chọn âm nhạc thì ông phải bỏ công việc, biền biệt xa vợ con, gia đình… Ngày cuối cùng, thầy trò đành ngậm ngùi chia tay. Nhưng tiếng đàn thì vẫn đồng điệu cùng ông, thành một phần tâm hồn nghệ sĩ dù suốt ngày ông dầm mình trên công trường, dù loại nhạc cụ này dần vắng bóng sau vài thập niên khuấy đảo để nhường chỗ cho những nhạc cụ điện tử hoặc có tính đại chúng hơn. Người chơi, người chế tác đều trở thành “của hiếm”.
“Nâng tiếng đàn xa đưa” (*)
Đam mê lớn vậy nhưng cũng có lúc ông An “bỏ rơi” âm nhạc đến...  20 năm. Đó là khi chuyện áo cơm, lo cho 5 người con ăn học trở thành phận sự cao hơn tất thảy. Năm 1997, ông rời công việc nhà nước, cùng gia đình mở một cửa hàng tạp hóa tại huyện Kông Chro. Đến năm 2007, cả nhà lại chuyển về Chư Sê, bản thân ông dốc sức cùng con trai mở công ty truyền thông. Tiếng đàn thành xa vắng giữa chừng ấy bộn bề. 
Cho đến khi những khó khăn tạm lui, ông lại chợt nhớ đến lời dặn của nhạc sĩ Thanh Quý lúc chia tay: “Em nhớ chơi đàn tiếp nghe, chơi ngọt như em nếu bỏ thì tiếc lắm!”. Lần giở chiếc Hạ uy cầm im tiếng bấy lâu, ông vuốt những bản đàn cũ tưởng chừng đã rơi vào lãng quên. Tay phải cầm phím gảy, tay trái nắm thanh chặn lướt nhẹ trên cần đàn. Bàn tay linh hoạt bao nhiêu, 6 dây reo vang nức nở bấy nhiêu. Tiếng đàn xưa mà không cũ bao giờ.
Cách đây 6 tháng, ông An chợt nảy ra ý định làm ra những cây Hạ uy cầm của riêng mình. Ông giãi bày: “Đàn bán ở các cửa hiệu thì nhiều nhưng không có sắc thái riêng. Hơn nữa, tôi thích một cây đàn mang dáng vẻ cổ kính. Vì vậy, tôi bắt đầu mày mò nghiên cứu làm cây đàn thứ hai”. Ông tìm mua những tấm gỗ quý thường được các gia đình ngày xưa dùng làm đồ gia dụng như tủ, kệ, miễn sao đảm bảo kích thước 20 x 92 x 3 cm để làm thân đàn và cần đàn. Phụ kiện thì đặt ở nước ngoài của các hãng có tiếng như dây của Elixir, mobin của Wilkinson, Alnico 5 để đảm bảo chất lượng âm thanh. Sau đó, ông nghiên cứu kỹ lưỡng, vẽ mẫu chi tiết. Vẽ đi làm lại cả chục lần mới ưng ý, ông hướng dẫn thợ làm theo đúng thiết kế rồi khảm trai. Không có bất cứ sự nửa vời nào trong mọi khâu làm đàn. Đến giờ, ông đã hoàn thiện được 6 chiếc. Dù không có ý định mua bán, ông cũng đành nhượng lại 2 cây cho những người có cùng niềm yêu với Hạ uy cầm.
Nhạc sĩ Nguyễn Triệu Phúc (con trai nhạc sĩ Thanh Kim), hiện đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh: “Gặp được người tri âm với tiếng đàn của cha mình rồi theo đuổi đam mê đến suốt đời, tôi thấy vui lắm. Cũng là người dạy Hạ uy cầm, theo tôi biết hiện giờ số người sử dụng loại đàn này rất ít, người vừa biết chơi vừa biết làm đàn thì càng hiếm. Ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều chỗ bán Hạ uy cầm, nhưng từ trước tới nay tôi chưa gặp cây đàn nào như anh An đã làm. Cây đàn bằng gỗ quý, rất chất lượng, tiếng đàn chuẩn chỉnh, chưa kể mẫu mã duyên dáng, tinh tế. Chứng tỏ anh An nghiên cứu cây đàn này rất lâu rồi, bằng một tinh thần nhiệt huyết”.
Một trong những người đồng điệu là ông Lê Ngọc Anh (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Từng công tác trong ngành Y tế, cũng do mải bận rộn với công việc nên sau khi về hưu ông mới dành cho mình chút thảnh thơi cùng tiếng đàn. Ông Ngọc Anh từ tốn cho hay: “Ngoài tiệm có bán Hạ uy cầm nhưng tôi không ưng, chất lượng gỗ hay mô bin đều không có gì đặc sắc. Trong khi đó, đàn do ông An làm bằng chất liệu gỗ quý, tiếng đàn hay nhờ sự am hiểu về âm thanh và điện tử. Hội tụ những yếu tố đó, ông An đã tạo tác cây đàn hoàn hảo, có một không hai”. 
Ở tuổi 66 trải qua nhiều thăng trầm, ông An khẳng định: Đam mê với chiếc Hạ uy cầm không giúp ông làm ra tiền. Vậy thì vì sao ông vẫn theo đuổi, vẫn nghệ sĩ đến tận cùng? Trả lời câu hỏi ấy, ông mỉm cười hồn hậu bảo, giá trị nó mang lại không kể xiết. Là bởi, âm thanh dìu dặt, thanh thoát khiến con người quên đi những trắc trở trong đời sống. “Có những lúc bực giận, thậm chí gặp khó khăn do làm ăn suy sụp, tôi đeo tai phone ngồi đàn một mình. Chỉ cần chơi 10-15 phút, người nhẹ bẫng lại”-ông tâm tình. Tiếng đàn khi ấy thành tiếng lòng, thành tri kỷ, nâng đỡ tâm hồn mẫn cảm. Hạ uy cầm còn mang đến cho ông những giây phút thăng hoa, đầy tâm cảm trong những buổi gặp gỡ bạn bè tuổi hoa niên.
“Tôi cũng chưa biết sẽ dừng lại ở cây đàn thứ bao nhiêu”. Đó là chia sẻ của ông An khi chúng tôi hỏi về dự định. Sẽ còn tiếp tục chế tác cho đến khi vẫn tìm kiếm được nguyên liệu phù hợp, gặp được người đồng điệu. Và có lẽ cho đến lúc dòng nhạc vẫn chảy tràn trong tâm tưởng, trong nỗi hoài nhớ, trong sự vô ưu về thời thế… 
----------------
(*) Lời bài hát “Dạ khúc” (Nguyễn Mỹ Ca & Hoàng Mai Lưu)
PHƯƠNG DUYÊN
 
 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.