Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp đoàn viên của những người con xa quê, là cơ hội để gia đình sum họp, người thân, bạn bè gặp mặt, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tuy nhiên, trong khi nhiều người háo hức, mong đợi được đón Tết, thì cũng có không ít người “sợ Tết”. Làm thế nào để đón một cái Tết đầm ấm, văn minh, vừa thích ứng với thời đại mới, vừa giữ được nét đẹp truyền thống là vấn đề được đặt ra khi năm mới đang đến gần.
(Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

(Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Không phải ngẫu nhiên mỗi dịp cận Tết, vấn đề đón Tết như thế nào lại được nhiều người bàn luận. Người thì kiên quyết cho rằng phải giữ các phong tục cổ truyền mới bảo tồn được bản sắc văn hóa cha ông, người lại phân vân việc nên đón Tết đơn giản, nhẹ nhàng hơn để hội nhập thế giới, tránh gián đoạn, trì trệ trong công việc...

Bên nào cũng có lý nên cuộc tranh luận chưa thể đi đến hồi kết, song từ đây, có thể nhìn ra thực trạng nhiều mỹ tục truyền thống của Tết xưa đã chẳng còn giữ được nguyên vẹn giá trị, ý nghĩa ở Tết nay. Đơn cử như chuyện tặng quà Tết. Đây vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Tết xưa, người ta thường tặng nhau cặp bánh chưng hay cây giò, hộp bánh, gói mứt… để thể hiện tình cảm chân thành, quý trọng, tri ân giữa người thân, bạn bè hay đồng nghiệp.

Nhưng Tết nay, việc tặng quà, chúc nhau ngày Tết đã có nhiều biến tướng, thậm chí trở thành phương tiện để mưu cầu lợi ích cá nhân. Có trường hợp còn tranh thủ dịp Tết để thực hiện những mưu cầu cá nhân như “chạy” dự án, hoặc để được cấp trên “mắt nhắm, mắt mở”, xuê xoa, bao che cho những hành vi sai trái...

Chỉ cần nhìn vào thị trường quà Tết với la liệt những túi quà cầu kỳ, đắt đỏ toàn đồ ngoại nhập được tiêu thụ mạnh, sẽ thấy cuộc đua quà Tết diễn ra rầm rộ tới mức nào. Dẫu sao đó cũng chỉ là phần nổi có thể nhìn thấy, chưa kể đến những món quà nhỏ, nhẹ hơn nhưng trị giá lớn hơn gấp nhiều lần được biếu, tặng theo những cách thức tế nhị, kín đáo, kèm theo đó là những cam kết, thỏa thuận ngầm giữa đôi bên.

Thực trạng này cho thấy một phong tục đẹp ngày Tết đã và đang có nguy cơ bị nhuốm màu tiêu cực, trở thành sự đổi chác, mua bán lợi ích một cách không trong sáng. Hay cũng cần bàn đến những lệch lạc có phần phổ biến trong chuyện mừng tuổi ngày Tết. Đây vốn là nét đẹp văn hóa lâu đời không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam. Người lớn lì xì cho con trẻ để chúc một năm mới mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học tập giỏi giang.

Con cái, cháu chắt mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ để chúc thọ, mong người lớn tuổi bình an, may mắn. Những bao lì xì thường chỉ được bỏ số tiền nhỏ mang tính biểu trưng, quan trọng là chất chứa nhiều tình cảm, chở theo mong muốn cả người tặng và người nhận đều gặp được những điều tốt đẹp trong năm mới. Tuy nhiên, theo thời gian, tục lì xì ít nhiều đã đánh mất vẻ đẹp vốn có. Thay vì trân trọng những giá trị tinh thần gắn liền hành động mừng tuổi đầu năm, nhiều người quan tâm hơn đến “chất lượng” bên trong của bao lì xì. Thế nên mới đẻ ra chuyện lì xì theo kiểu “trả nợ”.

Cũng vì tâm lý ấy mà chuyện lì xì ngày Tết đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người, nhất là những gia đình có điều kiện khó khăn. Vì vậy có người chọn cách ở nhà, không đi đâu để tránh những mệt mỏi, phiền phức của việc mừng tuổi đầu năm. Trong một số trường hợp, chất liệu, kích thước, trị giá của những phong bao cũng thay đổi linh hoạt theo những toan tính cá nhân. Thời buổi công nghệ số, không ít trường hợp còn mừng tuổi cho trẻ bằng cách chuyển khoản cho bố mẹ.

Đáng nói, khi chuyện lì xì trở thành cuộc chơi của người lớn thì cũng là lúc tâm hồn trẻ con bị ảnh hưởng. Có nhiều trẻ vô cùng hào hứng coi Tết là dịp thu hoạch, kiếm tiền, gặp ai mừng tuổi nhiều thì sung sướng, mừng tuổi ít thì thất vọng, nghiêm trọng hơn là trẻ học cách đánh giá người khác và tỏ thái độ theo số tiền mà họ mừng tuổi. Nếu không có sự định hướng kịp thời, điều này sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ, góp phần hình thành lối sống thực dụng, đặt nặng giá trị đồng tiền.

Vô hình trung, những cuộc đua quà Tết, lì xì,... đang có nguy cơ khiến một dịp lễ trọng, thiêng liêng của dân tộc nhuốm màu thương mại hóa. Đó là chưa kể còn vô số biểu hiện cho thấy xu hướng chạy theo sự xa hoa, lãng phí. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao nên không phải cứ đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp.

Nhưng với suy nghĩ cả năm chỉ có một cái Tết nên không ít gia đình đã “vung tay quá trán” cho việc sắm sửa, trang hoàng, mua thực phẩm Tết. Có nhà quanh năm tiết kiệm từng bữa nhưng tới Tết thì cố dồn tiền sắm sửa cho bằng người. Tết chỉ vỏn vẹn vài ngày song số đồ mua về thậm chí có thể phục vụ cho cả tuần, cả tháng. Và hệ quả của sự khoa trương cùng tâm lý mua thừa còn hơn thiếu là chi tiêu quá đà cho những thứ không cần thiết, gây lãng phí và tạo ra áp lực kinh tế lớn cho các gia đình.

Không chỉ nguy cơ lãng phí tiền bạc, thực phẩm, nhiều người còn lãng phí cả thời gian, công sức cho việc ăn Tết lê thê, dông dài. Quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên không ít người bỏ bê công việc, say sưa với hàng loạt những cuộc tụ tập nhậu nhẹt hay lễ hội liên tiếp dịp đầu năm, dẫn tới tiêu tốn cả công sức, tiền bạc và sức khỏe.

Ấy là chưa kể không ít người vẫn mang tâm thế mê tín khi thực hành lễ hội. Họ mong cầu được ban lợi lộc, địa vị nên vung tiền sắm lễ thật to, hoành tráng, thậm chí sẵn sàng xô đẩy nhau để tranh cướp lộc, đánh mất những giá trị nhân văn của lễ hội.

Muốn đón Tết cổ truyền một cách ý nghĩa, thiết thực như vẻ đẹp vốn có, trước hết cần kiên quyết loại bỏ những biến tướng tiêu cực, trước hết là thói phô trương, tiêu xài lãng phí, xa hoa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tiết kiệm trong những ngày Tết cổ truyền. Tiêu biểu như Tết Canh Tý năm 1960, Người viết tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán thế nào?” đăng trên Báo Nhân Dân.

Người nhấn mạnh: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân!”. Lời dạy của Bác từ mùa xuân của hơn 60 năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị thời sự, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nước ta đang phải nỗ lực tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài chịu tác động từ đại dịch Covid-19.

Chi tiêu Tết sao cho vừa đủ, không lãng phí cần căn cứ vào nhu cầu, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng cá nhân, gia đình, đơn vị. Việc tiết chế những hoạt động ăn uống linh đình, rình rang ngày Tết không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc, thực phẩm, mà còn giúp gia chủ không mất quá nhiều công sức bày vẽ, dọn dẹp, có thêm thời gian, không gian tận hưởng niềm vui dịp Tết đoàn viên.

Bên cạnh đó, để có cái Tết văn minh, giữ được những nét đẹp cổ truyền, cần kiên quyết loại bỏ những hủ tục như mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè…; kiên quyết bài trừ những tư tưởng, hành động lợi dụng Tết để vụ lợi, biếu tặng dưới nhiều hình thức. Ngày 18/11/2022 Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 19-CT/TW về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, trong đó quy định: Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trước thềm năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kịp thời ban hành Công văn số 5256/BVHTTDL-VP ngày 29/12/2022 về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tràn lan gây tốn kém, lãng phí...

Đây chính là những biện pháp tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi, biểu hiện sai lệch trong thực hành phong tục Tết. Tuy nhiên, xét đến cùng, những ứng xử như tặng quà, lì xì, tham gia lễ hội đầu xuân... là hành vi văn hóa khó định lượng và khó kiểm soát, nên làm thế nào để những phong tục văn hóa này không biến tướng phụ thuộc phần lớn vào nhận thức chung trong toàn xã hội cũng như ý thức, suy nghĩ và sự liêm chính của mỗi người dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhân tố hết sức quan trọng.

Thiết nghĩ, nếu cấp trên kiên quyết từ chối quà, cấp dưới sẽ chẳng thể có cơ hội dùng quà Tết cầu danh lợi. Hoặc nếu người lớn chẳng quá để ý đến trị giá của phong bao, trẻ con được dạy về nét đẹp của tục lì xì, thì niềm vui khi được mừng tuổi sẽ trọn vẹn. Quan trọng nhất có lẽ vẫn cần khơi dậy, phát huy mạnh mẽ vai trò của đạo đức xã hội, lối sống lành mạnh, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị đích thực của những phong tục gắn liền với Tết. Để có cái Tết vui tươi, ấm áp mà vẫn an toàn, ý nghĩa cho gia đình, đất nước tùy thuộc rất nhiều vào ý thức và sự lựa chọn sáng suốt của mỗi người.

https://nhandan.vn/gin-giu-net-dep-van-hoa-ngay-tet-post735249.htmlXem link nguồn

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.