Giáo dục thẩm mỹ từ... tranh tường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tranh tường không chỉ tạo ra không gian đẹp ở các trường học mà còn kích thích sự sáng tạo, tư duy thẩm mỹ cho học sinh, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non. Vì vậy, nhiều trường học bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất cũng ngày càng chú trọng đến không gian thẩm mỹ cho môi trường học đường.
Đầu năm học 2018-2019, nhóm họa sĩ Đinh Việt Thanh, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Long đã “vẽ ước mơ” của rất nhiều em nhỏ lên những bức tường ở Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku). Hiện các họa sĩ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện tác phẩm ở cầu thang, khu vui chơi… nhằm tạo ra không gian tràn ngập sắc màu cho các bé. Mỗi bức tranh tường là một mảng chủ đề: trò chơi dân gian, truyện cổ tích, thế giới tuổi thơ với hoàng tử, công chúa, những ngôi nhà trên cây, chú lính cứu hỏa, phi công… Họa sĩ Đinh Việt Thanh cho biết: “Khi thực hiện tranh tường cho các trường mầm non, chúng tôi luôn cố gắng đầu tư nội dung, bố cục, hình ảnh bắt mắt, sắc màu phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt ở phần nội dung, chúng tôi thường lựa chọn các câu chuyện cổ tích gần gũi, thân thuộc với trẻ, những trò chơi dân gian, hay vẽ lại những ước mơ sống động của trẻ”.
 Tranh tường ở cầu thang giúp học sinh ý thức hơn về việc giữ gìn trường lớp sạch, đẹp. Ảnh: Minh Châu
Tranh tường ở cầu thang giúp học sinh ý thức hơn về việc giữ gìn trường lớp sạch, đẹp. Ảnh: Minh Châu
Trường Mầm non Hoa Hồng là một trong những ngôi trường chú trọng “thay áo mới” cho các bức tường. Không chỉ sơn sửa, nhà trường thường làm mới bằng những bức tranh tường đầy màu sắc, chứa đựng những câu chuyện ý nghĩa, mang tính giáo dục con trẻ. Theo họa sĩ Đinh Việt Thanh, những bức tranh tường còn là giải pháp khắc phục sự xấu xí của những bức tường bị bong tróc, ố màu. “Khi lên xuống cầu thang, các em rất hay vịn tay vào tường nên đây thường là những mảng tường bị bôi bẩn nhiều nhất. Nhưng khi những con vật mà các em yêu quý, những nhân vật trong câu chuyện thần tiên mẹ kể mỗi tối xuất hiện sống động trên những bức tường hay dọc cầu thang, các em sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn, hạn chế sờ tay, bôi bẩn lên tường. Điều này không ai dạy nhưng chính các em sẽ tự ý thức để nâng niu, trân trọng cái đẹp”-họa sĩ Đinh Việt Thanh nhận xét.
Không chỉ Trường Mầm non Hoa Hồng mà nhiều trường mầm non khác trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ trong môi trường học đường. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh đã thực hiện nhiều công trình tranh tường cho các trường mầm non. Không giống như trang trí mỹ thuật cho các công trình khác, ở bậc học đầu đời của trẻ, trang trí phải chú trọng tính giáo dục và tính cộng đồng. Không chỉ có các câu chuyện cổ tích, dân gian, những con vật gắn với các câu chuyện… mà nội dung tranh tường còn lồng ghép tình cảm nguồn cội, quê hương, gia đình  cho các em thông qua sắc màu hội họa. Một lợi thế của các họa sĩ này đó là họ đều là giáo viên dạy Mỹ thuật trong các trường học nên có sự đồng điệu với tư duy thẩm mỹ của học sinh để thực hiện những bức tranh tường chạm được đến niềm yêu thích của các em.
Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh cũng là người từng thực hiện tranh tường cho các trường học ở TP. Hồ Chí Minh lẫn TP. Pleiku. Anh cho biết, những không gian đẹp trong môi trường học đường có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ một cách trực quan. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng vẽ cho ra cái chất ngộ nghĩnh trẻ thơ để các em nhìn vào là mê ngay, đó mới là cái khó. Nhiều trường còn chọn những bức vẽ đẹp của học sinh và thuê họa sĩ thể hiện lại trên tường. Nói về tính giáo dục của tranh tường, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh nhấn mạnh: “Đây là một cách giáo dục, định hướng thẩm mỹ rất tốt cho các em, lại vừa khuyến khích các em sáng tạo. Giáo dục thẩm mỹ trong học đường cần được đề cao hơn nữa, bởi nó góp phần hình thành năng lực thẩm mỹ ở trẻ, giúp các em biết bố trí, sắp đặt, trang trí sao cho hài hòa, cân đối, sinh động, đẹp mắt. Sống trong một không gian thẩm mỹ thì mới có thể hình thành những tình cảm thẩm mỹ. Có trình độ thẩm mỹ mới làm nên điều tốt đẹp. Một tâm hồn biết rung động trước thiên nhiên, cây cỏ thì không thể tàn phá cây cối, núi rừng…”.
Hiện nay, không chỉ các trường Mầm non mà nhiều trường Tiểu học, THCS, THPT cũng đang dần hình thành những không gian sắc màu trong môi trường học đường. Họa sĩ Đinh Việt Thanh cho biết, riêng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) nơi anh đang giảng dạy, anh đã hướng dẫn học sinh vẽ tranh lên những bức tường lớn theo nội dung, chủ đề cụ thể. Đây là cách khuyến khích những học sinh có năng khiếu mỹ thuật, giúp các em mạnh dạn thể hiện và tha hồ tưởng tượng, bay bổng trong thế giới của sắc màu, tạo nên những tác phẩm sinh động và đẹp mắt, giúp các em thêm yêu lớp, yêu trường và học tập tốt hơn.
 Minh Châu

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.