Gian nan lấy mật ngọt cho đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để có những chai mật ngọt cho đời, những người làm nghề nuôi ong quanh năm suốt tháng sống xa nhà, rong ruổi khắp những khu vườn, rừng, nơi nào có hoa thơm là họ tìm đến, cùng với những đàn ong. Trong những giọt mật ngọt lấy được có hoà lẫn cả nước mắt.
Màn trời chiếu đất
Mùa cạo mủ cao su ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã xong nên vắng bóng người. Bên dưới tán cây là đàn ong thợ hàng chục ngàn con đang tấp nập bay đi bay về, cần mẫn làm mật. Thấp thoáng trong vườn cây, là những lán trại được dựng tạm với vách nứa, mái bạt nilong, trống trước hở sau của những người nuôi ong. Họ là dân nuôi ong du mục, mới từ Bình Thuận vào đây.
 
Kiểm tra sức khoẻ và chăm sóc đàn ong
Lại gần khu lán, chúng tôi mới thấy những người thợ đang bận rộn với việc thu hoạch mật. Ông Nguyễn Mạnh Hà, 60 tuổi, có hơn 200 thùng ong mật đặt song song hai bên khu lán của gia đình, đang thoăn thoát đôi tay bám vào các cầu ong đã kết mật vàng sóng sánh, nhẹ nhàng kéo ra. Bị động, bầy ong bay tứ tán, tấn công chủ trại nhưng do đã chuẩn bị chiếc mũ có gắn lưới che nên ông không bị con nào “đánh”. Công việc của người nuôi ong thường bắt đầu từ lúc sáng sớm và kết thúc khi ánh mặt trời.
Vừa làm ông Hà vừa nói: “Thùng này vừa “quay mật” được hai ngày trước nhưng ong đã tạo gần 3 cầu mật nên phải chú ý tăng cường thêm thức ăn để cuối tuần thêm 1 lần quay mới. Dịp này không có mưa nên ong tìm hoa lấy mật đều, chẳng mấy ngày nữa lại có thêm hoa lợi”.
Trong mỗi thùng ong có một con ong chúa màu vàng óng được tạo ra lúc chia đàn và cả ngàn con ong thợ có nhiệm vụ tìm hoa kiếm mật hễ khi “có động” lại phát ra âm thanh ầm ĩ. Cứ thế trong vòng 3 tiếng đồng hồ, hơn 200 thùng đã được cung cấp thức ăn để tiếp thêm năng lượng cho bầy ong hàng ngàn con bay đi tìm mật.
Hơn 12 giờ trưa, nắng bắt đầu gay gắt, không khí oi bức khiến ông Hà ướt đẫm mồ hôi. Gạt những giọt mồ hôi lăn trên gò má, ông cho biết, mỗi lần “thăm mật” thì chỉ cần 1 - 2 người, nhưng lúc thu hoạch thì phải có 10 người và hoàn tất xong việc lọc mật để có thành phẩm tung ra thị trường. Nuôi ong phải tùy theo “nguồn đổ” có nghĩa là tùy lượng mật mà một thùng ong có thể “quay” mật 2 - 3 lần/tuần, nếu ong mạnh, có thể quay 5 lần/tháng nên với số lượng hiện nay thu nhập mỗi tháng có thể lên tới 120 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng khoảng 30 triệu, chưa tính công.
Năm nay 17 tuổi, Đoàn Đình Ngọc (quê Bình Thuận) có 2 năm theo cha mẹ rong ruổi nhiều nơi đưa đàn ong của gia đình đến các vùng đất để tìm hoa hút mật. Anh cho biết, mùa mật đánh mật chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch), quãng thời gian sau phải đưa đàn về để dưỡng ong rồi chia đàn và nhân giống. Trong lúc chia đàn phải tạo ra một con ong chúa cho mỗi thùng, ong chúa có nhiệm vụ đẻ trứng sinh ra ong thợ để đi hút mật và cân đối các cầu ong trong một thùng để tiếp tục lên đường “đánh mật”.
 
Thu hoạch mật
“Mùa nào mật đó nên đã theo nghề phải chấp nhận rong ruổi khắp nơi. Khi lên tận Đắk Nông, Đắk Lắk để “đánh mật” hoa cà phê, lúc về Đồng Nai để tìm hương hoa tràm hoặc phải ngược ra Hưng Yên, Bắc Giang tìm hoa nhãn lồng. Công việc xa nhà nên mỗi năm về chỉ một lần về thăm nhà”, anh Ngọc cho biết.
Cuộc sống tạm bợ, nay đây mai đó nên hành trang của gia đình Ngọc cũng như những người làm nghề du mục này ngoài vật dụng làm lán trại, chỉ có vật dụng cá nhân và những thứ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày.
“Làm nghề này, sống cảnh “màn trời chiếu đất” là bình thường, nếu súc khoẻ không tốt, rất dễ ốm đau, bệnh tật. Chỗ ở xa khu dân cư nên việc thiếu nước sinh hoạt và nước cho ong là thường nhật, do đó phải tìm nơi đặt trại gần hồ chứa nước. Đã vậy, đầu ra sản phẩm mật ong không tránh khỏi giá cả bấp bênh, bị tiểu thương ép giá. Có thời điểm lên 50 ngàn đồng/kg, nhưng có khi tụt xuống còn 26 ngàn đồng”, Ngọc kể.  
Không chỉ có mật ngọt
Cách lán của gia đình ông Hà vài trăm mét là trại ong của gia đình ông Vũ Tiến Hoàng, 59 tuổi. Ông Hoàng quê ở ngay xã Tiến Thành, TP Đồng Xoài (Bình Phước), nhưng cũng là dân nuôi ong du mục, nên cuộc sống của ông chẳng khác những người quê miền Bắc, miền Tây là bao. Chỉ khác ở chỗ, ông được biết đến là người đầu tiên và cũng là người nuôi ong nhiều nhất nhì tỉnh Bình Phước. Vào nghề từ năm 1998, chỉ với 100 thùng ong, sau hơn 15 năm, ông đã tạo dựng được cơ nghiệp mà nhiều người trong nghề mơ ước. Hiện tại ông sở hữu 5 trại ong với hơn 1.500 thùng, trung bình mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng.
Ông Hoàng kể, nghề “ăn lộc trời” khi gặp may thì trúng tiền tỷ nhưng cũng có lúc về tay không. Nghề này vất vả hơn so với nhiều nghề khác nhưng nếu có tâm huyết, cần cù chịu khó thì trời không phụ lòng người. Hơn nữa, nước ta được người trong nghề gọi là thiên đường của loài ong khi có điều kiện tự nhiên lý tưởng. Ở Tây Nguyên có cây cà phê, ở miền Đông Nam bộ có cây ăn trái là nguồn mật dồi dào cho người nuôi ong khai thác. Bình Phước có khí hậu tương đối phù hợp với ong. Ngoài ra, ở đây còn diện tích điều, cao su lớn nhất nước, 2 loại cây có hoa rất tốt cho mật ong. Vì thế, khi đến mùa, có hàng trăm trại ong từ khắp nơi đổ về. Cũng vì thế mà những năm gần đây phong trào nuôi ong nở rộ, nhiều người bỏ vốn ra đầu tư làm trang trại ong lớn và giàu lên rất nhanh.
 
Quay lấy mật
Nhưng, bên cạnh những thành công, nghề nuôi ong cũng ẩn chứa vô vàn bất trắc. Ông Nguyễn Văn Hoan, 51 tuổi, quê Tiền Giang kể: “Làm nghề này, may mắn thì giàu rất nhanh nhưng trắng tay cũng chỉ trong nháy mắt. Tôi có anh bạn đồng nghiệp, cách đây mấy năm, đưa ong ra miền Trung hút mật hoa cây tràm, vì nghe nói hoa cây này cho mật nhiều. Mới ra được ít ngày, đàn ong lăn ra chết sạch. Bao nhiêu vốn liếng vay mượn đầu tư tiêu tan hết. Đã vậy, tiền thuê xe vận chuyển những thùng ong rỗng về tốn thêm cả trăm triệu đồng. Nợ nần, gia đình xào xáo, anh chán nản bỏ nghề. Sau tìm hiểu mới biết, nguyên nhân ong chết là do thay đổi thời tiết đột ngột, ở miền Nam thời tiết đang dịu mát, ra miền Trung nắng nóng, ong không thích nghi kịp”, anh Hoan kể. 
Ông Hoan kể, năm 2011, người nuôi ong từng gặp “đại nạn”, hàng trăm trại ong ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, Long An, Cà Mau... ôm nợ khi giá ong đột ngột giảm tận đáy, chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg. Giá bán thấp trong khi chi phí đầu tư cao nên nhiều chủ trại phải bỏ nghề, một số khá hơn vẫn còn đam mê nghề thì thế chấp nhà cửa, đất đai để vay tiền tái đầu tư.
Bình quân, chi phí đầu tư cho 1 thùng ong từ 1,5 triệu đồng trở lên, bao gồm chi phí mua ong giống, cầu ong, thức ăn... trại ong càng lớn thu nhập càng nhiều, nhưng khi thất bại thì thiệt hại cũng rất lớn.

“Thuyền to thì sóng lớn. Làm nghề này rủi ro rất cao, đó là những chuyến đi xa không may bị tai nạn, ong nằm giữa đường vài ngày sẽ chết vì nóng. Ong rất nhạy cảm khi thay đổi thời tiết hay chuyển mùa, dễ bị thối ấu trùng, ong trưởng thành cũng dễ bệnh, có khi mất trắng”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

Nông nghiệp Việt Nam/Phúc Lập (Kiến thức gia đình số 15)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.