(GLO)- Ngày 15-6-2000, Bộ Chính trị ban hành Quy định 76-QĐ/TW “Về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết để quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên của Đảng.
Ảnh: Hà Phương |
Để thực hiện quy định này, từng tổ chức cơ sở đảng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và tạo nên sự chuyển biến tích cực. Đảng viên có ý thức hơn trong việc xây dựng mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi cư trú... Nhiều cán bộ, người dân nơi cư trú tăng thêm phần hiểu biết về đảng viên tại địa phương. Cấp ủy nơi đảng viên công tác có thông tin, đánh giá, nhận xét của cấp ủy địa phương về đảng viên của mình hàng năm, góp phần làm phong phú hơn hoạt động đảng ở cơ sở... Tuy nhiên, nhiều nơi việc thực hiện Quy định 76 còn nặng về hình thức. Chỉ đến khi chuẩn bị công tác đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm thì việc thực hiện quy định này mới được “hâm nóng”. Phần lớn cấp ủy nơi đảng viên cư trú chỉ họp với đảng viên được 1 hoặc 2 lần/năm. Các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn, nội dung chủ yếu để cấp ủy nơi đảng viên đương chức cư trú giới thiệu tóm tắt tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, công tác xây dựng đảng của cơ sở; lấy ý kiến góp ý của đảng viên đương chức... Nhiều hội nghị diễn ra một chiều, đảng viên đương chức thường ít phát biểu, thường là nêu các ưu điểm, khen hoặc những ý kiến chung chung; ngại đụng chạm đến những vấn đề tiêu cực, nhất là những khuyết điểm của tổ chức, cán bộ ở cơ sở. Trong việc nhận xét đảng viên vào dịp cuối năm, nhiều chi bộ không họp chi ủy để đánh giá, nhận xét từng đảng viên mà đơn thuần dựa vào ý kiến chủ quan có phần cá nhân của đồng chí Bí thư chi bộ.
Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy ở cơ quan, đơn vị nơi đảng viên đương chức công tác thường chỉ làm thủ tục hành chính, giới thiệu đảng viên về sinh hoạt với cơ sở đảng nơi cư trú, nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, thẩm định các ý kiến của chi ủy chi bộ nơi đảng viên mình sinh sống. Không quan hệ chặt chẽ với cấp ủy cơ sở; ít quan tâm, chú ý lắng nghe, tập hợp những nhận xét, đánh giá của người dân nơi cư trú với đảng viên đương chức. Nhiều tổ chức đảng cơ quan, đơn vị xem nhận xét theo Quy định 76 chỉ là thủ tục bắt buộc khi đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Có đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan nhà nước nhưng về nơi cư trú sống khép kín, ít quan hệ với hàng xóm, láng giềng, không tích cực, gương mẫu thực hiện các chủ trương của địa phương nơi cư trú; thiếu tôn trọng sự giám sát của nhân dân. Thế nhưng những đồng chí này vẫn được tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị công tác công nhận đạt “đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ”, còn các lãnh đạo thì đạt “đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Nhiều đồng chí còn được công nhận là chiến sĩ thi đua, tặng thưởng bằng khen...
Để nâng cao chất lượng việc thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của cấp ủy nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú. Cấp ủy nơi cư trú phải duy trì sinh hoạt với đảng viên để thông báo tình hình của cơ sở đồng thời tranh thủ các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của họ. Trước khi nhận xét, đánh giá đảng viên, cấp ủy cần tổ chức họp lấy ý kiến của tập thể đảng viên trong chi bộ. Đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của khu dân cư, bảo đảm những nhận xét của cấp ủy thật sự trung thực, khách quan, công tâm, trên tinh thần xây dựng. Tránh việc nhận xét theo ý kiến cá nhân của đồng chí Bí thư chi bộ.
Hiện nay toàn Đảng đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc Quy định 76 của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin đối với nhân dân.
Hà Phương