Giấc mơ trên ruộng nhiễm mặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi nhiều địa phương ven biển miền Tây đang gồng mình chống lại nhiễm mặn thì ở vùng đất ngọt thượng nguồn Cửu Long, có anh thợ sửa đồng hồ bỏ nghề để đi tìm cây lúa chịu mặn
Hai mươi năm trước, vào mùa giáp hạt, ở thị xã Tân Châu (An Giang) có anh thợ sửa đồng hồ nghèo, gầy gò khắc khổ, bấm bụng giấu vợ, bán mấy giạ lúa, lặn lội đi tìm GS-TS Võ Tòng Xuân chỉ để hỏi ông rằng: "Ở miền Tây có giống lúa nào chịu được độ mặn mười phần ngàn không?".
Theo nghề nông như cái nghiệp
GS-TS Võ Tòng Xuân trả lời: "Ở cả vùng Đông Nam Á cũng chưa hẳn có thì nói chi ở mình. Nhưng ở An Giang của anh đâu có nhiễm mặn. Vậy anh tìm giống lúa chịu mặn để làm gì?". Anh thợ thiệt thà trả lời: "Thưa thầy, em tìm cho nông dân ở miệt biển". Vị giáo sư lấy làm ngạc nhiên trước anh thợ đồng hồ nghèo, bao đồng và ảo mộng, nhưng đâu chỉ có ông ngạc nhiên, mà cả nhà, cả xóm nghèo của anh sau đó cũng ngạc nhiên.

Anh Hoa Sĩ Hiền trên cánh đồng thử nghiệm của mình
Anh Hoa Sĩ Hiền trên cánh đồng thử nghiệm của mình
Anh tên là Hoa Sĩ Hiền. Gần nửa đời người làm lụng vất vả, vợ chồng anh mua được một ít ruộng để làm "nghề tay trái". Nhưng ngờ đâu nghề nông theo anh như một cái nghiệp, như anh nói không ngờ mê đến chết cũng không thôi.
Anh Hiền bỏ nghề sửa đồng hồ, đặt hết tâm trí vào làm nông. Nhưng thảm cảnh dịch bệnh, sâu rầy, mất mùa, rớt giá làm anh lao đao. Không chịu bó tay, anh lặn lội đi tìm tòi, học hỏi nhiều nơi, đa phần là những tích góp từ kinh nghiệm dân gian nhưng vẫn không sao chống chọi lại dịch bệnh. Ở đâu có mở khóa học dành cho nông dân là anh tìm đến học. Cũng từ những chuyến đi ấy, anh Hiền mới thấy nông dân mình còn nhiều nỗi khổ hơn cả dịch bệnh, sâu rầy.
Nhìn những mảnh ruộng chết vì hạn mặn, nhìn những chuyến xe đưa nông dân lên phố tha hương cầu thực rồi lại tay trắng trở về, anh xót xa. Biết rằng kiến thức lớp 6 của mình thì khó giải được bài toán đẩy lùi hạn mặn, nhưng anh nghĩ cũng như lũ vậy, không đẩy lùi được thì mình thích ứng, vấn đề là bằng cách nào? Với sự đam mê lao động và mày mò suốt nhiều năm ròng, đầu năm 2004, anh Hiền lai tạo thành công một giống lúa ngắn ngày, sức đề kháng và năng suất cao. Thành công bước đầu thôi thúc anh bám chặt hơn với đam mê tìm ra giống lúa có thể thích ứng được lâu dài, cả khi mặn đã tràn về.
Lúa ma, lúa cỏ, lúa trời cùng các giống lúa lâu đời như chim rơi, rẽ hành, tép trắng, tây đùm, chệt cụt, hồng vân… được anh Hiền truy tìm và mang về từ nhiều nơi, chất đầy trong căn chòi thí nghiệm chỉ 17 m2 giữa ruộng. Anh cẩn thận quan sát, phân tích, nghiên cứu đặc tính từng giống, rồi đem các giống lai tạo với nhau theo tổ hợp suốt nhiều tháng ròng.
Chẳng khác gì người xưa luyện công, phải tập trung cao độ, chịu đựng nắng mưa, bất kể đêm khuya và cả liều lĩnh để tìm ra được một "gien trội" ưu thế nhất.
Đánh thức vị ngọt phù sa
Từ căn phòng thí nghiệm đáng được gọi là nghèo nhất thế giới ấy, anh Hiền đã phân tích, tổng hợp những đặc tính trội của các giống lúa có sẵn và các giống hoang dã có trong thiên nhiên, rồi lai tạo ra hàng loạt giống lúa có tên gắn thêm 2 chữ TC (Tân Châu), từ TC1 đến TC30. Đặc biệt là giống TC7 có sức chịu được độ mặn đến 7‰ và trong điều kiện khắc nghiệt đó vẫn có thể cho năng suất từ 4-6 tấn/ha. TC7 bám rễ, đánh thức vị ngọt phù sa ở những cánh đồng đất mặn của miền Tây và còn lan ra cả một số tỉnh phía Bắc.
Đến Tân Châu, hỏi anh Hiền lai tạo giống thì hầu như ai cũng biết. Người ta không chỉ biết anh bởi những giống lúa gắn thêm 2 chữ TC, mà còn bởi sau những câu chuyện cười về anh là sự cảm phục biết ơn của bao người.

 
Chuyện rằng đã có lúc người ta gọi anh là "nhà khoa học khùng". Bởi ai đời có chuyện mua muối bón cho lúa. Nhưng đấy là chuyện có thật. Bởi ở Tân Châu quanh năm mát ngọt thì lấy đâu ra nước mặn để thử nghiệm. Vậy là anh đi mua muối, pha loãng rồi đổ xuống ruộng lúa thử nghiệm của mình. Không ít lần lúa "xèo đọt" chết, trắng tay, người ta chế giễu. Nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Không có máy đo độ mặn, anh tự nếm đất, rồi dựa vào vị giác mà đoán nồng độ mặn. Đến bây giờ, sau nhiều năm nếm đất, anh gần như đoán chính xác độ mặn trong mức dao động 1-2 ‰.
Hay chuyện nửa đêm, anh Hiền ra ruộng để lai giống từ cây lúa ma trổ (cây lúa chỉ trổ vào đêm khuya). Không may sương gió trở ngọn, anh xỉu trên ruộng. Đứa con ngủ trong chòi ngó ra thấy ánh đèn soi của cha chổng ngược lên trời, biết chuyện chẳng lành nên chạy ra cứu kịp. Hoặc những lần anh bệnh bỏ ăn bỏ uống; có lần cầm lộn đầu điếu thuốc đang cháy, mãi đến khi ngậm vào miệng mới hay.
Thất bại, trắng tay, hàng xóm cười chê, nợ nần chồng chất… bao lần vẫn không làm cho anh dừng lại. Có đợt, bí lối cho việc lai tạo giống lúa chịu mặn, anh ra biển xách về 2 can nước biển, dùng cách điện phân để hy vọng thàng công trong giải pháp tách nước mặn thành nước ngọt và muối. Nhưng lần thí nghiệm đó kết quả không như anh mong đợi, mà lại cho ra bazơ, đồng thời giải phóng khí clo. Anh nhiễm khí clo và xỉu ngay tại "phòng thí nghiệm".
Lần đó, cũng đứa con kịp thời phát hiện, cứu cha. Rồi anh nghiệm ra rằng để cây lúa lên xanh trên ruộng mặn, không còn cách nào khác ngoài việc phải lai tạo giống mới có sức thích nghi cao.

Anh Hoa Sĩ Hiền và một giống lúa chịu mặn do anh lai tạo thành
Anh Hoa Sĩ Hiền và một giống lúa chịu mặn do anh lai tạo thành
Chưa thôi mong ước
Hàng xóm của anh khề khà rằng cái ông "nhà khoa học đó khùng dữ lắm". Bởi bỏ tiền nhà, khổ công lai tạo ra giống lúa có đặc tính trội thì phải giữ lấy độc quyền mà sản xuất giống để bán, ít nhất cũng lấy lại vốn bỏ ra từ mấy năm qua, may hơn nữa thì có khi làm giàu. Nhưng anh thì không. Anh mang giống lúa xuống những vùng hạn mặn, biếu không cho nông dân để họ gieo trồng. Có khi thấy bao lúa giống cạn đi mà không đem lại đồng nào, vợ cũng cằn nhằn nhưng anh vẫn thực hiện tâm nguyện, tiếp tục đem lúa giống cho nông dân những vùng nhiễm mặn.
Không lâu sau đó, người ta truyền tai nhau đến tận Tân Châu đặt mấy chục giạ lúa giống. Anh Hiền mừng rỡ nhận lời, còng lưng gieo cấy, chăm sóc, đến khi thu hoạch và bán lại với giá vừa đủ vốn mà thôi. Không ít nơi đã đến hỏi mua độc quyền sản xuất thương mại các giống lúa TC với giá ba bốn lượng vàng. Anh từ chối, chỉ muốn giữ lại những giống lúa này cho cộng đồng, cho người dân ai cũng sử dụng được. Vậy là hàng trăm giống lúa được anh gửi tặng các viện nghiên cứu và những nơi lưu trữ giống lúa. Trong số những giống lúa đó, có giống TC2 được công nhận đạt chuẩn và được chọn đưa vào ngân hàng giống quốc gia. Sau đó không lâu, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đã tặng anh giấy chứng nhận "Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học".
Anh Hiền tâm sự: "Ban đầu, thấy tui không lo tích góp mà cứ lọ mọ ở nhà với mấy giống lúa, lại còn đem lúa cho không người ta, hàng xóm chê cười, nói rằng tui hoang tưởng, "nhà khoa học khùng". Nghe thế, vợ tui cũng buồn, có lúc cự dữ lắm. Nhưng sau này, thấy lúa giống tui làm ra giúp được bà con nên bả với mấy đứa con cũng vui lây, lấy đó làm điều hạnh phúc".
Từ nhiều năm qua, căn chòi và mảnh ruộng thí nghiệm của anh Hiền là nơi học tập và thực nghiệm lai tạo giống của nhiều lượt sinh viên, nghiên cứu sinh và cả nhà khoa học trong và ngoài nước. Tất cả đều được "nhà khoa học chân đất" ân cần chia sẻ hết "ruột gan" những kiến thức lý thuyết song song với thực tiễn mà anh đúc kết được từ những gian khó, nhọc nhằn, có cả máu và nước mắt. Thấu hiểu và sẻ chia, thực tế và ân cần, "thầy" Hiền không chỉ truyền cho những kỹ sư nông nghiệp tương lai của vựa lúa châu thổ Cửu Long bài học về lai tạo giống, mà còn gieo vào lòng các bạn niềm đam mê tìm tòi sáng tạo đến cháy bỏng; đem sự lao động và nghiên cứu khoa học của mình cống hiến vì người nông dân, vì cộng đồng.
Một lớp trẻ được anh Hiền truyền lửa đã bám lấy đất mặn, đất phèn khắp nơi ở miền Tây, cùng nông dân tháo gỡ những khó khăn. Anh Hiền vẫn lặng lẽ và chưa thôi niềm mong ước tìm ra giống lúa chịu được độ mặn cao hơn nữa. Như những lần trắng đêm canh lúa trổ. Sự quyết tâm nào rồi cũng có lúc cho thành quả ngọt. 
Anh Hoa Sĩ Hiền nói vui với tôi: “Tui có dặn rồi. Mai này chết đi, hãy chôn tui giữa cánh đồng. Đất đã sinh ra tui thì hãy để tui làm nghĩa vụ cuối, là bón đất”. Nhưng không phải đợi đến lúc ấy, mà ngay lúc này anh cũng đã cống hiến một cách xuất sắc cho đất đai đồng bằng quê mình bằng nhiệt huyết, đam mê và một tấm lòng.
Bài và ảnh: LÊ QUANG TRẠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.