"Gia sư online" Kênh học tập mới mẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều giáo viên đã chuyển hướng từ phụ đạo trực tiếp sang làm “gia sư online” theo nhu cầu của phụ huynh. Không ít lớp học được mở và duy trì thường xuyên, góp phần giúp một bộ phận học sinh có điều kiện củng cố, bổ sung và nâng cao kiến thức.
Từ thời điểm học sinh phải tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19, đều đặn từ 17 đến 19 giờ các ngày trong tuần, cô Lê Thị Hữu Huyền-giáo viên môn Hóa học, Trường THPT chuyên Hùng Vương lại bắt đầu tổ chức các lớp học thêm trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom Meeting. Theo chia sẻ của cô Huyền, những lớp học online ra đời xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. “Không ít người, trong đó có bạn bè của tôi đã bày tỏ sự lo ngại rằng con em mình sẽ bị quên kiến thức khi phải nghỉ học trong một thời gian dài; về phía học sinh cũng bối rối chẳng kém. Do đó, tôi đã tự tìm hiểu, nghiên cứu các ứng dụng có thể hỗ trợ giảng dạy, phụ đạo trực tuyến tại nhà và thông báo cho học sinh, phụ huynh biết để cung cấp tài khoản học tập. Lúc mới tiếp cận, cô trò cũng gặp một số khó khăn, quá trình học tập đôi lúc bị gián đoạn; thế nhưng giờ mọi thứ đã ổn định và có nền nếp”-cô Huyền cho biết.
Cô Lê Thị Hữu Huyền trong một buổi dạy online miễn phí cho học sinh. Ảnh: M.T
Cô Lê Thị Hữu Huyền trong một buổi dạy online miễn phí cho học sinh. Ảnh: M.T
Từ 10 thành viên ban đầu, các lớp học dần dần tăng lên 15-20 em. Không chỉ học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, nhiều học sinh ở các trường khác biết tin đã chủ động liên lạc với cô để được tham gia học tập. Hiện cô Huyền đang đảm nhận “gia sư online” 3 lớp tương ứng với 3 khối 10, 11 và 12, mỗi lớp 2 buổi/tuần và được sắp xếp xen kẽ nhau. Đáng chú ý, việc giảng dạy, phụ đạo của cô đều hoàn toàn miễn phí trong suốt thời gian qua và dự kiến tiếp tục duy trì đến khi kết thúc năm học. Lý giải điều này, cô Huyền bày tỏ: “Là giáo viên, tôi luôn mong học trò của mình có thể lĩnh hội, tích lũy được kiến thức nhiều nhất có thể, đặc biệt là vừa qua các em đã phải tạm nghỉ học một thời gian dài. Ngoài ra, tôi cũng muốn góp phần chia sẻ khó khăn về kinh tế với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh”.
Để tránh nhàm chán cho học sinh khi phải học qua máy vi tính hoặc điện thoại, cô Huyền luôn cố gắng đổi mới cách thức giảng dạy như lồng ghép giữa lý thuyết và bài tập; đố vui, vận dụng kiến thức để giải thích những hiện tượng xảy ra trong tự nhiên hay ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày...; thường xuyên tương tác với học sinh, nhất là những em có lực học yếu hơn để giúp các em đạt hiệu quả học tập cao nhất. Em Lương Mỹ Duyên (lớp 12C12, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em học thêm với cô Huyền qua hình thức online từ những ngày đầu cô mở lớp. Cô rất nhiệt tình, giảng bài kỹ và dễ hiểu. Ngoài củng cố kiến thức cơ bản, cô còn hướng dẫn chúng em giải nhiều dạng đề thi trên cơ sở đề mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp em rèn luyện và nâng cao kỹ năng làm bài. Dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực nhưng em nghĩ cũng không nên chủ quan. Thời điểm này, việc học thêm online vẫn khá hợp lý để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh”.
Những giờ học với
Những giờ học với "Gia sư online" đã giúp em Lương Mỹ Duyên-Lớp 12C12, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) củng cố và nâng cao kiến thức một cách an toàn trong mùa dịch. Ảnh: M.T
“Gia sư online” cũng được nhiều phụ huynh đồng tình và đánh giá cao. Chị Nguyễn Thị Thơ (tổ 1, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) tâm sự: “Con gái tôi đang học lớp 10 Trường THPT chuyên Hùng Vương. Gia đình khá lo lắng khi cháu mới bước vào cấp III, vừa bắt nhịp học tập lại phải nghỉ dài ngày. Do đó, khi nghe cháu bảo học phụ đạo online với cô giáo, tôi rất mừng và ủng hộ. Vẫn biết hình thức này không thể bằng học trực tiếp nhưng là giải pháp tốt nhất cho các cháu trong mùa dịch”.
Cô Đường Tiểu Linh-giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) cũng lựa chọn làm “gia sư online” trong mùa dịch. Hiện cô đang dạy gián tiếp qua ứng dụng Zoom Meeting cho 1 học sinh lớp 4 với lịch học 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ, đồng thời phụ trách ôn tập, luyện thi cho một nhóm khoảng 8 học sinh lớp 12 của trường bằng hình thức livestream nhóm kín trên mạng xã hội Facebook. “Càng ít người học thì đường truyền càng ổn định, giáo viên dễ quản lý và nắm bắt lực học của từng học sinh, từ đó có giải pháp bổ sung, hỗ trợ kịp thời. Tùy theo đối tượng, lứa tuổi của các em mà tôi biên soạn nội dung, cách thức dạy cho phù hợp. “Gia sư online” là một hình thức dạy học khá hay nhưng đòi hỏi học sinh phải có ý thức học tập cao”-cô Linh nhận định.
Em Trần Thị Diễm Chi (lớp 12A1, Trường THCS và THPT Y Đôn) hào hứng cho hay: “Em chọn thi khối D nên Tiếng Anh là môn học quan trọng với em. Thời gian qua, em thường cố gắng tìm tòi các kênh học trực tuyến để ôn luyện. Khi biết có lớp “gia sư online” của cô Linh, em đã đăng ký tham gia ngay. Nhờ đó, em không bị gián đoạn kiến thức. Thông qua việc làm bài tập, giải đề thi mẫu, em cũng “bỏ túi” được thêm nhiều kinh nghiệm hay cho kỳ thi quan trọng sắp tới”. 
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.