Gia Lai: Về miền hoang dã cùng văn hóa Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gia Lai không chỉ là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều thắng cảnh hoang sơ tuyệt đẹp mà đây còn là vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa của đất và người Tây Nguyên.
Trước 1975, Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung được xem như tiền đồn của quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa ở Vùng 2 chiến thuật trên cao nguyên Trung phần.
Vùng đất bazan đầy nắng gió, bụi đỏ và ầm ào bom đạn chiến tranh ngày nào giờ đã lột xác trở thành một phố núi giàu có với bạt ngàn cao su, càphê, đồi chè… và là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá di sản cồng chiêng Tây Nguyên và những thắng cảnh hoang sơ, kỳ vĩ.
Điểm hẹn ở Tây Nguyên
Trong ký ức của nhiều người, thời chiến tranh, Pleiku (nay là thủ phủ của tỉnh Gia Lai) được ví là cái “thị xã của lính”; còn bây giờ Gia Lai được gọi là “vùng du lịch không tốn tiền vé,” vì ở đây thiên nhiên hoang sơ giàu có, phóng khoáng với mọi vẻ đẹp từ hồ, thác, núi, rừng… sẵn sàng chờ du khách đến tự do khám phá mà không phải trả tiền.
Ngay như ở thành phố Pleiku, du khách cũng có thể được đắm mình trong một không gian đặc trưng phố núi với nhiều gió, nhiều sương.
Phố xá ở Pleiku không lớn, thỉnh thoảng có những con dốc thoai thoải chạy loanh quanh với những dãy nhà nghiêng nghiêng trông rất lạ. Chả thế mà năm 1970, thi sỹ Vũ Hữu Định khi lên thăm phố núi đã viết những câu thơ tuyệt hay về Pleiku rằng: “Phố núi cao phố núi đầy sương” và “Đi dăm phút đã về chốn cũ.”
Đến Gia Lai, du khách cũng chẳng phải vội đi đâu xa, bởi trong vòng bán kính chừng 10-20km kể từ trung tâm thành phố Pleiku là những thắng cảnh hoang sơ, diệu vợi như Biển Hồ, Biển Hồ Chè, dãy núi Chư Nâm, núi lửa Chư Đăng Ya, núi lửa Hàm Rồng.
 
Biển Hồ, một thắng cảnh của tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Thanh Hòa)
 
Vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của Biển Hồ, Gia Lai. (Ảnh: Tư liệu)
 
Núi lửa Chư Đăng Ya, ngọn núi lửa nổi tiếng của Gia Lai đã ngủ yên từ hàng triệu năm về trước là địa chỉ ghé thăm ưu thích của du khách. (Ảnh: Công Đạt)
 
Du khách dạo chơi trong khu du lịch Đồng Xanh, Gia Lai. (Ảnh: Công Đạt)
 
Thác Phú Cường, một trong nhiều ngọn thác đẹp của Gia Lai. (Ảnh: Tư liệu)
Chỉ cần một chiếc xe máy vi vu trong nắng và gió của đất trời Tây Nguyên, du khách sẽ dễ dàng đến được với bầu không khí trong lành, mát mẻ của “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ đầy, được thả mình phiêu diêu trên những đồi chè mênh mông bát ngát ở Biển Hồ Chè, được khám phá mùa hoa dã quỳ nở vàng trên sườn những ngọn núi lửa đã ngủ yên từ hàng triệu năm về trước, hay xa hơn chút nữa là vẻ đẹp đầy hoang sơ và mộng mị của những cánh rừng cao su ở Đắk Đoa đang vào mùa thay lá.
Với những du khách ưa mạo hiểm thì Vườn Quốc gia Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Vườn Di sản ASEAN) sẽ là những địa chỉ trekking đầy thú vị. Đến đây, du khách có thể đi trong rừng nguyên sinh để khám phá các loài động thực vật hoang dã, những thác nước kỳ vĩ, hoặc có thể dựng lều cắm trại ngủ lại đêm trong rừng.
Gia Lai không chỉ là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều thắng cảnh hoang sơ tuyệt đẹp mà đây còn là vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa của đất và người Tây Nguyên.
Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng và những nghi lễ, tập tục truyền thống cổ xưa của cộng đồng các dân tộc như Gia Rai, Ba Na, Mơ Nông, Chơ Ho, Xơ Đăng, Ê Đê, Chu Ru, Xtiêng, Rơ Măm… luôn có sức hấp dẫn và cuốn hút kỳ lạ.
 
Các nghệ nhân cồng chiêng trẻ tuổi người Ba Na thực hiện nghi lễ mừng nhà rông mới. (Ảnh: Công Đạt)
 
Trong những năm vừa qua tỉnh Gia Lai đã đào tạo và truyền dạy cho thế hệ trẻ sử dụng cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy di sản này. (Ảnh: Công Đạt)
 
Các nghệ nhân với trang phục truyền thống tham gia Lễ hội đường phố tại Pleiku. (Ảnh: Công Đạt)
Với những lợi thế không dễ nơi nào có được, trong chiến lược tầm nhìn về một Tây Nguyên mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng, Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thủ tướng mong muốn Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Êđê, Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Giấc mơ của đại ngàn
Tháng 12 tiết trời ở Gia Lai tuyệt đẹp khiến cho vùng đất đỏ bazan này như thể đang phô bày hết mọi vẻ đẹp và sự giàu có của phố núi với những rẫy càphê chín đỏ, những đồi chè bát ngát mênh mông và cả những cánh rừng cao su đang vào mùa thay lá đầy huyền ảo.
Từ trung tâm thành phố Pleiku, chúng tôi chạy xe máy ra các huyện vùng ven như Chư Păh, Đắk Đoa... Vừa ra khỏi thành phố, hai bên đường đã hiện lên bạt ngàn những rẫy càphê. càphê vào vụ chín đỏ ối, cành nào quả cũng căng mọng, trĩu trịt la đà xuống tận mặt đất.
Không khí ngày mùa trên các rẫy càphê ở Gia Lai thật nhộn nhịp, bởi hầu như ai cũng đang ra sức chạy đua với cái nắng, và với tốc độ chín đang lan nhanh của những rẫy càphê đang thời kỳ chín rộ.
Trên mặt sân làng Ngol (thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) mênh mang nắng, mẹ con chị Hồ Thị Châu tay chân thoăn thoắt hết phơi lại xay càphê.
Cậu con trai chị Châu vừa giúp mẹ đổ những bao tải càphê đã khô vào cối chiếc máy xay đang chạy ầm ầm, vừa không quên ghé nhìn xuống phía dưới cẩn thận kiểm tra những dòng hạt càphê nhân bóng mẩy đã được bóc sạch vỏ đang ào ạt tuôn ra như suối rồi nói to: “Càphê vừa phơi được nắng phải tranh thủ xay luôn thì mới ngon các chú ạ.”
 
Việc ra đời các vườn ươm cây giống đạt chuẩn phục vụ đắc lực cho việc phát triển cây càphê ở Gia Lai. (Ảnh: Công Đạt)
 
Cây giống càphê được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô công nghệ cao. (Ảnh: Tư liệu)
 
Đồn điền cao su bạt ngàn, ngút tầm mắt ở Gia Lai. (Ảnh: Thanh Hòa)
 
Càphê ở Gia Lai nhân giống tốt, hái đúng vụ, phơi được nắng sẽ cho hương vị tuyệt hảo. (Ảnh: Công Đạt)
 
Nụ cười được mùa của người trồng càphê ở Gia Lai. (Ảnh: Công Đạt)
 
Chất đất bazan màu mỡ là điều kiện lý tưởng để Gia Lai phát triển nhiều loại cây công nghiệp có thế mạnh xuất khẩu như cao su, càphê, hồ tiêu… (Ảnh: Công Đạt)
 
Tỉnh Gia Lai có 120.000 ha cao su, được mệnh danh là Thủ phủ cao su của Tây Nguyên. (Ảnh: Thanh Hòa)
 
Cánh đồng chè tuyệt đẹp ở Biển Hồ Chè, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Thanh Hòa)
Năm nay càphê tuy hơi mất mùa do mưa nhiều, nhưng với 5ha chị Hồ Thị Châu cũng thu được khoảng 20 tấn càphê tươi, đầu ra thì đã có Công ty Vĩnh Hiệp, một doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh càphê của Gia Lai bao tiêu nên cũng không lo lắm. Không chỉ càphê, Gia Lai còn có chè, cao su, hồ tiêu.
Ngay ở khu vực Biển Hồ Chè thuộc huyện Chư Păh, cách thành phố Pleiku khoảng 13 km, là cả một vùng chè mênh mông bát ngát rộng hơn 1.100ha. Đây là đồn điền chè đầu tiên người Pháp trồng ở Gia Lai vào những năm 20 của thế kỷ trước.
Sản phẩm chè Biển Hồ giờ rất có tiếng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao, được xuất sang Australia, Afghanistan, Pakistan, Singapore…
Đi sang hướng huyện Đắk Đoa, tuy không phải là vùng trồng cao su và hồ tiêu trọng điểm của Gia Lai nhưng những đồn điền cao su và hồ tiêu ở đây cũng đủ khiến cho người ta phải choáng ngợp.
Cuối năm những cánh rừng cao su vào mùa thay lá và cũng là mùa ngừng khai thác mủ nên không khí có vẻ yên ắng, thế nhưng đi dưới những cánh rừng cao su mênh mông đang bước vào độ tuổi sung sức vẫn thấy rõ tiềm năng và giá trị của cái gọi là “vàng trắng” của Gia Lai.
Theo các số liệu thống kê cho thấy, Gia Lai hiện có gần 120.000ha cao su, sản lượng mủ tươi đạt gần 290.000 tấn/năm, chiếm hơn 30% sản lượng mủ cao su của cả nước, gấp gần 4 lần sản lượng mủ của 4 tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên cộng lại. Với những con số đó có thể khẳng định Gia Lai là “thủ phủ cao su” của Tây Nguyên.
Có thể nói, Gia Lai là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, bởi tỉnh này hiện đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên về diện tích đất sản xuất nông nghiệp với trên 500.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cao su trên 120.000 ha, hồ tiêu gần 17.000 ha, càphê hơn 94.000 ha, điều 17.000 ha…
Còn nhớ, năm 2017, làm việc với tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, Gia Lai cần phải xác định thế mạnh là phát triển nông, lâm nghiệp trình độ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, theo hướng sản xuất lớn, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), tập trung xây dựng nông thôn mới, chú trọng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Với định hướng đó, Gia Lai quyết tâm thực hiện mục tiêu hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi môi trường. Trong phát triển nông nghiệp, Gia Lai lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao làm lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế bền vững.
Đặc biệt, Gia Lai chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn tăng cường liên kết, hỗ trợ hợp tác sản xuất cùng nông dân; đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Với những giải pháp căn cơ, bền vững, cùng với bản lĩnh của chính mình, đồng bào các dân tộc Gia Lai hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng vùng đất đỏ bazan huyền thoại của mình sẽ sớm trở thành một vùng đất giàu có, đáng sống ở Tây Nguyên.
(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.