Gia Lai ước tính mỗi năm có gần 6.100 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 10-10, Đoàn giám sát, đánh giá về mô hình, giải pháp hiệu quả trong điều trị suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng cho trẻ em của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Gia Lai.

Theo Đoàn giám sát, hiện Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022). Tại Điều 65 dự thảo Luật có quy định về sản phẩm dinh dưỡng điều trị (sản phẩm này đang được sử dụng chủ yếu cho đối tượng là trẻ em bị SDD cấp tính nặng). Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, Bộ Y tế tổ chức Đoàn giám sát đánh giá tại tỉnh Gia Lai.       

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Về phía Bộ Y tế, tham gia đoàn giám sát có bà Đinh Thị Thu Thủy-Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế, Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng. Tham gia cùng Đoàn giám sát có ông Lê Thanh Hoàng-Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Trần Thị Kim Nhung-Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; ông Phạm Đình Thanh-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Về phía tổ chức Unicef, có ông Maharanja Muthu-Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em (Tổ chức Unicef).

Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Nam Phương-Chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng đã trình bày báo cáo tình hình trẻ em SDD cấp tính nặng ở Việt Nam, các can thiệp đã thực hiện, chi phí, thuận lợi, khó khăn và đề xuất. Về tình hình điều trị cho trẻ em SDD cấp tính nặng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Đinh Hà Nam-Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: Gia Lai vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ SDD ở trẻ em cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu phụ nữ mang thai và ở trẻ em vẫn còn ở mức cao. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban, ngành các cấp của tỉnh, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân toàn tỉnh trong thời gian tới.

Ông Đinh Hà Nam- Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai thông tin về tình hình điều trị cho trẻ em SDD cấp tính nặng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyệ
Ông Đinh Hà Nam-Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai thông tin về tình hình điều trị cho trẻ em SDD cấp tính nặng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, ước tính mỗi năm Gia Lai có khoảng 6.097 trẻ SDD cấp tính nặng nhưng chỉ có 171 trẻ được thu dung điều trị ngoại trú trong 3 năm dự án. Khó khăn hiện nay là tỉnh chưa có nguồn kinh phí mua sản phẩm dinh dưỡng đặc trị RUTF nên rất ít trẻ  được điều trị (sản phẩm này do Unicef tài trợ). Trẻ SDD nặng cấp tính rơi vào các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo không có tiền để mua sản phẩm điều trị, không đủ tiền mua sản phẩm RUTF. Hiệu quả của việc điều trị SDD giai đoạn 2017-2021 hạn chế về số trẻ thoát suy vì sản phẩm điều trị bị gián đoạn, nên trẻ tái SDD trở lại chiếm tỷ lệ 2 %...

Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống SDD tại Gia Lai, ông Đinh Hà Nam kiến nghị: Hiện tại Gia Lai có khoảng 6.097 trẻ SDD cấp tính nặng nhưng chỉ có 171 trẻ được thu dung điều trị ngoại trú (chiếm 3,6%). Vì vậy tỉnh Gia Lai muốn nâng số trẻ được tham gia điều trị nhiều hơn số hiện tại. Đề nghị hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho y tế thôn bản để động viên khuyến khích hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai kiến nghị với Trung ương cần có chính sách để y tế địa phương có kinh phí mua sản phẩm hỗ trợ trong điều trị trẻ bị SDD cấp tính nặng cả nội trú và ngoại trú; đưa các chế phẩm điều trị như RUTF vào danh mục vật tư thiết yếu và được bảo hiểm y tế chi trả.

Tại buổi làm việc, đại diện Unicef đã có bài trình bày về tình hình trẻ em SDD cấp tính nặng trên thế giới, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong điều trị và kinh nghiệm quốc tế. Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng đã phổ biến nội dung quy định về điều trị SDD cấp tính nặng trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ông Maharanja Muthu- Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em (Tổ chức Unicef) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Ông Maharanja Muthu-Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em (Tổ chức Unicef) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Kết luận tại buổi làm việc, đoàn giám sát của Bộ Y tế đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác phòng-chống SDD tại tỉnh Gia Lai nói chung, tình hình điều trị cho trẻ em SDD cấp tính nặng nói riêng. Về một số kiến nghị, đề xuất của địa phương, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ báo cáo các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét.

Được biết, trong ngày 11-10, đoàn giám sát sẽ có chuyến công tác thực tế tại xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) nhằm thăm hoạt động khám sàng lọc phát hiện trẻ SDD cấp tính, giao lưu với cán bộ y tế xã và các bà mẹ mang con đến khám.

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu nhưng nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Critical Reviews in Food Science and Nutrition đã phát hiện một loại trái cây được yêu thích có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch và não bộ đồng thời kiểm soát mức cholesterol

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

Rau chân vịt (còn gọi cải bó xôi, rau bina) được xem là siêu thực phẩm vào mùa đông vì chứa đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể ngăn ngừa các bệnh theo mùa và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại rau này có lượng calo thấp nên rất phù hợp cho chế độ ăn giảm cân.

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.