Gia Lai: Tham gia ý kiến đối với Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 19-7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học và sở, ngành liên quan đối với Tài liệu Giáo dục địa phương (GDĐP) lớp 10. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh; Tổng chủ biên, Chủ biên, Thư ký Ban Biên soạn tài liệu GDĐP bậc THPT; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP bậc THPT cùng một số nhà giáo, nhà khoa học.

Tháng 3-2021, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định ký hợp đồng hợp tác về việc biên soạn Tài liệu GDĐP bậc THPT. Các thành viên Ban biên soạn đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế, thu thập ngữ liệu và biên soạn tài liệu theo các lĩnh vực được phân công. Sau khi hoàn thành bản thảo, Sở GD-ĐT đã tiến hành tổ chức dạy thực nghiệm 3 bài mẫu ở 3 trường THPT trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp tục tiến hành tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến để hoàn thiện Tài liệu GDĐP lớp 10. Đến nay, tài liệu này đã qua 3 lần thẩm định trực tiếp và 1 lần thẩm định gián tiếp.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà


Tại hội nghị, đại diện Ban biên soạn cho biết, Tài liệu GDĐP lớp 10 của Gia Lai biên soạn có 7 chủ đề với 108 trang; gồm 35 tiết, trong đó 4 tiết dành cho ôn tập và kiểm tra đánh giá. Nội dung tài liệu đề cập đến những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của Gia Lai nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống; từ đó, cụ thể hóa được tình yêu quê hương bằng những suy nghĩ, hành động, việc làm hữu ích. Quan điểm biên soạn tài liệu dựa trên nền tảng lấy học sinh là chủ thể; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; hiện đại, nhất quán và mang tính địa phương.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm giúp Ban biên soạn hoàn chỉnh Tài liệu GDĐP lớp 10 của tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: còn nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngữ pháp; một số nội dung diễn đạt còn thiếu logic, chưa đảm bảo tính khoa học và sai về mặt kiến thức…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định tầm quan trọng của Tài liệu GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời yêu cầu Ban biên soạn phải đảm bảo bám sát khung chương trình Tài liệu GDĐP đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, cần rà soát kỹ và điều chỉnh cho chính xác các từ ngữ, kiến thức về đồng bào dân tộc thiểu số bản địa tại Gia Lai (Bahnar, Jrai); hình minh họa và chú thích ảnh phải phù hợp với nội dung bài học; ngữ liệu, số liệu sử dụng phải chính xác, có nguồn trích dẫn và phải được cập nhật; đặc biệt, cần tăng thêm hàm lượng khoa học của Tài liệu GDĐP lớp 10, nhất là các nội dung góp phần định hình, hướng nghiệp cho học sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng cho rằng, Tài liệu GDĐP lớp 10 được biên soạn chưa thật sự mở và đề nghị Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh về việc số hóa toàn bộ Tài liệu GDĐP để tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh dễ dàng tiếp cận. Ban biên soạn cần tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị; đồng thời, sớm hoàn chỉnh, đảm bảo tính chính xác, khoa học của Tài liệu GDĐP lớp 10 trước khi trình Bộ GD-ĐT phê duyệt và đưa vào giảng dạy trong các trường THPT của tỉnh.

 

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.