Gia Lai tăng cường quản lý đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công trình giao thông, hạ tầng đô thị, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, các vùng… là ưu tiên của tỉnh trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cũng quyết liệt chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế.
Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng
Đầu tư công được coi là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai, là cơ sở góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn. Do vậy, công tác quản lý đầu tư công luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhấn mạnh: “Các ngành, các cấp phải quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, quản lý thống nhất, bảo đảm các dự án đầu tư phải đúng theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án khởi công mới năm 2019 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự toán, thiết kế để khởi công và thực hiện ngay từ đầu năm”.
Năm 2019, tỉnh đẩy mạnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, các công trình thủy lợi, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng-chống thiên tai, bảo vệ môi trường như: dự án hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), hồ chứa nước Tầu Dầu (huyện Đak Pơ), thủy lợi Plei Keo (huyện Chư Sê), thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông)… Một số dự án giao thông có nguồn vốn lớn cũng được triển khai như đường liên xã huyện Kông Chro (13 tỷ đồng); thủy lợi Ia Púch, huyện Chư Prông (15 tỷ đồng); đường nội thị thị trấn Kbang (16 tỷ đồng); chỉnh trang đô thị huyện Chư Sê (25 tỷ đồng)... Những dự án này hoàn thành không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần vào sự phát triển của những vùng lân cận.
 Đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương. Ảnh: H.D
Đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương. Ảnh: H.D
Để công tác đầu tư xây dựng cơ bản triển khai đúng tiến độ, ngày 18-2, UBND tỉnh đã có Công văn số 351/UBND-KTTH về việc tăng cường quản lý các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải lựa chọn đơn vị thi công có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, có giải pháp thi công phù hợp với từng loại công trình; trước khi ký hợp đồng và tiến hành các thủ tục tạm ứng các gói thầu xây lắp phải có mặt bằng để giao cho nhà thầu, ấn định tỷ lệ thu ứng trên khối lượng hoàn thành trong hợp đồng ký kết. Việc tạm ứng phải có cam kết của nhà thầu về tiến độ thi công và thu hồi tạm ứng với mốc thời gian cụ thể hoặc ghi rõ trong hợp đồng ký kết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ vào quy mô dự án được giao làm chủ đầu tư để lập danh mục dự án thực hiện đấu thầu qua mạng, đảm bảo tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 50% số lượng gói thầu chào hàng cạnh tranh, 40% số lượng gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Quyết liệt xử lý vi phạm

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2019 là gần 3.027 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối theo tiêu chí 1.703,4 tỷ đồng, vốn từ tiền sử dụng đất 765 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết 125 tỷ đồng và vốn từ năm 2018 chưa sử dụng chuyển sang là 434,4 tỷ đồng.

Năm nay, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư của các dự án, kịp thời đăng ký thông tin dự án tại Sở Tài chính để được cấp mã số dự án, chuyển dự toán vào hệ thống TABMIS. Đồng thời, thống kê các đơn vị nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án, thiết kế, giám sát yếu kém về chuyên môn, năng lực không đảm bảo yêu cầu gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp và thông báo rộng rãi. Đây được coi là một động thái quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư công.
Đặc biệt, các chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng số tiền tạm ứng của nhà thầu đảm bảo đúng mục đích ứng và cam kết của nhà thầu. Khi có khối lượng phải khẩn trương nghiệm thu giai đoạn trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không được để dồn khối lượng hoàn thành mới làm hồ sơ thanh toán và tập trung khối lượng thanh toán vào cuối năm. Đến ngày 30-5-2019, các dự án chưa được tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, UBND tỉnh sẽ dừng giải ngân và điều chuyển vốn cho các dự án khác có khả năng thanh toán và hoàn thành trong năm.
Cũng theo Công văn số 351/UBND-KTTH, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 30-6 giải ngân trên 30% kế hoạch vốn năm 2019 và giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2018 được chuyển sang năm 2019. Đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn năm 2019. Qua các mốc thời gian trên, chủ đầu tư nào không đạt được thì chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chậm giải ngân vốn đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ xem xét tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị và các cá nhân có liên quan trong việc chậm thanh toán giải ngân vốn đầu tư công. Đến cuối năm, nếu giải ngân không đạt kế hoạch vốn sẽ xem xét đưa vào nội dung bình xét thi đua của đơn vị, tổ chức.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.