Gia Lai: Phát triển cây đinh lăng dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu trước đây, đinh lăng chỉ được trồng để chơi kiểng hoặc làm rau ăn kèm thì hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nó đã và đang được nhân rộng diện tích, phát triển theo hướng cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh ta, nhiều người cũng bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này với kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Người tiên phong

Ông Phạm Quang Lượng (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) được xem là người tiên phong trong việc trồng và phát triển cây đinh lăng ở Gia Lai. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Hậu (Nam Định)-một địa phương có thế mạnh về cây dược liệu-ông Lượng đã vốn sẵn nền tảng về các loại cây làm thuốc.

 

Ông Lượng với công việc thái mỏng đinh lăng quen thuộc. Ảnh: Hồng Thi
Ông Lượng với công việc thái mỏng đinh lăng quen thuộc. Ảnh: Hồng Thi

Năm 1995, ông cùng gia đình vào Ia Sao lập nghiệp với 3 ha cà phê. Đến năm 1998, khi giá cà phê rớt xuống mức dưới 2.000 đồng/kg, ông Lượng quyết định chuyển sang trồng thử nghiệm cây đinh lăng. Ông tâm sự: “Tôi về quê lấy giống, trồng thử 8 sào và phát hiện đất Gia Lai rất thích hợp. Hơn nữa, đinh lăng cũng có sức sống cao, chỉ cần cắt cành từ 20 - 30 cm nếu cắm trực tiếp xuống đất, 15-20 cm nếu ươm trong bầu và chú trọng đủ nguồn nước trong năm đầu tiên là được”.

Năm 2002, ông thu hoạch số đinh lăng trên với chất lượng khá tốt, sau đó tiếp tục trồng 1 ha. Tuy nhiên, không phải lúc nào “đầu xuôi đuôi cũng lọt”, ở lần thử nghiệm thứ hai này, ông Lượng ngậm ngùi nhận về thất bại. Lúc cây bắt đầu ra rễ con cũng đúng thời điểm nắng nóng kéo dài, lượng nước tưới thiếu hụt khiến đinh lăng chết gần như toàn diện tích. Dù vậy, lão nông này chẳng hề nản chí. Ông vẫn tiếp tục bỏ tiền của, công sức đầu tư cho đinh lăng, đào giếng để chủ động nguồn nước.

 

Đinh lăng phải được phơi đúng 5 nắng để đảm bảo độ khô cần thiết. Ảnh: Hồng Thi
Đinh lăng phải được phơi đúng 5 nắng để đảm bảo độ khô cần thiết. Ảnh: Hồng Thi

Và rồi niềm vui đã thực sự trở lại khi đinh lăng những mùa sau hoàn toàn sinh trưởng và phát triển ổn định trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió. Toàn bộ sản phẩm, ông chế biến thô bằng cách rửa sạch, thái lát mỏng, phơi 5 nắng rồi đóng bao chuyển về Nam Định để bán cho các công ty dược liệu mà nhiều nhất là cho Traphaco với giá dao động hiện nay từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg. “Lúc đầu chỉ lấy gốc, rễ để bán chứ chưa tận dụng được thân, lá, giờ thì cả cây dùng làm thuốc tất, không chừa bộ phận nào”- ông Lượng cho biết thêm.
 

Đinh lăng (hay cây gỏi cá, nam dương sâm), theo y học cổ truyền là cây thuốc Nam, có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng tăng cường độ dẻo dai và sức đề kháng cho cơ thể, giúp ăn ngủ ngon, giải độc, chống dị ứng; chữa các chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa… Nói chung, ngoài tác dụng lương huyết và giải độc, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm.

Sau thành công của mình, ông bắt tay hướng dẫn cho xóm giềng, bạn bè cùng thực hiện trồng xen đinh lăng vào vườn cà phê với mong muốn giúp bà con lấy ngắn nuôi dài nhưng ai cũng tỏ ra e dè vì đầu ra chưa chắc chắn. Trước tình hình đó, vợ chồng ông Lượng quyết định kiêm thêm việc thu mua đinh lăng và cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Từ đấy, ông rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh, tìm và mua đinh lăng với giá 10.000 đồng/kg rồi tăng dần theo thị trường với mức 25.000 đồng/kg (nguyên cây), riêng gốc mỗi kg có giá trung bình là 50.000 đồng. Dần dần, ông mở rộng thị trường thu mua đến các tỉnh lân cận như: Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng… Và cũng vì những bận rộn mới ấy, gia đình ông Lượng đã chuyển hẳn sang thu mua và cung cấp giống chứ không chú trọng trồng đinh lăng thành phẩm nữa.
 

Bình rượu thuốc ngâm gốc và rễ đinh lăng 24 năm tuổi của nhà ông Lượng có giá trên mười triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi
Bình rượu thuốc ngâm gốc và rễ đinh lăng 24 năm tuổi của nhà ông Lượng có giá trên 10 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi

Cầu vượt cung

Chứng kiến thành công của ông Lượng cũng như kịp thời nắm bắt được thông tin về vấn đề phát triển cây dược liệu địa phương ở nước ta trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều nông dân trong tỉnh đã và đang bắt đầu “thử sức” với đinh lăng. Thay vì chỉ trồng vài ba cây ở hàng rào hay với diện tích nhỏ lẻ từ 0,5-1 sào, thời gian gần đây, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư với diện tích lớn. Ông Quân (xã Ia Grăng) là người thứ hai sau ông Lượng phát triển cây đinh lăng dược liệu trên địa bàn huyện Ia Grai với 6 ha. Cho đến thời điểm này, đinh lăng của ông Quân cơ bản ổn định về tỷ lệ sống.

Cũng xuống giống với diện tích bằng ông Quân, song anh Hiền (TP. Pleiku) lại gặp không mấy thuận lợi. Anh chia sẻ: “Tôi biết được thông tin các công ty dược đang rất có nhu cầu về cây đinh lăng nên cũng quyết định trồng. Sau khi trồng thử nghiệm trước một số cây ở vườn nhà, thấy thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, tôi tiến hành mua giống ở Phú Thọ, Hà Nội và Nam Định về trồng trên diện tích 6 ha vào năm ngoái. Thế nhưng vì chưa có kinh nghiệm, khí hậu lại biến đổi, mưa ngắn cơn trong khi tôi không chủ động được nước tưới nên bị chết khá nhiều”.

 

Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cho đinh lăng với diện tích lớn. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cho đinh lăng với diện tích lớn. Ảnh: Hồng Thi

Tương tự, chị Trang (huyện Chư Pưh) cũng bộc bạch rằng, chị đã nung nấu ý tưởng phát triển cây dược liệu từ lâu, nhưng mãi đến sau khi tham dự hội nghị bảo tổn cây thuốc ở Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 7-3 vừa qua, chị mới quyết hiện thực hóa ý tưởng ấy. Đinh lăng là loại cây đầu tiên chị Trang chọn để “cắm đất”. Hom giống, chị mua về từ xã Ia Sao (huyện Ia Grai) và Bình Quới (TP. Hồ Chí Minh) với giá 40.000 đồng/kg, sau đó đem ươm bầu trước khi trồng để đảm bảo sức sống. Tuy nhiên, do số lượng con giống về nhiều, nhân công lại ít nên một lượng lớn giống chưa kịp ươm bầu bị khô héo, không thể lên mầm khiến hơn 100 triệu đồng tiền vốn của chị tan theo mây khói. “Dự kiến tầm nửa tháng tới, tôi sẽ xuống giống 6 ha và dần nhân rộng lên 10 ha nếu có đều giống. Nếu thành công ở cây đinh lăng, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm một vài cây dược liệu khác như tam thất, gừng đen, tám em, gấc đỏ…”- chị Trang nói.

Trước nhu cầu ngày một lớn ấy, nhiều vườn ươm đinh lăng cũng ra đời. Ông Trần Văn Xẽ-chủ một vườn ươm tại thôn Thắng Trạch 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai-cho biết: “Hiện vườn ươm của tôi có 15 vạn cây giống, trong đó có 12 vạn ươm bầu. Đến nay, sau 3 tháng kể từ lúc ươm giống, sức sống của cây khá tốt. Mỗi bầu giống được bán với giá 6.000-7.000 đồng”. Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Lượng, hiện tại nhu cầu mua giống đinh lăng của bà con trong và ngoài tỉnh là rất lớn, trong khi đó, số lượng cung ứng khá hạn chế, chưa tới 1/3. Riêng gia đình ông Lượng đang nhận cung cấp cho cả tỉnh tổng cộng 14 ha (2 tấn giống/ha) nhưng chỉ mới giao được khoảng 2 tấn.

 

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm