(GLO)- Trước đây, để trồng tiêu đa phần những hộ nông dân phải chạy hỏi nhiều nơi để tìm mua cho được những cây gỗ tốt về xẻ làm trụ, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, vài năm gần đây tình trạng trên đã giảm dần thay vào đó là việc sử dụng trụ bê tông và đây được xem là hướng đi bền vững đồng thời tạo thêm công việc làm cho người lao động vùng nông thôn.
Năm 2011, tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) từ 3 cơ sở nhen nhóm làm thí điểm, sau một năm số cơ sở đúc trụ tiêu đã tăng lên gần 30 điểm. Trụ tiêu hút hàng đến mức nhiều cơ sở phải thuê nơi khác gia công cho kịp giao hàng dù mỗi ngày một cơ sở đúc được từ 500-600 trụ.
Mưu sinh từ nghề đúc trụ
Khâu làm khuôn đúc trụ tiêu. Ảnh: Nguyễn Giác |
Nhóm làm khung trụ, tổ trộn hồ, người sắp khuôn cho khâu hoàn thiện… những công việc cứ đều đặn diễn ra, thi thoảng mọi người mới nghỉ tay bởi đơn đặt hàng đã lên đến hàng ngàn trụ.
Đó là những công việc thường ngày diễn ra tại cơ sở đúc trụ tiêu Hoàng Vũ- là điểm đúc trụ có quy mô lớn nhất tại xã Tân Bình. Anh Nguyễn Hoàng Vũ- chủ cơ sở Hoàng Vũ thôn 3, xã Bình Tân cho biết: Cơ sở hiện có 30 công nhân đang làm việc tại 4 cơ sở ở Tân Bình và 1 ở xã Bầu Cạn (huyện Chư Prông). Dù mọi người cố gắng nhưng số trụ đúc ra mỗi ngày chừng 600 trụ, trụ khô đến đâu khách cho xe bốc đến đó, hàng không kịp bán, nhiều khi phải lấy thêm các cơ sở khác mới đủ hàng cho khách.
Thông thường mỗi khách hàng đặt từ vài trăm đến cả ngàn trụ, nhiều thì 2.000 như anh Nghĩa ở Phú Mỹ (Chư Prông) vừa đặt hàng. Còn có trường hợp cá biệt như một hộ có rẫy tại Ia Grai đặt 8.000 trụ- anh Vũ nói.
Thời điểm hiện nay, giá một trụ tiêu dao động từ 130 ngàn đồng đến 160 ngàn đồng tùy loại. Riêng loại trụ rỗng ruột theo thiết kế được cho là mới nhất với lợi thế nhẹ, tính đàn hồi cao, không gãy vỡ khi vận chuyển, do vậy loại trụ mới này rất được nông dân ưa chuộng đặt hàng.
Bù lại sản phẩm do nhóm thợ làm ra, chủ tại các cơ sở thực hiện việc khoán công trên từng sản phẩm trụ tiêu với giá 14 ngàn đồng/trụ, trung bình mỗi ngày một thợ làm được từ 25-40 trụ tùy vào tay nghề và sức khỏe. Theo đó, mỗi công nhân có thu nhập từ 300- 400 ngàn đồng/ngày. Nếu tính so với công thợ nề chỉ khoảng 160 nghìn/ngày như hiện nay thì thợ đúc trụ tiêu có vẻ kiếm được, công việc cũng nhẹ nhàng hơn.
Anh Phan Văn Toàn quê ở Phù Mỹ (Bình Định) đưa gia đình lập nghiệp tại Gia Lai đã lâu, nhưng từ khi bước vào nghề đúc trụ tiêu đã cho gia đình anh có thu nhập ổn định, có hôm anh làm và tính được hơn 300 ngàn đồng/ngày. Cùng với anh Toàn, anh Trần Văn Kha, ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn (Bình Định) ruộng ở nhà sạ xong, công việc ở quê cũng an nhàn nên được người quen giới thiệu lên Gia Lai đổ trụ kiếm tiền.
Nghe chuyện như đùa, nhưng cũng thử công việc mới anh đến xin làm sau một ngày thành thợ lành nghề. Ngày đầu lên thì trộn bê tông, mỗi ngày anh Kha chỉ trộn bê tông cho 5 người thợ còn lại đổ. Mỗi trụ đổ xong tôi được tính 2.000 đồng. Ở cơ sở này mỗi ngày cũng hơn trăm trụ, công việc trộn hồ có nặng nhưng có thêm thu nhập mua thêm quần áo, đồ học tập cho con là tốt rồi- anh Kha hớn hở nói.
Ồ ạt đổ trụ, trồng tiêu
Ảnh: Nguyễn Giác |
Không chỉ ở Tân Bình (Đak Đoa) mà ở xã Ia Băng, Bầu Cạn, Tân Hưng (Chư Prông) cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở sản xuất trụ tiêu để bán. Chỉ cần nhìn thấy các cơ sở này hầu như không có hàng tồn, mỗi ngày bán ra vài trăm trụ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có cả trăm cơ sở đúc trụ chưa kể các gia đình tự đúc để trồng, điều này cho thấy diện tích trồng tiêu đang tăng nhanh.
Theo con số thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai vào khoảng gần 7 ngàn ha, trong đó Chư Sê và Chư Pưh đã hơn 4.000 ha. Chỉ riêng xã Ia Pia (Chư Prông) đã có 600 ha, xã Ia Vê (Chư Prông) hơn 100 ha hồ tiêu và đang có xu hướng gia tăng. Huyện Đức Cơ năm 2011 có khoảng 238 ha hồ tiêu, nhưng việc trồng tiêu ồ ạt của người dân hiện nay, diện tích hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng cao.
Việc nông dân trồng hồ tiêu không theo quy hoạch, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng dù nơi trồng có chất đất không phù hợp, thiếu nước tưới. Hậu quả nhãn tiền là mới đây do nhiều người dân chưa tìm hiểu rõ các kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu, cũng như khâu chọn giống đã khiến tiêu bị bệnh chết hàng loạt, nhiều nhà nông vì thế mà khốn đốn.
Trồng tiêu ồ ạt, mở rộng diện tích bất chấp hậu quả trở thành vấn đề nóng của nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nếu không có biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ nông dân trồng cây tự phát, không theo quy hoạch vùng.
Nguyễn Giác