(GLO)- Mặc dù vụ ép 2013-2014 chưa được nửa chặng đường, nhưng vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đầu tư tại khu vực Đông Nam tỉnh đang bị Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Phú Yên) và Công ty cổ phần đường Kon Tum tranh mua trái phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất trong vụ ép này mà còn tạo ra khoản nợ khó thu hồi khi nhà máy đã đầu tư cho người trồng mía.
Vụ ép 2013-2014, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai có khoảng 9.200 ha, tập trung tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa… Giá đường trên thị trường xuống rất thấp so với những năm trước đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch thu mua và ép của Công ty.
Ảnh: N.D |
Dù vậy, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai vẫn đảm bảo thu mua với mức giá 870.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 CCS, chưa kể các chi phí hỗ trợ khác như phí trung chuyển, tăng giá mua mía có tạp chất dưới 2%, giá mua điều chỉnh theo mức giá của các nhà máy đường trong khu vực, từng thời điểm và đặc biệt vào cuối vụ tăng lên 50.000-100.000 đồng/tấn. Dự kiến khi kết thúc vụ ép, Công ty mua khoảng 500.000 tấn mía cây, đáp ứng công suất ép 3.500 tấn/ngày. Mới đây, Công ty còn khen thưởng đột xuất cho những chủ mía đã bán mía cho Công ty đạt tiêu chuẩn róc mía sạch, số lượng mía lớn…
Đặc biệt để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế xe chở mía quá khổ quá tải, Công ty nâng mức giá hỗ trợ chủ các phương tiện thêm 10% cước vận chuyển để đưa mía về đến nhà máy.
Hiện nay, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu tại khu vực Đông Nam tỉnh diễn ra khá phức tạp. Ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Phú Yên) và Công ty cổ phần đường Kon Tum đã tranh mua nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đầu tư. Điều này không chỉ trái với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai. Nguy hiểm hơn, việc làm này có thể dẫn đến các chủ mía đã nhận tiền đầu tư của nhà máy lẩn tránh trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư.
Thống kê của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai, vùng nguyên liệu của Công ty đã bị 2 Công ty nói trên lén lút mua với số lượng trên 44.000 tấn. Đặc biệt trong những ngày này, nhiều xe mía bắt đầu bán cho nhà máy đường Kon Tum với số lượng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai bức xúc nói: “Vùng nguyên liệu của Công ty đã đầu tư từ nhiều năm qua đang bị xâm hại nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch của vụ ép 2013-2014 và việc thu hồi nợ… Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tranh mua như hiện nay”.
Được biết, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Yên đề nghị can thiệp. Công ty cũng đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Đường Kon Tum và Hiệp hội Mía đường Việt Nam cùng các cơ quan chức năng đề nghị chấm dứt việc tranh mua mía trong vùng nguyên liệu mà đơn vị khác đã đầu tư. Thế nhưng điều này xem ra vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và có thể tình trạng mua mía nguyên liệu còn diễn ra quyết liệt hơn trong những ngày sắp đến.
Nguyễn Diệp