Gia Lai: Những người trẻ "làm mới" hoạt động du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, hùng vĩ. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Không đứng ngoài cuộc, nhiều thanh niên cũng đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Trong 15 ý tưởng lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2018 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai tổ chức, bên cạnh những ý tưởng về nông nghiệp, dịch vụ, thương mại còn có 2 ý tưởng trong lĩnh vực du lịch. Cả 2 ý tưởng này đều hướng đến phát triển các loại hình du lịch mà Gia Lai chưa có như: du lịch trải nghiệm buôn làng nhằm giới thiệu nét riêng biệt, nguyên sơ của văn hóa bản địa; du lịch canh nông nhằm đưa du khách trải nghiệm các hình thức sản xuất nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Chị Trần Thị Bé. Ảnh: Hà Đức Thành
Chị Trần Thị Bé. Ảnh: H.Đ.T
Đem đến cuộc thi ý tưởng “Phát triển và kinh doanh loại hình du lịch canh nông tại tỉnh Gia Lai”, chị Trần Thị Bé (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Lý do tôi chọn ý tưởng khởi nghiệp này là vì Gia Lai có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch gắn liền với nông nghiệp. Qua thực tế nhiều lần đi cùng khách du lịch, tôi thấy các du khách, nhất là du khách nước ngoài, rất thích được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng muốn cung cấp dịch vụ du lịch canh nông ở Gia Lai, vừa tạo sự trải nghiệm mới cho du khách, vừa góp phần thay đổi nhận thức của người dân làm nông nghiệp, giúp người dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình thông qua các dịch vụ du lịch”.
Để thực hiện dự án này, hiện nay, chị Trần Thị Bé đã làm việc với một số nhà vườn đưa du khách đến trải nghiệm như vườn hồ tiêu Lệ Chí sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa). Vườn hồ tiêu này của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang có quy mô rộng vài héc ta, có những ngôi nhà nhỏ ở trong vườn, rất thích hợp cho du khách lưu trú dài ngày tại vườn để trải nghiệm công việc trồng, chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hay vườn cà phê rộng 3 ha của Công ty TNHH HD Gia Lai tại huyện Chư Pah, nơi du khách có thể trải nghiệm việc hái cà phê, tưới nước... “Khai thác và phát triển loại hình du lịch canh nông không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-chị Trần Thị Bé cho biết.
Với ý tưởng “Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm tại Gia Lai”, anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku mong muốn đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi đặt chân đến tỉnh ta. Ý tưởng của anh Nam là sử dụng các container đã qua sử dụng để xây dựng các phòng nghỉ tại các đồi thông gần khu vực trung tâm TP. Pleiku; thiết lập điểm cho mượn xe đạp hoặc cho thuê xe mô tô giá rẻ để du khách khám phá danh lam thắng cảnh địa phương; xây dựng các tour hái cà phê, rang xay để tạo ra 1 ly cà phê, tour tìm hiểu cách nuôi ong mật và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ mật ong, tour trải nghiệm cách chăm sóc và trồng những loại lan rừng quý hiếm, kết hợp cho du khách tham gia học chơi các nhạc cụ dân tộc, tham gia các lễ hội và tìm hiểu các phong tục tập quán của người địa phương... 
Anh Thái Giang Nam. Ảnh: Hà Đức Thành
Anh Thái Giang Nam. Ảnh: Hà Đức Thành
Trao đổi với chúng tôi về tính khả thi của ý tưởng khởi nghiệp này, anh Thái Giang Nam cho biết: Tuy có nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng của tôi chưa thật quy mô và chưa thể hiện rành mạch nhưng tôi rất muốn ý tưởng của mình sẽ tạo sự lan tỏa để các bạn trẻ cùng hợp tác phát triển loại hình du lịch này. Bởi vì hiện nay, tôi thấy Gia Lai đang rất cần những loại hình du lịch kiểu trải nghiệm. Ý nghĩa xã hội trong ý tưởng của tôi là bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số, phát triển tư duy làm du lịch...
Đánh giá về tính khả thi của các ý tưởng trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, thành viên Ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2018-cho biết: “Tôi cho rằng việc người trẻ làm du lịch có rất nhiều cái lợi và tôi đánh giá cao ý tưởng của các bạn. Bởi lẽ, các bạn không chỉ mang trong mình sự trẻ trung, năng động mà còn có nhiều ý tưởng mới của người trẻ, rất cần cho xu hướng hiện nay. Và tôi tin rằng, nếu các bạn chịu đầu tư, chịu nghiên cứu và dám dấn thân, các bạn sẽ thành công trong lĩnh vực còn mới này ở Gia Lai”.
Hiện nay, ngành du lịch Gia Lai đang trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn đi theo cách thức kinh doanh truyền thống thì sự xuất hiện của những ý tưởng mới đến từ các bạn trẻ hứa hẹn sẽ tạo ra sự mới mẻ, độc đáo trong cách làm du lịch, quảng bá du lịch địa phương.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.