(GLO)- Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak đã hòa lưới điện quốc gia đem về nguồn thu rất lớn cho chủ đầu tư. Hàng ngàn người dân hai huyện Kbang và thị xã An Khê đã hy sinh ruộng vườn, nhà cửa của mình để công trình trọng điểm quốc gia được hoàn thành đúng tiến độ. Thế nhưng, những công trình phục vụ dân sinh do chủ đầu tư xây dựng đã không đem lại hiệu quả như mong muốn của người dân...
Trong các buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng Nhân dân các cấp, cử tri thị xã An Khê đã nhiều lần bày tỏ bức xúc vì những vướng mắc xung quanh công trình thủy điện An Khê- Ka Nak. Thế nhưng thời gian cứ trôi đi, trong khi người dân tiếp tục trông chờ vào lời hứa của chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trước đây khi chưa thi công công trình thủy điện thì 4 ha lúa nước của người dân xã Cửu An ở đập Mãi vẫn sản xuất bình thường. Khi thi công làm kênh dẫn dòng của thủy điện thì 4 ha lúa nước của người dân không thể sản xuất. Ban Quản lý Thủy điện 7 đã phối hợp với thị xã An Khê tổ chức xây dựng lại con đập này. Thế nhưng, đơn vị thiết kế, thi công đã không tính được lưu lượng nước, cũng như trong quá trình thi công ẩu, nên công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng gặp mưa lớn, lượng nước chảy về nhiều nên thân đập bị nước cuốn trôi. Người dân ở đây chỉ biết đứng nhìn diện tích đất canh tác của mình đành bỏ hoang.
Cùng chung số phận với đập Mãi thì đập Suối La cũng thuộc địa bàn xã Cửu An mặc dù được chủ đầu tư xây dựng con đập này để phục vụ việc tích nước cho gần 4 ha lúa nước. Thế nhưng, đơn vị thiết kế và thi công đã không khảo sát lưu lượng nước cần tích, cũng như khả năng tưới cho diện tích lúa. Chính vì điều này về mùa khô thì đập không tích được nước, mùa mưa thì nước chảy qua tràn. Dẫn đến đã làm cho các hộ gia đình có ruộng ở khu vực này không thể sản xuất. Nhiều người dân đã bức xúc khi tiền Nhà nước bỏ ra nhưng người dân không được hưởng lợi
Trước đây người dân thôn Xuân An 1, xã Xuân An vẫn sản xuất bình thường ở cánh đồng Đá Vàng, thế nhưng khi lòng hồ tích nước thì việc sản xuất của người dân càng vất vả hơn. Hàng hóa nông sản người dân làm ra phải dùng thuyền để vận chuyển. Mới đây con đường nối với khu sản xuất đã được làm. Thế nhưng, khi làm con đường này đơn vị thi công và chủ đầu tư đã quá thờ ơ khi chỉ tiến hành đổ đất, đá để làm móng không tiến hành kè, hoặc dùng các rọ đá để kè dưới chân, chính vì vậy chỉ một thời gian ngắn con đường này đã bị xói lở nghiêm trọng. Những cột mốc bị sạt lở nghiêng ngã, có nhiều đoạn nước đã xói lở gần nửa con đường nên việc đi lại của người dân rất khó khăn. Cùng với đó nếu lượng nước trong lòng hồ lớn người dân cũng không thể sang khu sản xuất của mình, do đơn vị thi công đã không nâng cao con đường cũng như hệ thống ngầm quá thấp. Anh Nguyễn Hữu Hùng-một người dân có đất sản xuất ở đây bức xúc: Cả thôn chúng tôi đều có đất sản xuất ở khu vực này, thế nhưng khi thủy điện tích nước chúng tôi mất đường đi. Mới đây chủ đầu tư xây dựng đường sang khu sản xuất nhưng đường làm không đến nơi, đến chốn, ngầm quá thấp, nước dâng cao chúng tôi không thể vận chuyển được rau màu từ đồng về nhà được. Mùa thu hoạch mía đã đến không biết chúng tôi phải vận chuyển mía như thế nào?
Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Không chỉ một số công trình hư hỏng ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân mà nhiều công trình phục vụ dân sinh trong vùng dự án đến nay chủ đầu tư cũng chưa tiến hành thực hiện như cam kết. Công trình Đập Ý- đập thủy lợi thuộc thôn An Điền 2, xã Cửu An, trước đây khi chưa thi công công trình mương dẫn dòng thì hơn 2,5 ha lúa của người dân thôn này vẫn sản xuất bình thường. Thế nhưng những hộ dân có ruộng ở đây không thể sản xuất do thiếu nước. Nhiều lần chính quyền xã đã có văn bản và ý kiến kiến nghị với Ban Quản lý Thủy điện 7 và các cấp chính quyền, song đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, khi tiến hành xây dựng cầu máng bắc qua kênh dẫn dòng, phục vụ dân sinh đơn vị thi công đã không làm đường dẫn lên cầu, chính vì thế người dân không thể tham gia giao thông trên cây cầu này. Cánh đồng Gò Trạng của xã Xuân An có diện tích gần 100 ha nếu có đường đi lại người dân sẽ vận chuyển hàng hóa qua cầu này. Thế nhưng vì không có đường dẫn nên người dân phải đi vòng qua suối phải mất đoạn đường dài gần 3 km.
Trao đổi với chúng tôi về những bất cập các công trình phục vụ dân sinh, ông Phạm Đình Phùng- Chủ tịch UBND xã Cửu An cho biết thêm: Một số công trình phục vụ dân sinh đã được chủ đầu tư thi công nhưng không đảm bảo chất lượng cũng như không phục vụ được nhu cầu của người dân. Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND thị xã đề nghị chủ đầu tư khắc phục sớm để bà con nông dân thuận lợi hơn cho việc sản xuất.
Vĩnh Hoàng