Gia Lai: Nâng cấp hạ tầng thúc đẩy ngành thương mại phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại góp phần làm phong phú, đa dạng phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và thúc đẩy ngành thương mại của tỉnh Gia Lai phát triển.

Phát triển mạng lưới chợ nông thôn

Hiện nay, toàn tỉnh có 102 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2, 73 chợ hạng 3 và 15 chợ tạm; chưa có chợ đầu mối đạt chuẩn thực hiện công năng phát luồng hàng hóa đến các cơ sở chế biến, nhà xuất khẩu, chi phối thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các chợ đều do UBND cấp huyện, xã trực tiếp quản lý thông qua các ban quản lý chợ. Ban quản lý chợ hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu hoặc tự chủ tài chính; việc đầu tư chỉnh trang, nâng cấp chợ từ nguồn vốn ngân sách của địa phương.

Ông Lương Văn Tự-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Phú Thiện (huyện Phú Thiện) cho hay: “Với quy mô là chợ hạng 3, chợ Phú Thiện có 8 ki ốt, 142 lô sạp cố định, 110 lô sạp không cố định. Các hộ kinh doanh tại chợ với đầy đủ mặt hàng đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm. Ngày trước, hoạt động mua bán tại chợ rất sôi động. Nhưng gần đây, cơ sở hạ tầng bắt đầu xuống cấp, cộng với sự cạnh tranh giữa chợ truyền thống và các loại hình thương mại khác khiến việc kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn”.

Các loại hình cửa hàng tiện lợi đã tạo môi trường mua sắm thuận tiện với sự đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Vũ Thảo

Các loại hình cửa hàng tiện lợi đã tạo môi trường mua sắm thuận tiện với sự đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Vũ Thảo

Những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hệ thống chợ được quy hoạch, đánh giá theo tiêu chí nông thôn mới. Ông Cao Việt Lĩnh-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Păh-cho biết: “Huyện có 12/12 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Trong đó, 3 xã có chợ nông thôn hạng 3 nằm trong quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; 9 xã còn lại đánh giá theo tiêu chí cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Toàn huyện có 23 cửa hàng xăng dầu cấp 3, 1 siêu thị điện máy, 5 chợ hạng 3 với khoảng 275 hộ kinh doanh cố định và lưu động cùng hơn 780 hộ kinh doanh trên khắp các xã, thị trấn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận hàng hóa có chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý”.

Để phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đăng ký danh mục chợ xã cần hỗ trợ đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Từ nguồn vốn chương trình này, năm 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 1 chợ ở huyện Kbang, năm 2023 đầu tư 2 chợ tại huyện Kông Chro và Đức Cơ. Ông Nguyễn Anh Thơ-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang-cho biết: “Chợ xã Kông Lơng Khơng có quy mô hạng 3. Chợ mới được xây dựng khang trang, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân trên địa bàn”.

Theo đánh giá của bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, việc kêu gọi vốn đầu tư xây dựng chợ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống chợ chưa được đầu tư đúng mức, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hóa chưa dồi dào. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ phụ trợ còn yếu, manh mún, chưa có tác động lớn thúc đẩy thương mại, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Hệ thống bán lẻ hiện đại bước đầu hình thành. Quy mô kinh doanh thương mại trong tỉnh còn nhỏ, chưa phát triển đến trình độ có thể làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động thương mại.

Thúc đẩy hệ thống bán lẻ phát triển

Bên cạnh mạng lưới chợ, toàn tỉnh hiện có 9 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp của các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với hệ thống siêu thị, toàn tỉnh còn có 170 cửa hàng tiện lợi, phân bố tập trung tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Đây là những mô hình kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại, bán lẻ các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

Hạ tầng thương mại còn thể hiện qua việc phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu với 422 cửa hàng bán lẻ của 210 doanh nghiệp, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế. Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng cửa hàng xăng dầu tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đã tạo thuận lợi cho người dân, giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Tại các vùng nông thôn, hệ thống chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Ảnh: V.T

Tại các vùng nông thôn, hệ thống chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Ảnh: V.T

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, trước những yêu cầu mới về phát triển nhanh và bền vững ngành thương mại, phát huy hơn nữa vai trò của thương mại trong việc tạo giá trị tăng thêm đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, Sở Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống tại vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện xã hội hóa đầu tư các chợ trên địa bàn tỉnh… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chợ khu vực thành phố, thị trấn các huyện được chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác, đến năm 2030 có 80% chợ trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác; hình thành và phát triển các trung tâm thương mại tại các khu vực đô thị, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua hệ thống trung tâm thương mại, đến năm 2025 chiếm khoảng 13%, đến năm 2030 chiếm 25-32%; phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm có đủ công năng để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản trong tỉnh; phát triển hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trên địa bàn tỉnh; đầu tư phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi, xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam; đào tạo kỹ năng, hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng nền tảng trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường.

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

(GLO)- Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe đang trở thành xu hướng của nhiều cơ sở sản xuất. Việc này không chỉ góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà còn gia tăng giá trị của thảo mộc.

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

(GLO)- Đánh vào tâm lý một bộ phận người tiêu dùng thích hàng hiệu giá rẻ nên các đối tượng đưa hàng giả, hàng nhái vào thị trường, nhất là các kênh mua bán trực tuyến. Theo đó, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Nhập nhằng nhãn hiệu gạo ST25

Nhập nhằng nhãn hiệu gạo ST25

(GLO)- Hiện nay, nhiều loại gạo được gắn nhãn gạo ST25 để bán tràn lan trên thị trường với mức giá khác nhau. Sự nhập nhằng này khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn.

Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

(GLO)- Bánh Trung thu là thực phẩm không thể thiếu mỗi dịp trăng rằm tháng 8. Với nhiều chủng loại được bày bán trên thị trường, làm thế nào để chọn được bánh Trung thu ngon, giá cả phải chăng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là vấn đề được nhiều người quan tâm.