(GLO)- Ngay trong ngày đầu thực hiện việc kiểm tra điều kiện hoạt động của xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn TP. Pleiku, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã phát hiện hàng loạt lỗi vi phạm và yêu cầu nhiều chủ phương tiện phải dừng hoạt động để khắc phục.
Quá nhiều vi phạm
Theo hợp đồng đã ký với Trường THPT Hoàng Hoa Thám, năm học 2014-2015, ông Nguyễn Thành Long (trú tại 142 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) sẽ sử dụng 3 xe ô tô (2 xe loại 35 chỗ và 1 xe loại 29 chỗ) để đưa đón học sinh của trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành sáng 23-9, cả 3 chiếc xe của ông Long đều không đủ điều kiện để hoạt động đưa đón học sinh. Cụ thể, xe ô tô BKS 81B-007.75 chưa được Sở Giao thông-Vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng đưa đón học sinh. Trong khi đó, 2 ô tô BKS 81B.000.02 và 81B-000.03 đều có dấu hiệu thay đổi kết cấu xe về số ghế và đều hàn cố định cửa lên xuống phía sau.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra một xe đưa đón học sinh tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Không chỉ tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám mà tại nhiều trường khác trên địa bàn TP. Pleiku, qua kiểm tra ngày 23-9, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng phát hiện những trường hợp ô tô đưa đón học sinh vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe. Theo đó, tại Trường THPT Pleiku, xe ô tô BKS 81M-5314 của ông Nguyễn Thành Long bị phát hiện đã cố định cửa lên xuống phía sau và lắp ghế ngồi chắn ngay cửa lên xuống phía sau; tại Trường THCS Tôn Đức Thắng (phường Thống Nhất), chủ xe ô tô BKS 81B-006.26 của DNTN An Lộc đã lắp thêm một băng ghế dài sai quy định… Trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất là xe ô tô 28 chỗ BKS 81B-005.83 đưa đón học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường Yên Thế). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện chủ xe kiêm lái xe Trần Công Đạt (trú tại 113 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) đã tháo gần như toàn bộ số ghế ngồi riêng của xe và thay thế bằng 3 hàng ghế băng. Giải thích với đoàn kiểm tra về lý do lắp ghế băng, ông Đạt cho rằng đó là vì … “học sinh bị say xe” (!).
Cùng với lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe, trong ngày 23-9, qua kiểm tra 6 trường học trên địa bàn TP. Pleiku, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh còn phát hiện nhiều xe đưa đón học sinh vi phạm các lỗi: không có phù hiệu, không niêm yết tên, số điện thoại của chủ phương tiện trên xe, không có bình chữa cháy, không xuất trình được giấy khám sức khỏe của lái xe và hợp đồng lao động với lái xe… Về phía nhà trường, có nơi còn không ký hợp đồng đưa đón học sinh với các chủ phương tiện như Trường THPT Pleiku. Toàn bộ những trường hợp phương tiện vi phạm, Đoàn kiểm tra liên ngành đều lập biên bản và yêu cầu chủ xe dừng hoạt động và khẩn trương khắc phục những vi phạm báo cáo về Thanh tra Giao thông tỉnh rồi mới được tiếp tục hoạt động. Riêng Trường THPT Pleiku, đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường phải ký hợp đồng đưa đón học sinh của trường với các chủ phương tiện.
Sẽ đình chỉ hoạt động nếu tái phạm
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xe ô tô đưa đón học sinh tại Trường THPT Pleiku. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Trong quá trình tổ chức kiểm tra các xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn TP. Pleiku, trước lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe diễn ra khá phổ biến, một câu hỏi mà các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành đặt ra là: Làm cách nào những phương tiện này vẫn vượt qua được cánh cửa của các Trung tâm Kiểm định Xe cơ giới? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều chủ xe như ông Trần Công Đạt cho biết, sau khi đi kiểm định về họ mới thay đổi kết cấu của xe. Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp xe ô tô BKS 81M-3514 của ông Phạm Thành Long thì lại khác. Theo ông Long, chiếc xe này ông mua của người khác đã 6-7 năm và khi mua về thì kết cấu xe đã như vậy và khi đi kiểm định cũng không thấy ai nói gì. Trước câu trả lời này, ông Trịnh Quang Hải-Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông số 2 Sở Giao thông-Vận tải, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị ông Long viết cam kết khẳng định điều mình nói nhưng ông Long đã từ chối (!?).
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, ông Quế cho biết sẽ làm việc với Trung tâm Kiểm định Xe cơ giới có liên quan. Trong trường hợp chủ xe tự ý thay đổi kết cấu của xe sau khi kiểm định, Sở sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính với chủ xe. Còn nếu Trung tâm Kiểm định Xe cơ giới sai thì Trung tâm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quế, không phải đến bây giờ, việc kiểm tra các xe ô tô đưa đón học sinh mới được Sở Giao thông-Vận tải tiến hành. Từ vài năm nay, khi loại hình phương tiện này nở rộ trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, Sở đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc quyết liệt kiểm tra chất lượng và thống kê số phương tiện này trên địa bàn. Sở cũng đã mời các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh hoạt động xe đưa đón học sinh về họp và phổ biến những quy định pháp luật có liên quan, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải đăng ký để Sở cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, đến nay cả tỉnh mới chỉ có 20 đơn vị được Sở cấp giấy phép hoạt động đưa đón học sinh.
Về đợt kiểm tra lần này, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết, toàn bộ các trường hợp vi phạm, trên cơ sở biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Nếu trường hợp nào còn tiếp tục vi phạm, Sở sẽ kiên quyết đình chỉ không cho hoạt động.
Vĩnh Phúc