(GLO)- Sáng 26-5, tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư mục tiêu cần thu hút đối với các dự án trọng điểm trong từng ngành kinh tế Gia Lai”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai; nhóm thực hiện các đề tài; các nhà quản lý, đại diện các tập đoàn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018 nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của 2 địa phương.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.N |
Tại Hội thảo, nhiều đề tài đã được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá và có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết để bổ sung, hoàn chỉnh như: Các dự án trọng điểm, các nhà đầu tư mục tiêu trong ngành công nghiệp chế biến tinh và sâu của tỉnh Gia Lai; dự án nông nghiệp trọng điểm-khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; các dự án trọng điểm trong kêu gọi đầu tư ngành du lịch-sinh thái-nghỉ dưỡng của Gia Lai; dự án trồng rừng nguyên liệu-tập trung phát triển rừng gỗ lớn của địa phương… Đây là cơ sở giúp tỉnh Gia Lai xác định hướng đi cũng như các giải pháp triển khai cụ thể về những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển, ưu đãi đầu tư, giải quyết các vấn đề đặt ra trên thực tế, nhằm thu hút đối với các dự án trọng điểm trong từng ngành kinh tế Gia Lai.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh: “Qua Hội thảo lần này, tỉnh Gia Lai rất mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, đánh giá về tiềm năng và thế mạnh của Gia Lai. Chúng tôi mong muốn nhận được đóng góp chân thành, thẳng thắn và những đề xuất mang tính thực tiễn, để Gia Lai có định hướng đầu tư trong tương lai, thu hút được nhiều dự án trọng điểm”.
|
Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá và có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết và góp ý nhiều giải pháp giúp Gia Lai thu hút các dự án trọng điểm. Ảnh: M.N |
Ngoài ra, tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cũng tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như Chỉ số quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Gia Lai. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng: Trước kia, Gia Lai không phải là địa phương có thành tựu về số điểm và thứ hạng PCI, và chỉ số này thường được xếp vào nhóm trung bình. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2006-2017, chỉ số PCI của tỉnh dần được cải thiện và đặc biệt là liên tục lên hạng kể từ sau năm 2013. Đối với chỉ số PAPI, đây là tấm gương phản chiếu hiệu quả của bộ máy công quyền trong quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực người dân quan tâm. Do đó, nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư tại tỉnh, Gia Lai cần có thêm nhiều giải pháp để cải thiện Chỉ số PAPI.
Minh Nguyễn