Gia Lai hoàn tất công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai cơ bản hoàn tất. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.


* P.V: Ông có thể thông tin một cách tổng quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Gia Lai?
 

Ông Lê Duy Định. Ảnh: H.T
Ông Lê Duy Định. Ảnh: H.T

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do UBND tỉnh chủ trì. Toàn tỉnh có 13.384 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí tại 37 điểm thi với 589 phòng thi ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Hội đồng thi đã khẩn trương thành lập các ban để triển khai nhiệm vụ như: Ban in sao đề thi, Ban cơ sở vật chất, Ban vận chuyển đề thi, Cán bộ giám sát, Ban thư ký, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi, Ban phúc khảo. Tổng số nhân lực làm công tác thi và phục vụ kỳ thi gồm 3.127 người. Đến nay, công tác chuẩn bị cũng như tổ chức thực hiện các công việc liên quan được triển khai một cách kỹ càng và đầy đủ; sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi này trên địa bàn.

* P.V: Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?


- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở GD-ĐT đã tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo điều hành; xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND 17 huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành GD-ĐT phân công chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học, bộ phận giúp việc có liên quan chuẩn bị chu đáo các khâu cho kỳ thi.

Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, Sở GD-ĐT chỉ đạo các điểm tiếp nhận hồ sơ hoàn tất việc nhận hồ sơ, nhập vào hệ thống đảm bảo đúng tiến độ và quy chế của Bộ GD-ĐT. Tổ chức kiểm tra chéo hồ sơ giữa các đơn vị đăng ký dự thi để phát hiện sai sót, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Chỉ đạo các trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, phổ biến Quy chế thi đến học sinh và phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các cơ quan truyền thông, sử dụng mạng internet để tuyên truyền về kỳ thi, những điểm mới trong việc tính điểm xét tốt nghiệp THPT và một số vấn đề cần lưu ý đối với thí sinh trong kỳ thi năm nay. Đồng thời, Sở cũng chú trọng đến công tác tiếp sức mùa thi; tập huấn quy trình làm thi cho tất cả những người có trách nhiệm trong hội đồng thi.

Thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Sở GD-ĐT với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho điểm thi và bảo vệ an toàn cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi; đảm bảo thông tin liên lạc và an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trong những ngày thi trên địa bàn.

* P.V: Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT đã có những phương án nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho người tham gia kỳ thi?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phổ thông, các phòng GD-ĐT và những đơn vị đặt điểm thi tiến hành vệ sinh môi trường trong khuôn viên và xung quanh các điểm thi; phối hợp với cơ sở y tế tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ các điểm thi trước ngày thi và thực hiện vệ sinh khử khuẩn sau mỗi buổi thi.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trở về từ vùng dịch. Ảnh: H.T
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trở về từ vùng dịch. Ảnh: H.T


Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cơ sở vật chất, trang-thiết bị đảm bảo yêu cầu về phòng-chống dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu như: nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn, mỗi điểm thi trang bị 3 máy đo thân nhiệt và bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho cán bộ làm công tác thi và học sinh dự thi, khẩu trang dự phòng; đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên tham gia lực lượng dự phòng, bố trí phòng thi dự phòng, điểm thi dự phòng khi có tình huống xảy ra. Tuyên truyền và hướng dẫn người nhà thí sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch, không tập trung đông người xung quanh điểm thi.

Một khâu quan trọng khác là tiến hành rà soát cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như thí sinh trở về từ vùng dịch từ ngày 1-7-2020 đến nay, yêu cầu khai báo và kiểm tra y tế. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 22 cán bộ, giáo viên và 31 học sinh trở về từ vùng dịch. Đối với cán bộ, giáo viên, chúng tôi sẽ không bố trí tham gia làm công tác thi; riêng học sinh, nếu cơ quan y tế xác định thuộc diện F1, F2 thì lập tức cách ly và bố trí cho các em tham gia thi đợt 2 hoặc xét đặc cách theo quy định.

* P.V: Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, các thí sinh cần lưu ý những gì, thưa ông?


- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp. Do vậy, Sở GD-ĐT lưu ý và khuyên các thí sinh tham dự kỳ thi một số điểm sau đây:

Nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 và bạch hầu theo hướng dẫn: rửa tay với nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi, đảm bảo giãn cách…

Giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tranh thủ ôn lại những nội dung kiến thức cơ bản đã học, giữ tâm lý thoải mái, tự tin trong quá trình làm bài thi; đặc biệt là phải tuân thủ đúng Quy chế của kỳ thi, tránh những sai sót không đáng có trong quá trình làm bài.

Thí sinh cần chú ý đến thời gian các buổi thi để có mặt tại điểm thi theo đúng quy định; hợp tác với những người làm công tác coi thi; sử dụng hết thời gian cho từng môn thi, bài thi, không được bỏ sót câu trả lời trắc nghiệm. Ngoài ra, các em còn phải chú ý đến vấn đề an toàn giao thông, an toàn thực phẩm.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 HỒNG THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.