Gia Lai: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tồn tại, hạn chế trong khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế... đã khiến công tác xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh năm 2017 bị chậm trễ. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, phấn đấu hết quý II, công tác giải ngân vốn đạt 40%.

Tháng 10-2014, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu Du lịch Biển Hồ, hạng mục kè chắn đất và ốp mái ta luy với tổng vốn đầu tư 28,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau khi hoàn thành, công trình đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, theo Báo cáo kiểm tra số 372/SXD-QLCL ngày 26-4-2016 của Sở Xây dựng, đơn vị thi công hạng mục kè chắn đất và ốp mái ta luy đã không thi công đúng theo hồ sơ thiết kế được thẩm định và phê duyệt. Đoạn kè tại vị trí mái ta luy âm, ta luy dương bị vênh cục bộ, không khớp nối tuyến theo hồ sơ thiết kế gây mất mỹ quan. Vì vậy, cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2018, trong đó có Dự án hoàn thiện hạ tầng Khu Du lịch Biển Hồ.

 

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: H.D
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: H.D

Liên quan tới việc chậm tiến độ của Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú do chậm giải phóng mặt bằng, chiều 13-4, UBND TP. Pleiku đã có buổi đối thoại với các hộ ông Mai Xuân An, ông Mai Xuân Phúc và bà Mai Thị Bích Hà (tổ dân phố 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) để tháo gỡ vướng mắc và thống nhất phương án bồi thường. Theo quan điểm của các hộ, việc thu hồi trên 1.000 m2 đất nông nghiệp và một phần diện tích đất ở có mức bồi thường quá thấp. Kết thúc buổi đối thoại, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Do vậy, tới nay, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Đáng quan tâm là theo kế hoạch, trong năm nay, dự án này phải hoàn thành, nếu không sẽ bị mất vốn.

Trên đây là 2 trong rất nhiều dự án bộc lộ những hạn chế, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành, giải ngân công tác đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết ngày 31-1-2018, khối lượng thực hiện công tác XDCB năm 2017 trên địa bàn tỉnh mới đạt 1.727 tỷ đồng/2.604 tỷ đồng, đạt 66,33% kế hoạch, giải ngân được 1.764 tỷ đồng, đạt 67,75% kế hoạch. Nguyên nhân khách quan là do sự thay đổi, bổ sung một số quy định, cơ chế về quản lý đầu tư, định mức vốn phân bổ từ Trung ương khiến công tác lập thủ tục đầu tư kéo dài, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Song, nguyên nhân chủ quan, theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, là do một số đơn vị thi công hạn chế về năng lực, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thiếu đồng bộ về lập các hồ sơ thanh toán, giải ngân đã gây chậm trễ, ứ đọng vốn; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong quản lý dự án. Cho đến nay, vẫn còn một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân năm 2017 dưới 50%, như: Ban Quản lý Các công trình giao thông 23,76%; Sở Nông nghiệp và PTNT 33,45%; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 11,32%; Sở Y tế 0%...

Năm 2018, kế hoạch vốn cho công tác đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh là trên 3.276,7 tỷ đồng, dùng để đầu tư cho 64 dự án, công trình khởi công mới. Hiện có 23 công trình đang triển khai thi công, 24 dự án đang lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, 8 dự án đang lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 2 công trình đã trình duyệt bản vẽ thi công và dự toán, 7 công trình đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư. Đến đầu tháng 4, khối lượng thực hiện và giải ngân được 246 tỷ đồng/2.846 tỷ đồng, đạt 9%.

“Kết quả trên là vẫn chậm. Vì vậy, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục để sớm triển khai thi công, chậm nhất trước ngày 30-6-2018, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ khối lượng thực hiện và giải ngân đạt 40%. Chúng tôi cũng mong các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, nếu khó khăn, vướng mắc ở đâu thì trao đổi, phản ánh ngay để kịp thời giải quyết, tránh ảnh hưởng tiến độ”-ông Hồ Phước Thành cho biết.

Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được quyết liệt triển khai như: đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư XDCB, tiếp tục triển khai hệ thống một cửa liên thông hiện đại nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án; tăng cường chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến cơ chế, đơn giá bồi thường cho người dân và bố trí quỹ đất để phục vụ công tác tái định cư; kiện toàn bộ máy Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, tăng cường năng lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, phối hợp chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục sớm, bàn giao mặt bằng sạch theo tiến độ dự án; tăng cường công tác thanh-kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.