Gia Lai: Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 12-3, tại TP. Pleiku, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021 và đánh giá thực trạng, củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh. 

Các Trung tâm GDNN và GDTX cần đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn. Ảnh: Ngọc Thu
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Thu

Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục có chức năng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông hệ GDTX của tỉnh có 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)-GDTX và Trung tâm GDTX tỉnh. Trong học kỳ I năm học 2020-2021, căn cứ vào Chương trình Giáo dục phổ thông hệ GDTX, các Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch dạy học các môn học theo đúng quy định.

Kế hoạch dạy học các môn được giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng theo hướng cốt lõi, tinh giản, linh hoạt, chú trọng đến việc lựa chọn khối lượng kiến thức phù hợp với năng lực của người học. Mặt khác, các đơn vị đã chủ động hợp đồng giáo viên từ các trường phổ thông, đảm bảo thực hiện đúng chương trình dạy học. Cuối học kỳ I, hệ GDTX toàn tỉnh có 59 lớp với 1.823 học viên. Kết quả xếp loại học lực của học viên từ trung bình trở lên đạt 94%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về nâng cao chất lượng dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông hệ GDTX, triển khai các biện pháp nhằm tăng cường kiến thức, năng lực cho học viên lớp 12. Đồng thời, nêu thực trạng, khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; việc tuyên truyền, vận động học viên, nhất là đối với học viên dân tộc thiểu số; duy trì sĩ số; sự cần thiết của việc tồn tại các Trung tâm GDTX khi đứng trước nguy cơ giải thể…

Các Trung tâm GDNN và GDTX cần đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn. Ảnh: Ngọc Thu
Các Trung tâm GDNN-GDTX cần đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh. Ảnh: Ngọc Thu


Kết luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Long nêu rõ, các trung tâm cần triển khai các biện pháp để tăng kiến thức, năng lực cho học viên lớp 12; đẩy mạnh sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy học, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.

Đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm GDNN-GDTX, sự tồn tại hay giải thể phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của chính cán bộ quản lý và giáo viên. Thủ trưởng các đơn vị cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất. Mặt khác, cần đẩy mạnh triển khai mô hình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn.

Đối với chính quyền các huyện cần quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của GDTX nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, phát huy năng lực bản thân, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế vùng nông thôn.
 

NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.