Gia Lai: Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ em. Đa số những tai nạn này xuất phát một phần từ tính hiếu động của trẻ và phần nữa là sự chủ quan, bất cẩn của người lớn.
Ngày 12-3, Khoa Ngoại Gây mê-Hồi sức (Bệnh viện Nhi tỉnh) tiếp nhận cấp cứu cho 2 bệnh nhi Đinh Văn Tênh (SN 2008) và Đinh Văn Tem (SN 2010) là anh em ruột, trú tại làng Sơ Rơn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) bị đa chấn thương nghi do mìn nổ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Triều cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thương tích khắp người. Trong đó, cháu Đinh Văn Tem bị nhiều vết thương, gãy hở xương đòn tay phải. Cháu Tênh bị gãy đốt ngón 2,3 bàn tay trái, đa vết thương phần mềm. 
 Sức khỏe 2 bệnh nhi Đinh Văn Tênh và Đinh Văn Tem đã ổn định. Ảnh: N.N
Sức khỏe 2 bệnh nhi Đinh Văn Tênh và Đinh Văn Tem đã ổn định. Ảnh: N.N
Theo lời cháu Đinh Văn Tênh, trưa 12-3, 2 anh em đi chăn bò thuê cho một gia đình cùng xã. Phát hiện một vật lạ, tưởng là đá nên cả 2 cầm lên chơi, ném qua ném lại làm vật này phát nổ. Chị Dông-mẹ của 2 bệnh nhi-buồn bã kể: “Vợ chồng mình có 7 đứa con, cháu nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Nhà thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 4 sào lúa, không đủ ăn. Cách đây 3 tháng, nhà lại không may bị cháy, tài sản bị thiêu rụi. Hiện cả nhà gần 10 người phải sinh sống trong căn lều dựng tạm. Hàng ngày, mình phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, các con ở nhà tự chăm sóc nhau. Lúc 2 cháu gặp nạn, mình đang chặt mía thuê, nghe tin mà rụng rời tay chân”.
Tai nạn của bệnh nhi Khôn (SN 2012, làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) lại đến từ sự bất cẩn. Đêm 14-3, cháu Khôn nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh trong tình trạng choáng, gãy hở đầu dưới 2 xương cẳng chân; gãy 1/3 giữa xương đùi phải. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ngay trong đêm, giúp bệnh nhi ổn định sức khỏe. Ông Huch-ông ngoại cháu Khôn-cho biết: Đêm 14-3, cháu Khôn được cậu chở về nhà bằng xe máy. Trên đường đi không hiểu sao cháu lại xỏ chân vào tăm xe. “Rất may là các bác sĩ đã cứu chữa kịp thời. Gia đình mình cảm ơn nhiều lắm”-ông ngoại Khôn cảm thán.    
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 579 vụ tai nạn thương tích ở trẻ khiến 108 trẻ tử vong; nhiều nhất là đuối nước với 61 vụ khiến 79 trẻ tử vong. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 12 trẻ tử vong.

Trong khi đó, bệnh nhi Nguyễn Quang Quý (SN 2016, thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cũng chịu nhiều đau đớn do bị bỏng. Chị Nguyễn Thị Hưng-mẹ bệnh nhi-kể lại: “Hôm đó là ngày 2-2, mình đang làm việc nhà thì con trai 6 tuổi lén mẹ dắt em đi chơi, rồi sơ ý khiến em bị sụt vào đống tro còn than đỏ. Anh thấy em bị bỏng thì hoảng quá bỏ chạy, em sau đó thoát khỏi đống tro lết đi tìm mẹ trong tình trạng 2 bàn chân bị lột hết da, bỏng nặng. Cháu được chuyển viện vào TP. Hồ Chí Minh và được các bác sĩ lóc da đùi để ghép da 2 bàn chân. Đến nay, sức khỏe cháu đã ổn định. Giờ mình lại tiếp tục cho cháu nhập viện tại Bệnh viện Nhi Gia Lai để kiểm tra, theo dõi vết thương”.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Triều, Khoa Ngoại Gây mê-Hồi sức thường xuyên tiếp nhận nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ, đa số là do tai nạn sinh hoạt như ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước… Đặc biệt vào dịp hè, tai nạn thương tích ở trẻ có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, các gia đình cần có sự quan tâm, chăm sóc trẻ; trong nhà có trẻ nhỏ thì cần sắp xếp các vật dụng sinh hoạt ngăn nắp; dạy trẻ tránh xa những vật dụng có thể gây nguy hiểm, thương tích như: dao, kéo, ổ điện...
Cũng theo bác sĩ Triều, nếu trẻ bị bỏng do nước sôi cần ngâm chỗ bỏng vào nước mát, sạch hoặc để chỗ bỏng dưới vòi nước chảy nhẹ trong 20 phút. Sau đó, cởi bỏ quần áo trước khi phần bị bỏng sưng lên, chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo trẻ nếu quần áo dính vào vết bỏng. Không được lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, dầu cù là, mỡ trăn, bơ, dầu cá, dầu ăn, lòng trắng trứng lên vùng da bỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng. Đối với trẻ bị gãy xương cần cố định xương gãy bằng nẹp… Sau khi sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa, điều trị kịp thời.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.