'Già gân': U.60 mải mê bắt cướp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 3 năm im ắng, 'hiệp sĩ' 55 tuổi Trần Văn Hoàng, người từng lãnh trọn nhát dao chí mạng trên đường phố khi ngăn kẻ cướp giật, tủm tỉm cười: 'Đời tui chỉ có 2 việc: phụ vợ bán hàng và bắt cướp, bỏ sao đành'.
Cách đây 3 năm, “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng trở thành “từ khóa” gây sốt ở Sài Gòn. Sự cố khi giúp người dân bắt cướp năm 2018 của ông và cộng sự là nhóm “hiệp sĩ” Q.Tân Bình đã khiến 2 người chết, 3 người trọng thương, bản thân thì bị đâm tưởng như không qua khỏi.
Những ngày này, trên đường phố Sài Gòn, ở tuổi gần 60, ông Hoàng vẫn giữ nguyên nhiệt huyết và trái tim “thấy chuyện bất bình chẳng tha” cùng những cộng sự trong nhóm “Hiệp sĩ Tân Bình”, tham gia nhiều nhóm “SOS phòng chống tội phạm” liên khu vực từ TP.HCM đến các tỉnh thành khác trong cả nước.

Ông Hoàng (phải) bàn giao tội phạm cho công an. Ảnh: Tư liệu
Ông Hoàng (phải) bàn giao tội phạm cho công an. Ảnh: Tư liệu
“Tổng đài SOS” trên đường phố
“Nếu không chết được thì phải mạnh mẽ hơn”, đó là điều mà ông Hoàng đã truyền cảm hứng cho những người anh em gọi ông là “chú”, là “bố” khi đối đầu với tội phạm.
Cùng lúc giữ đường dây nóng cả trên tin nhắn lẫn điện thoại của các nhóm phòng chống tội phạm tại TP.HCM, 2 chiếc điện thoại của ông Hoàng thường xuyên ở trạng thái sắp hết pin. Nhưng riêng ông thì luôn như cục pin bền bỉ không cần sạc điện. Trên 2 chiếc điện thoại của ông Hoàng, mới vài phút mà hàng loạt tin nhắn “Chú Hoàng ơi cứu con…” liên tục hiện lên. Ông kể tháng 12.2021, nhóm ông hỗ trợ đưa về nhà hàng chục nạn nhân các vụ buôn bán, bắt giữ người trái phép qua Campuchia.
Ở tuổi 55, ông Hoàng vẫn mải mê rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, hễ thấy nghi vấn có tội phạm là ông và cộng sự theo dấu, đeo bám để tóm gọn. Mới nhất trong Tết dương lịch 2022, ông Hoàng giúp một nạn nhân bị móc điện thoại ở chợ Tân Thới Nhất (Q.12).

Điện thoại của ông Hoàng luôn đầy ắp tin nhắn cầu cứu của người bị hại. Ảnh: Lê Vân
Điện thoại của ông Hoàng luôn đầy ắp tin nhắn cầu cứu của người bị hại. Ảnh: Lê Vân
“Nạn nhân báo mất điện thoại có định vị, anh em truy theo đến dãy nhà trọ trên đường Tân Thới Nhất 13 (Q.12). Lúc này đối tượng biết anh em đang truy bắt nên cầm điện thoại trả lại cho nạn nhân đồng thời xin lỗi, và mong tha thứ. Nạn nhân cũng chấp nhận. Anh em thấy đối tượng có hối cải, lại chở theo 2 con còn nhỏ nên chỉ nhắc nhở và không giao công an”, ông Hoàng kể. Trên Facebook cá nhân, ông Hoàng liên tục chia sẻ các vụ việc “không ngờ tới” xảy ra tại TP.HCM mà nhóm ông ngăn chặn được như cách “đá xế”, móc đồ, lừa đảo dàn cảnh trên đường… để người dân cảnh giác.
Đời bắt cướp của ông Hoàng bắt đầu từ năm 1995, khi ông đi đường và thấy người ta la có cướp. “Lúc đó chẳng kịp nghĩ, cứ dí theo, đạp xe ngã rồi đá dao, khống chế đưa 2 tên cướp về công an phường. Thấy việc này cũng “hay hay”, bản thân lại có chút võ luyện từ bé nên sau đấy cứ gặp cướp là dí”, ông kể.
Ông Hoàng quê Bình Định vào Sài Gòn từ những năm 1980, làm nghề chạy xe ôm, xích lô, “thợ đụng” (đụng gì làm nấy). Sau lần đầu tiên tình cờ bắt cướp trên đường, ông Hoàng tiếp tục làm “Lục Vân Tiên” trên đường phố Sài Gòn một mình thêm 10 năm nữa. Tình cờ năm 2010, ông gặp Nguyễn Văn Phúc cũng có “máu hiệp sĩ” nên đã hội tụ các anh em khác khắp TP.HCM lập nhóm “Hiệp sĩ Tân Bình”.
Anh Phúc, năm nay 36 tuổi nhưng có thâm niên 10 năm bắt cướp chia sẻ: “Nhóm Hiệp sĩ Tân Bình chỉ là nhóm nhỏ, ban đầu là hỗ trợ người dân bắt cướp, sau này dựa vào kinh nghiệm, chúng tôi còn giúp người bị hại tìm lại đồ bị trộm, cướp của người dân. Anh Hoàng như đàn anh, bậc cha chú mà các anh em trong nhóm đều rất trân trọng vì đam mê và sự nhiệt thành trong phòng chống tội phạm ở TP”.

Phụ vợ bán nón. Ảnh: Lê Vân
Phụ vợ bán nón. Ảnh: Lê Vân
Đời thường của “hiệp sĩ”
Buổi chiều muộn một ngày đầu tháng 1, bà Nguyễn Thị Xí (55 tuổi) vợ “hiệp sĩ” Hoàng kiên nhẫn ngồi đợi chồng đến phụ thu dọn 2 kệ mũ trưng bán. Ông Hoàng gãi đầu, bối rối xin lỗi bà xã vì lại về trễ. Bà Xí chỉ “nhắc nhẹ”: “Đợi ông từ 6 giờ chiều tới giờ rồi đấy”. Vợ của “hiệp sĩ” dáng nhỏ thó, lui cui cùng chồng lau bụi các loại nón rồi xếp gọn vào thùng. Ông Hoàng bảo: “Bả chưa tới 40 kg nên tôi phải phụ bưng thùng nón, đẩy xe qua đường về nhà trọ. Không có tui thì bả làm một mình cực lắm”.
Một ngày của “hiệp sĩ” Hoàng bây giờ là phụ vợ bán các loại mũ bảo hiểm, mũ chống nắng ở vỉa hè. Sáng, ông giúp vợ đẩy xe hàng rong ra treo bán. Tối, thu về. Thời gian chính trong ngày, ông trực đường dây nóng trên các nhóm mạng xã hội phòng chống tội phạm của TP và liên khu vực.

Ông Hoàng (phải) và cộng sự trẻ trong nhóm “Hiệp sĩ Tân Bình”. Ảnh: Lê Vân
Ông Hoàng (phải) và cộng sự trẻ trong nhóm “Hiệp sĩ Tân Bình”. Ảnh: Lê Vân
Suốt gần 30 năm nay, bà Xí đã quen cảnh chồng “lang thang đi bắt cướp” có khi mấy ngày liên tục không thấy về nhà. Người phụ nữ quê Bình Định nhỏ nhẻ nói: “Ổng đi vậy là bình thường. Nguy hiểm thì xác định mấy mươi năm nay rồi, sau cái đợt suýt chết thì ổng còn mê hơn nên kệ, ổng còn sức thì còn đi. Tui ủng hộ vì việc làm của ổng có ý nghĩa, giúp được cho xã hội, nhất là mấy người bị hại”.
Thêm một cái tết xa xứ của cặp vợ chồng U.60 ở TP.HCM. “Hiệp sĩ” Hoàng bộc bạch: “Gia đình tôi bao lâu nay chưa biết nghỉ đón tết là gì vì kinh tế eo hẹp. Thêm nữa, mình bỏ nhóm bắt cướp thì anh em mất lửa nên dù già nhất cũng ráng phụ anh em được cái nào hay cái ấy”.
Cả nhà làm thiện nguyện
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cả gia đình 3 người nhà ông Hoàng đều “bỏ nhà” đi thiện nguyện tại các bếp ăn, trung tâm từ thiện khắp TP. “Làm ở đó rồi phải ở lại để tránh lây lan dịch. Mệt nhưng vui vì giúp được chút ít cho TP mùa dịch”, bà Xí nói.
Ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng “hiệp sĩ” vẫn thuê 2 phòng trọ nhỏ, một để đồ bán, một để ngủ với giá 4 triệu đồng/tháng. Họ có một người con trai đã có gia đình, cũng thuê nhà ở H.Hóc Môn. Bà Xí kể thêm: “Người ta đồn ổng làm “hiệp sĩ” giàu. Nhưng mãi tới năm 2018, khi ổng bị đâm trọng thương nhờ nhà hảo tâm giúp đỡ mới mua được miếng đất trong hẻm sâu ở Củ Chi. Giờ thì tới đâu hay đó thôi”.
Suốt gần 40 năm sống nhờ vỉa hè, bà Xí là trụ cột gia đình vì ông Hoàng làm “thợ đụng” ai kêu gì làm nấy nên thu nhập không ổn định. Ông lại thêm cái “nghiệp” bắt cướp rước vào thân nên lúc nào cũng bận rộn với mấy cái điện thoại trong túi. Phương tiện bắt cướp của ông là chiếc xe trầy trụa, căm, vành xe méo liên tục vì té khi rượt đuổi cướp. Vậy mà cứ nghe tin báo là ông lên đường. Ông Hoàng tâm sự: “Nếu ai cũng sợ, xem đó không phải việc của mình thì những người bị hại sẽ cô độc lắm. Có lúc tôi đã muốn dừng lại bên lề đường này, chỉ tập trung phụ vợ bán hàng rong qua ngày. Nhưng tính đi tính lại, cuộc đời tôi có ý nghĩa và niềm vui mỗi ngày chính là nhờ hai tiếng “hiệp sĩ” mà bà con thương tặng bấy lâu nay”.
(còn tiếp)
Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.