Hơn 40 năm bám Hoàng Sa, lão ngư Lê Văn Chiến (SN 1966, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) xem tàu là nhà và biển là quê hương. Đối với ông, chừng nào còn sức khỏe là ông còn cầm lái đưa tàu cá vươn ra Hoàng Sa đánh bắt, góp phần bảo vệ ngư trường của Tổ quốc.
Một ngày cuối tháng Chạp, thuyền trưởng Lê Văn Chiến tất bật trên chiếc tàu cá của mình, con tàu ĐNa 90351 đang neo đậu ở bờ sông Hàn, TP Đà Nẵng. Ông Chiến một mình sơn sửa, tân trang, sắp xếp ngư lưới cụ để sẵn sàng cho chuyến đi biển đầu năm Tân Sửu.
Theo dự định, mùng 10 Tết, ông sẽ cầm lái con tàu ra khơi đánh bắt cùng với khoảng 10 thuyền viên được tìm từ các tỉnh bạn.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến đang tu sửa lại con tàu khi nằm bờ để chờ chuyến biển đầu năm |
Những chuyến đi biển khiến người đàn ông 55 tuổi đen sạm vì nắng, gió. Gương mặt gằn lên vẻ khắc khổ nhưng đầy can trường. Ông vốn là một lão ngư có tiếng, vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm trong các thế hệ thuyền trưởng ở miền Trung. Vốn sinh ra trong gia đình có 3 đời bám biển, năm 13 tuổi, ông Chiến đã theo các bạn tàu ở làng biển Xuân Hà, Thanh Khê ra khơi.
Học hỏi kinh nghiệm từ ông nội và cha, ngư dân Chiến nhanh chóng thuần thục nghề biển và tập làm thuyền trưởng. 21 tuổi, lần đầu ông Chiến cầm lái và đưa tàu cá đánh bắt ở Hoàng Sa và trở thành vị thuyền trưởng trẻ tuổi nhất so với những ngư dân thời ấy ở làng biển Xuân Hà.
Ông đang tự tay sơn lại con tàu của mình. Vừa là chủ tàu, ông vừa là thuyền trưởng |
"Lần đầu làm thuyền trưởng biết bao hồi hộp và thú vị đan xen. Cái khó của thuyền trưởng là làm thế nào để mỗi chuyến biển luôn trở về đầy cá" – ông Chiến nói.
Kinh nghiệm nhiều năm tích lũy, ông Chiến biết được những luồng cá và bủa lưới đúng thời điểm. "Đường đi, hướng và luồng cá là những điều mà thuyền trưởng phải xác định đúng. Ngư trường Hoàng Sa là nơi dồi dào cá tôm bởi con cá sinh ra ở đảo, nơi có nhiều san hô" – ông Chiến phân tích.
Đối với các bạn tàu và những thuyền trưởng trong vùng, ông Chiến được mệnh danh là vị thuyền trưởng "sát" cá. Những nơi ông quyết định bủa lưới đều bách phát bách trúng. Gần đây, tàu cá của ông được lắp thiết bị dò ngang nên việc xác định luồng cá cũng được thuận lợi hơn nhiều.
Vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm này đã làm chủ con tàu ra Hoàng Sa từ năm 21 tuổi |
Nói về Hoàng Sa, vị thuyền trưởng này luôn ánh lên vẻ thân thuộc và tự hào. Hơn 40 năm bám biển cũng là từng ấy thời gian ông gắn bó với ngư trường này. "Với tôi biển là quê hương thì Hoàng Sa đã là phần máu thịt. Đôi lúc tàu của chúng tôi có bị phía Trung Quốc xua đuổi nhưng không vì thế mà sờn lòng" – thuyền trưởng Chiến nhấn mạnh.
Những lúc đối mặt với khó khăn, ngư trường cạn kiệt, tàu lạ xua đuổi… đều không làm nản lòng vị thuyền trưởng can trường này. Ông nói, không đi biển thì ông rất nhớ.
Đối với ngư dân Lê Văn Chiến, ra Hoàng Sa vừa là để mưu sinh và cũng là để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc |
Các năm trước, mỗi năm, ông lênh đênh trên biển khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 đến 25 ngày. Vài năm trở lại đây, khi tìm bạn tàu gặp khó vì nhiều ngư dân bỏ nghề, ông chỉ còn 5 đến 6 chuyến/ mỗi năm.
"Giờ tìm bạn tàu khó lắm, mỗi chuyến đi tôi phải chạy vào tận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để kêu bạn. Đủ người hoặc thiếu ít mới có thể chạy chuyến. Khan hiếm lao động nên nhiều chủ tàu cũng nản lòng. Riêng tôi thì luôn cố gắng duy trì ít nhất 5 đến 6 chuyến mỗi năm. Bởi vì ở nhà cũng không biết làm gì mà nhớ biển đôi khi lại sinh bệnh. Với lại nghề này nuôi mình mà, sao bỏ được" – thuyền trưởng Chiến cười hiền. Mỗi lúc ở nhà rảnh rỗi, ông lại tìm cớ ra tàu, dọn cái này, dẹp cái kia để tận hưởng cảm giác bấp bênh trên sóng.
Ông Chiến đã có hơn 40 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa |
Ông Chiến có 4 người con gái, chính vì vậy mà ông không có người nối nghiệp. "Hơi tiếc một chút nhưng nếu tôi có con trai và nếu nó chọn lựa, tôi sẽ dạy cho nó nghề biển. Cực, khổ lắm nhưng biển cần có thuyền, cần những người bám biển để giữ vững ngư trường" – ông Chiến tâm sự. Hai em trai của ông Chiến cũng thường sát cánh, là bạn tàu trong những chuyến biển dài ngày.
Không chỉ là thuyền trưởng giỏi nghề, can trường, ông còn là một lão ngư dũng cảm, sẵn sàng giúp đỡ tàu bạn khi gặp khó khăn. Tháng 3-2008, tàu ông Chiến đã cứu tàu của ông Phạm My Em (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khi tàu này bị cháy bình gas, đe dọa tính mạng của hơn 10 thuyền viên. Năm 2013, ông lại lập chiến tích khi lai dắt thành công tàu của ông Hồ Tấn Phước (quận Thanh Khê) khi tàu này bị chết máy ngoài khơi. Ông còn tham gia hỗ trợ tàu cá của bà Huỳnh Thị Như Hoa khi tàu này bị Trung Quốc đâm chìm vào năm 2014.
Đối với ông, cứu giúp tàu bạn cũng chính là giúp mình trên mỗi chuyến biển đầy gian nan. "Mình giúp người ta thì mai mốt mình gặp nạn sẽ có người khác giúp mình. Chính vì vậy mà chúng tôi khai thác theo tổ đội. Hiện nay mỗi tổ đội là khoảng từ 5 đến 6 tàu cá, luôn giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Đó là cách chúng tôi yên tâm bám biển" – ông Chiến trải lòng.
Công dân tiêu biểu của Đà Nẵng Năm 2016, dịp kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc Trung ương, ông Chiến được chọn là 1 trong 20 công dân tiêu biểu nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Thành tích trên là nhờ nhiều năm liền, ông can trường trên "mặt trận" đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bám trụ Hoàng Sa. Ông còn vinh dự 2 lần nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Trung ương Hội Nông dân. |
Theo BÍCH VÂN (NLĐO)