Gặp nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 52 năm, chỉ trong vòng 27 ngày, bà Nguyễn Thị Thu cùng đồng đội đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 15 máy bay của quân đội Mỹ.

Ký ức hào hùng

Bà Nguyễn Thị Thu sinh năm 1948 tại xã Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), hiện cư trú tại thôn 6 (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh). Năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Thị Thu tham gia tổ thanh niên xung phong trực súng máy và đánh phòng không do Xã đội Kỳ Phương thành lập gồm 13 người cả nam lẫn nữ. Đến năm 1967, tổ chia tách thành Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương với 9 người và tổ nam đánh tàu khu trục gồm 4 người.

 Bà Nguyễn Thị Thu-xạ thủ bắn rơi máy bay của Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Nguyễn Tú
Bà Nguyễn Thị Thu-xạ thủ bắn rơi máy bay của Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Nguyễn Tú


Thời điểm đó, Kỳ Phương là địa bàn quan trọng nên đế quốc Mỹ ra sức đánh phá hòng chiếm lĩnh. Sau khi thành lập, Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương do Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên chỉ huy được biên chế 1 khẩu trung liên đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù. Đến năm 1968, Tiểu đội được biên chế 3 khẩu súng 12,7 mm để bắn máy bay địch.

“Lúc này, quân số của đơn vị tăng lên 12 người, chia thành 3 tổ súng máy đặt ở cùng trận địa. Tôi là xạ thủ số 1. Trước khi ra trận địa chiến đấu, chúng tôi được bộ đội chính quy về hướng dẫn cách bắn súng. Họ phát cho 3 viên đạn vạch đường rồi thả dù bay lên để chúng tôi ngắm bắn. Sau nhiều lần bắn trúng đích, chúng tôi ra trận địa thực chiến. Chúng tôi bố trí rất nhiều trận địa nhưng chủ yếu là ở đồi núi cao ven biển hoặc gần đèo Ngang”-bà Thu nhớ lại.

Bắt đầu từ tháng 7-1968, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay đánh phá miền Bắc và miền Trung. Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương và các lực lượng khác cũng bắt đầu tổ chức đánh máy bay địch. Bà Thu kể: “Với chiến thuật “bắn chẻ đầu”, từ ngày 26-7 đến 21-8-1968, chúng tôi trực tiếp bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 12 máy bay. Sau đợt này, Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tác giả Ngô Thục đã viết tiểu thuyết mang tên “Lửa chân sóng” về đơn vị chúng tôi”.

Sau khi được phong tặng danh hiệu cao quý, Tiểu đội tiếp tục di chuyển qua nhiều trận địa ở huyện Kỳ Anh để đánh Mỹ. Năm 1972, Tiểu đội tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 7 máy bay AD6 và 1 trực thăng. “Thời đó, chúng tôi chịu nhiều gian khổ. Có lần chuẩn bị trận địa trên đồi Cụp Bưởi thì mưa lớn, nước ngập hết hầm hào công sự, ướt hết áo quần. Tuy vậy, chúng tôi vẫn lót lá ngồi cho tới sáng để canh máy bay địch. Một lần khác ở đồi cát xóm Ngâm, trận địa bị lộ, máy bay địch bắn xối xả khiến nhiều người bị thương. Chúng tôi may mắn rút kịp thời nên không có hy sinh. Tôi cũng bị thương ở trận này”-bà Thu kể.

Trong bữa cơm tối với gia đình, bà Thu gọi điện thoại cho bà Tưởng Thị Diên để ôn lại những kỷ niệm một thời chung lưng chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược. Trò chuyện qua điện thoại với chúng tôi, bà Diên cho biết: “Tôi, chị Thu và 10 người nữa là thành viên Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 10-1971. Đầu năm 1969, tôi được cử ra Hà Nội để báo công với Bác về những thành tích của tiểu đội. Hiện nay, chị em vẫn thường xuyên liên lạc, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống”.

Góp sức xây dựng quê hương mới

Sau ngày giải phóng, Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương giải thể. Người ở lại góp sức xây dựng quê hương, người chuyển vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

 Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương ra trận địa chiến đấu chống giặc Mỹ (ảnh tư liệu).
Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương ra trận địa chiến đấu chống giặc Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Năm 1984, gia đình bà Thu chuyển vào xã Ia Nhin làm công nhân Công ty Cà phê Ia Sao. “Lúc mới vào, cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi phải gỡ bom mìn sót lại sau chiến tranh để khai hoang trồng cà phê, hoa màu. Những năm sau, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn nhờ các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học tử tế”-ông Nguyễn Viết Hiển (chồng bà Thu) nhớ lại.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, vợ chồng bà Thu giờ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Cả 6 người con của ông bà đều trưởng thành, có công việc ổn định. Ông Nguyễn Trọng Phương-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Nhin-cho hay: “Vợ chồng bà Thu là hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Trong quá trình sinh sống tại địa phương, gia đình bà luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gia đình bà Thu có nhiều đóng góp cho địa phương, nơi cư trú và là tấm gương trong việc nuôi dạy con cháu”.

 

 HOÀNH SƠN-MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…