Gặp lại Thu Thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gặp lại Thương ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vẫn lọt thỏm trên chiếc xe lăn và có vẻ... chải chuốt hơn mọi ngày, Thương điểm thêm chút phấn son tươi tắn.

Chị vừa vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2017 tôn vinh những tình nguyện viên cống hiến vì cộng đồng, xã hội.

Nguyễn Thị Thu Thương (34 tuổi, giám đốc Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương Handmade) vẫn như xưa, tính từ ngày xuất hiện trong bài viết "Khát vọng của Thu Thương" đăng trên báo Tuổi Trẻ hơn ba năm trước: cao 80cm, nằm trên xe lăn và chưa bao giờ tự đi được trên đôi chân của mình.

Thương cười tươi rói, hài hước: "34 tuổi, hết tuổi dậy thì rồi, không cao thêm được nữa đâu!".

 

Thương phải nằm trên xe lăn nhưng vẫn điều hành tốt trung tâm của mình.
Thương phải nằm trên xe lăn nhưng vẫn điều hành tốt trung tâm của mình.

Tự tin bước ra đời

Nhận xong giải thưởng Tình nguyện quốc gia, Thương cùng em gái quày quả về hội chợ ở Q.Tây Hồ (Hà Nội). Nhân viên của Thương đang bày bán các mặt hàng như thiệp, bông tai, tranh giấy kết hợp in, tranh phố giấy cuốn, hộp trang sức, hộp đựng giấy, hộp đựng bút... làm thủ công bằng chất liệu giấy.

Nhiều vị khách nước ngoài ghé thăm gian hàng, vui vẻ mua những chiếc thiệp xinh xắn hay bông tai lạ mắt làm quà tặng cho dịp Giáng sinh đang gần kề. Tụi trẻ con tò mò về các chị bán hàng nhỏ xíu, chiều cao chỉ bằng đứa trẻ nên đòi mẹ đến xem hàng.

Thương kiên nhẫn ngồi trên xe lăn giữa cái lạnh Hà Nội, nở nụ cười với những vị khách trẻ con.

"Tôi đến quan sát cách bán hàng của các em như thế nào để về lại trung tâm sẽ có lời khuyên, góp ý giúp các em bán hàng kinh nghiệm hơn. Tôi cũng đến xem trực tiếp tại các hội chợ, học hỏi kinh nghiệm từ các gian hàng khác để nâng cao tay nghề" - Thu Thương chia sẻ.

Hoàng Phương Thảo (23 tuổi, quê ở Tuyên Quang) - nhân viên của Thương - có thời gian dài gắn bó với Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương Handmade.

Thảo dáng người nhỏ thó, trên lưng phải gánh một khối u to kéo tấm lưng còng xuống. Thảo lúc sinh ra thì bình thường, ba tháng sau sinh bị mọc một chiếc mụn sau lưng và sốt cao. Từ chiếc mụn nhỏ xíu lan dần thành cái u lớn.

"Hai năm ở trung tâm, mình nhận ra nhiều điều, rèn tính kiên trì, được giao lưu với bạn bè, đứng trên sân khấu ca hát. Mình tự tin hơn nhiều" - cô nói.

Cạnh đó là chị Mai Thị Yến (28 tuổi) cao chưa đầy 1m. Hai tháng trước Yến lặn lội từ Hà Giang xuống trung tâm học việc.

"Mình muốn bước ra xã hội, khám phá nhiều thứ mới mẻ. Cha mẹ có lo lắng, phản đối vì sợ mình đi xa ốm đau, không ai chăm sóc. Nhưng xuống trung tâm, anh chị em thân thiện như nhà mình ở thôi. Mình bắt đầu học từng chút một và sản phẩm đầu tiên mình làm ra là tranh chùa Một Cột" - chị Yến trải lòng.

Thu Thương chen ngang vào: "Em nó vừa có tháng lương đầu tiên đó". Yến thẹn thùng: "Chỉ 1 triệu đồng thôi, mình mới vào nghề mà. Nhưng mình sẽ cố tích cóp thêm để cuối năm về quê, kiếm thêm nhiều tiền để mổ tay, đi khám nhiều nơi rồi nhưng không ra bệnh".

Xương không lành nhưng tâm rộng mở

Hỏi han về sức khỏe, cô gái xương thủy tinh thản nhiên: "Vẫn như xưa thôi, cử động mạnh là xương gãy. Dạo này tôi còn yếu thêm vì bị viêm phổi mãn tính". Mọi sinh hoạt của Thương vẫn nhờ sự trợ giúp của người mẹ và em gái.

Thương nhớ lại cơ duyên giúp chị mạnh mẽ thành lập trung tâm: "Ai cũng nghĩ người khuyết tật cần gì phải làm, có bố mẹ nuôi. Nhưng nhìn thấy mẹ làm việc vất vả mà luôn chiều theo ý thích của mình, tôi nhận ra đó là mồ hôi, nước mắt của mẹ. Tôi có xem một chương trình việc làm của người khuyết tật tự kiếm sống, nó thúc đẩy tôi muốn kiếm sống như mọi người".

Nghĩ là làm. Thương học nghề, tự tay làm được đèn chụp, lọ hoa... Dù sản phẩm đầu tiên chưa bán được, chưa ai biết Thương là ai nhưng chị thấy vui vì mình có thể làm việc. Chị đem những sản phẩm đó để trao tặng cho những người mình yêu thương.

Thương không chịu ngồi yên một chỗ, hễ ở đâu có hội chợ là Thương tìm đến với mong muốn quảng bá sản phẩm của trung tâm ra thị trường, đến đông đảo khách hàng. Cái tên Thương Thương Handmade hiện nay đã nổi đình nổi đám trên các trang mạng xã hội với nhiều sản phẩm bắt mắt.

Ngoài làm các sản phẩm thủ công, cô gái xương thủy tinh còn dành dụm, tích góp tiền để mỗi năm đến với nhiều cảnh đời nghèo khó như chương trình "Mùa đông không lạnh", chương trình góp quỹ giúp đỡ trẻ em ung thư, trẻ mồ côi.

Cô gái xương thủy tinh với nghị lực phi thường tâm tình: "Tôi làm mọi việc xuất phát từ bản thân mình là người khó khăn từng được sinh viên tình nguyện, mạnh thường quân và những người xung quanh giúp đỡ.

Tôi lập trung tâm với mong muốn quay lại giúp đỡ những người như mình, giúp các bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là cách để tôi trả ơn lại những người đã giúp đỡ mình", Thu Thương mỉm cười.

Chặng đường kế tiếp, Thương mong có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc nhằm mang lại thu nhập tốt hơn cho các bạn trẻ. Năm sau cô gái còn dự tính mở thêm một xưởng thủ công để sản phẩm tiếp cận rộng và tốt hơn với khách hàng, có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.

 

Không bỏ lại ai ở phía sau

Thương vỡ òa hạnh phúc trong niềm vui cuối năm: là một trong bảy gương mặt tình nguyện viên xuất sắc được vinh danh với giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2017.

Bà Akiko Fujii - phó giám đốc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, phụ trách chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - nhấn mạnh các tình nguyện viên được vinh danh là những tình nguyện viên xuất sắc trong việc góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc dựa trên nguyên tắc: Không bỏ lại ai ở phía sau.

Thương Thương là yêu thương nhiều hơn


Thiệp, hộp đựng giấy, tranh in phố, bông tai... bắt mắt do chính đôi tay của các bạn trẻ Thương Thương Handmade làm ra.
Thiệp, hộp đựng giấy, tranh in phố, bông tai... bắt mắt do chính đôi tay của các bạn trẻ Thương Thương Handmade làm ra.
Sau bốn năm thành lập Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương Handmade, cô gái xương thủy tinh Thu Thương gắn mình với chiếc xe lăn đã làm nên điều kỳ diệu: tạo việc làm thường xuyên cho 18 số phận khuyết tật, cũng là nơi họ nương náu, đỡ đần nhau.

Tại trung tâm, các bạn đến đây được hỗ trợ 80% chi phí sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ chỗ nghỉ và chỉ đóng 300.000 tiền ăn/tháng, mức lương được trả công theo sản phẩm làm ra. Tết đến còn có tháng lương 13.

Họ từ tứ xứ đến trung tâm với nhiều dạng tật và căn bệnh khác nhau, họ gọi nhau là chị em, yêu thương nhau như người một nhà.

"Tên của tôi là Thu Thương. Nhưng tôi quyết định đặt tên cho nhóm là Thương Thương Handmade, là thương yêu nhiều hơn. Tôi mong các em ở trung tâm yêu thương nhau, cùng nhau có cuộc sống tốt đẹp nhờ sản phẩm do chính đôi tay các em làm ra" - Thu Thương nói.

Hà Thanh/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.