Gặp huấn luyện viên đua thuyền làng Lung Leng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ lâu, tôi từng nghe tiếng đội đua thuyền làng Lung Leng, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), nhưng không rõ ai là người có công đưa đội đua thuyền của làng thường giành giải Nhất trong Hội đua thuyền hàng năm do tỉnh tổ chức. Khi nghe tôi tìm hiểu, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thuận liền nói ngay: Đi gặp A Lưới - tay đua cự phách và huấn luyện viên nổi tiếng của đội đua thuyền độc mộc làng Lung Leng.

Chiều cuối năm nắng ươm vàng, bà con Gia Rai ở làng Lung Leng tất bật thu hoạch mì trên rẫy. Đang thu hoạch mì, nhưng nghe cán bộ xã điện thoại có nhà báo từ tỉnh về tìm hiểu đội đua thuyền độc mộc làng Lung Leng, A Lưới không nề hà, liền gác lại công việc để về nhà.

Ngồi đợi trước hiên nhà A Lưới, trong thâm tâm tôi cứ nghĩ người cầm trịch, huấn luyện đội đua thuyền độc mộc làng Lung leng chắc là già làng quắc thước, không ngờ lại là trung niên, dáng người rắn rỏi, khuôn mặt góc cạnh nhưng dễ gần. Tươi cười chào khách, A Lưới đon đả: Mình đang thu hoạch mì. Ngày mùa, bận quá. Mong nhà báo thông cảm!

Pha trà mời khách, gạt giọt mồ hồi trên khuôn mặt rám nắng vì bụi đất, A Lưới chậm rãi kể: Người Gia Rai làng Lung Leng từ bao đời nay quen với sông nước. Làng gần ngã ba sông, là nơi hợp nhất giữa sông Đăk Bla và sông Pô Kô. Từ bao đời nay, người dân ở đây dùng thuyền độc mộc để qua lại, vận chuyển nông sản và đánh bắt cá trên sông. Trong làng, có nhiều hộ gia đình có thuyền độc mộc và nhiều người biết đẽo thuyền. Ngoài thuyền độc mộc, người dân còn sắm thuyền tôn, thuyền nhựa composite để sử dụng trên sông nước.


 

Không chỉ nắm vững bí quyết đẽo thuyền thành thạo, A Lưới còn có tài huấn luyện đội đua thuyền của làng Lung Leng. Ảnh: V.N
Không chỉ nắm vững bí quyết đẽo thuyền thành thạo, A Lưới còn có tài huấn luyện đội đua thuyền của làng Lung Leng. Ảnh: V.N


Gắn bó với sông nước, từ ngày còn là thiếu niên, A Lưới cùng bạn bè đồng trang lứa đã biết chèo thuyền độc mộc vận chuyển nông sản, đua thuyền trên sông nước để vui chơi hay theo người lớn học đẽo thuyền. “Ngày trước, cây to trên rẫy hay dọc bờ sông, suối còn nhiều, dân làng chặt cây đẽo thuyền. Mình không nhớ chính xác đã đẽo bao nhiêu thuyền, có lẽ trên chục thuyền độc mộc rồi!”- A Lưới bộc bạch.

Chỉ vào mấy cái thuyền độc mộc đang để dưới gầm nhà sàn, A Lưới cho rằng, thuyền độc mộc của người Gia Rai ở làng Lung Leng lướt nhanh trên sông nước là nhờ nghệ thuật đẽo thuyền. Để thuyền lướt nhanh, gỗ đẽo thuyền được dân làng chọn là gỗ sao, bằng lăng, bò ma… Các loại gỗ này thường nhẹ. Trong các loại trên, gỗ sao làm thuyền độc mộc là tốt nhất vì chịu được mưa nắng; gỗ bò ma, bằng lăng muốn làm thuyền độc mộc thì phải ngâm nước cho thật lâu, thật kỹ (lấp dưới bùn nước sông)… thuyền mới bền.

Mới nhìn thuyền độc mộc của người Gia Rai ở làng Lung Leng, tôi không thấy gì khác so với thuyền độc của đồng bào DTTS ở làng khác. Như hiểu được ý tôi, A Lưới phân trần: Có khác nhiều đó! Kinh nghiệm đẽo thuyền của người làng Lung Leng là đầu trước thuyền độc mộc cao hơn, nhỏ và mỏng hơn sau để khi chèo thuyền lướt nhanh và khó bị lật.

“Sau khi đẽo xong, dân làng đem thuyền xuống nước kiểm tra lại độ thăng bằng. Nếu thuyền nghiêng bên nào, thì gọt bớt bên đấy, đến khi nhìn thấy thuyền thăng bằng là được. Thuyền đẽo không dày quá và không mỏng quá. Nếu để gỗ thuyền dày quá, thuyền nặng, lòng thuyền hẹp bất lợi; mỏng quá, thuyền không đảm bảo độ bền”- A Lưới không giấu bí quyết.

Trước đây, dân làng thường vào rừng chọn gỗ sao to trong rừng đẽo thuyền. Muốn đẽo một cái thuyền, già làng thường dẫn 15-20 người vào rừng chọn gỗ và xin “thần rừng” hạ cây rừng. Cây sau khi được đốn hạ, dân làng đẽo sơ qua và dùng lăn, dây kéo gỗ về làng. Và phải mất 2- 3 ngày sau, dân làng mới đẽo xong một cái thuyền độc mộc.


 

 Những huy chương A Lưới giành được trong các lễ hội đua thuyền hằng năm. Ảnh: VN
Những huy chương A Lưới giành được trong các lễ hội đua thuyền hằng năm. Ảnh: VN


Ngày nay, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, dân làng không vào rừng chặt cây mà thường chọn cây bò ma, bằng lăng, sao… trên rẫy cũ còn giữ lại để đẽo thuyền. Tuy nhiên, các loại cây này trên rẫy cũ cũng ngày càng hiếm, nhất là cây gỗ sao lại càng khó tìm. Việc đẽo thuyền ngày trước dân làng chủ yếu dùng rìu, bây giờ dùng cưa máy cưa theo hình dáng thuyền, sau đó dùng xe máy hoặc xe công nông vận chuyển gỗ về nhà đẽo lại bằng rìu nên không tốn nhiều công sức như trước.

Không chỉ nắm vững bí quyết đẽo thuyền thành thạo, A Lưới còn có tài huấn luyện đội đua thuyền của làng.

Là người có uy tín, nói đi đôi với làm nên A Lưới luôn được dân làng nể trọng. Để đội đua thuyền của làng tham gia Hội đua thuyền hàng năm giành giải cao, A Lưới huy động thanh niên, trung niên khỏe mạnh tham gia. Và trước khi thi đấu, A Lưới lựa một số thuyền tốt nhất và trực tiếp huấn luyện các thành viên trong đội đua thuyền để mọi người chèo đều tay, thuyền lướt nhanh nhất.

Được A Lưới dẫn dắt luyện tập, khơi dậy tinh thần thể thao, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đội thuyền độc mộc làng Lung Leng như được tiếp thêm sức mạnh, hừng hực khí thế và quyết tâm chiến thắng. Và trong các lễ hội đua thuyền độc mộc được tỉnh tổ chức trên sông Đăk Bla từ năm 2001 đến trước khi xảy ra dịch Covid-19 trong dịp xuân, đội thuyền độc mộc làng Lung Leng luôn giành giải cao, thường là giải Nhất, năm nào không may mắn thì cũng giải Nhì. Ngoài giành giải Nhất hoặc Nhì tập thể, nhiều thành viên trong làng Lung Leng đoạt giải cao trong lễ hội. Riêng A Lưới đoạt 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng nội dung đua thuyền cá nhân.

Tự hào về đội đua thuyền làng Lung Leng, anh Nguyễn Thanh Tâm – cán bộ văn hóa – thông tin xã Sa Bình chia sẻ: Thuyền độc mộc thường gắn với sinh hoạt và giá trị truyền thống của người dân. A Lưới là một trong những người giỏi đẽo thuyền, huấn luyện viên đua thuyền có tài, có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống đua thuyền trên sông nước.

Nhớ về Hội thi đua thuyền độc mộc hàng năm, A Klu- bạn A Lưới lại thấy lòng rạo rực: Không biết dịp Xuân mới năm đến đây, UBND tỉnh có tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla nữa hay không? Nếu tổ chức, tôi sẽ cùng A Lưới và các thành viên trong đội đua thuyền của làng Lung Leng tiếp tục tham dự, góp phần giữ gìn một nét đẹp văn hóa trên sông.

Đánh giá cao A Lưới, nhưng điều làm già làng A Rỉh làng Lung Leng trăn trở là sau khi nghệ nhân đẽo thuyền A Nho ở làng mất (do già yếu), trong làng chưa có ai được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân thay thế. Chính vì vậy, A Rỉh và nhiều người dân trong làng mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, phong tặng nghệ nhân đẽo thuyền cho A Lưới, A Klu, A Krái… để tiếp tục động viên dân làng giữ nghề và nét đẹp văn hóa đua thuyền ở địa phương.    

“Trăn trở của già làng A Rỉh và người dân làng Lung Leng được Đảng ủy, UBND xã Sa Bình ghi nhận và sẽ kiến nghị lên cấp trên khi có dịp”- Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thuận bày tỏ.



https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/gap-huan-luyen-vien-dua-thuyen-lang-lung-leng-22088.html

Theo VĂN NHIÊN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.