Gập ghềnh con chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 36 hộ dân sinh sống, làm rẫy trên núi Cheng Leng (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã di dời nhà cửa về định cư tại làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) từ cuối năm 2018. Nhưng gánh nặng áo cơm cùng nhận thức chưa đầy đủ về dịch bệnh khiến nhiều phụ huynh chưa thiết tha với chuyện học hành của con em mình. Việc đến trường học con chữ của đám trẻ Cheng Leng vì thế cứ gập ghềnh, trắc trở. 
Chỉ còn 1/3 học sinh đến trường
Tiết học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 4A Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tiểu học Nay Der diễn ra khá sôi nổi, nghiêm túc và đảm bảo quy định phòng-chống dịch Covid-19. Trong lớp này có 4 học sinh ngày trước sống trên núi Cheng Leng gồm các em: Ksor Kiệt, Ksor Yi, Ksor H’Khu và Ksor H’Khoan. Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Lý ra đề bài tả một con vật nuôi của gia đình. Em Ksor Kiệt tự tin xung phong lên bảng trả bài và được cô giáo biểu dương. Bài làm của các em Ksor Yi, Ksor H’Khu, Ksor H’Khoan cũng được cô chủ nhiệm lớp ngợi khen. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt các em. Ksor Kiệt hồ hởi kể: “Em xuống núi đi học lớp 1 từ đầu năm học 2018-2019. Cứ đầu tuần, bố mẹ chở em xuống núi rồi được xe công nông của xã chở đến trường ở nội trú, cuối tuần mới về nhà. Sau khi gia đình dời nhà xuống đây ở thì em được bạn chở đi học bằng xe đạp. Em thích đến trường lắm và sẽ chăm chỉ học để được cô giáo khen nhiều hơn. Sau này, em ước mơ trở thành thầy giáo để dạy chữ cho các em nhỏ ở làng”.
Tiếng trống tan trường vừa điểm, đám trẻ ùa ra sân chơi với bạn. Không gian rộn rã tiếng cười. Khoảng 15 phút sau, 4 em cùng tề tựu ở căn bếp của trường ăn bữa trưa. Nghe tôi hỏi bữa cơm ngon không, cả 4 em đồng thanh đáp ngon và cười vui vẻ. “Bữa cơm bán trú ở trường có nhiều món ngon. Không như hồi ở trên núi, chỉ có cơm với rau rừng, cá khô. Hiện ở nhà em cũng hiếm khi được ăn cơm có thịt lắm. Nhà trường còn cho thêm áo quần, xe đạp nên em rất thích đi học”-em Ksor H’Khoan bộc bạch.
Một giờ học của học sinh lớp 4A Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tiểu học Nay Der. Ảnh: Hoành Sơn
Một giờ học của học sinh lớp 4A Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tiểu học Nay Der. Ảnh: Hoành Sơn
Trò chuyện với tôi, cô Lý chia sẻ: “Thời gian đầu, nhà trường tiếp nhận 12 học sinh trên núi Cheng Leng có độ tuổi từ 6 đến 12 nhập học. Vì các em nhút nhát, nói tiếng phổ thông chưa sõi nên chúng tôi bố trí lớp học riêng. Dần dần, các em đã mạnh dạn giao tiếp với bạn bè trong trường, học hành tiến bộ hơn. Thế nhưng, đến năm học này, 8 em đã nghỉ học do ngại lớn tuổi và gia đình lo lắng bị nhiễm bệnh Covid-19. 4 em đang theo học tại trường hiện nay đều rất ngoan, siêng năng, hòa đồng với bạn bè”.
Hiệu trưởng nhà trường Hồ Thị Năm thông tin thêm: So với các bạn trong lớp, lực học của 4 học sinh Cheng Leng có phần yếu hơn. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình các em khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến. Phần nữa là do sống tách biệt trên núi thời gian dài nên một vài em còn tâm lý tự ti. Tuy nhiên, từ khi học tập trung trở lại, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức với mục tiêu giúp các em học hành tiến bộ.
Nỗ lực tiếp sức
Phải nhắc lại để thấy rằng việc đưa được các em nhỏ trên núi Cheng Leng đến trường là cả một kỳ tích của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp chính quyền trong tỉnh. Do thiếu đất sản xuất, năm 1990, 36 hộ dân ở các làng: Dlâm, Hek, Trớ (xã Chư A Thai) đã kéo nhau lên núi Cheng Leng lập làng. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn của bố mẹ, chuyện học chữ của đám trẻ bị bỏ lơ. Đầu năm 2018, cán bộ UBND xã Chư A Thai và giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der lặn lội đêm hôm lên núi hàng chục lần mới vận động được 12 trẻ xuống núi nhập học. Đầu năm học 2018-2019, cứ sáng thứ hai hàng tuần, phụ huynh băng rừng chở học sinh xuống chân núi, UBND xã thuê xe công nông chở các em đến trường học theo hình thức nội trú; chiều thứ sáu, phụ huynh xuống đón con về.
Khi các hộ dân trên núi Cheng Leng dời xuống làng Hek định cư, nhà trường loay hoay trong việc có duy trì chế độ nội trú hay không. Rồi mọi việc cũng được sắp xếp ổn thỏa, đám trẻ tiếp tục đến trường học chữ. Vậy nhưng, sau gần 5 năm, 8/12 em đã không đến trường học nữa mà theo cha mẹ lên núi làm rẫy dù nhà trường, UBND xã tìm mọi cách vận động, thuyết phục. Mới đây, đoàn công tác do Chủ tịch UBND xã Chư A Thai Phùng Trung Toàn đi bộ ngược núi gần 3 tiếng đồng hồ vận động người dân cho trẻ trở lại trường học mà phải về tay không trong đêm khuya. Cái cớ để phụ huynh không cho con đến trường là: Lỡ trẻ đi học nhiễm bệnh Covid-19, ai chịu trách nhiệm?
Bữa cơm trưa bán trú của các học sinh Cheng Leng. Ảnh: Hoành Sơn
Bữa cơm trưa bán trú của các học sinh Cheng Leng. Ảnh: Hoành Sơn
Với 4 học sinh còn lại, làm sao để các em đến lớp thường xuyên cũng chẳng phải việc dễ dàng. Có em theo gia đình lên núi ở mấy ngày, giáo viên không liên lạc được. Ngoài kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ sách vở, quần áo và xe đạp, nhà trường còn phải kêu thợ vào sửa xe đạp cho các em mỗi khi hỏng hóc. Tiền sửa xe giờ vẫn đang nợ. “Một tuần 2 lần, tôi vào nhà các em từ 5 giờ sáng để nói các em đi học, không lên rẫy theo cha mẹ. Tôi trao đổi với phụ huynh, già làng để vận động họ cho con cháu đến trường mà vẫn không ăn thua. Chuyện các em lên núi ở vài ngày rồi mới xuống đi học là bình thường. Từ đầu năm học đến nay, nhà trường vẫn nợ tiền sửa xe đạp cho các em gần 800 ngàn đồng. Bữa trước gặp tôi, mấy anh bên xã bảo để ít bữa nữa xã trả giúp cho, cứ tiếp tục sửa xe cho mấy cháu đi học”-giáo viên chủ nhiệm lớp 4A kể.
Trò chuyện với tôi, ông Phùng Trung Toàn cho biết: Do nhận thức của người dân về dịch Covid-19 chưa đầy đủ nên nảy sinh tâm lý lo lắng thái quá. Thay vì cho con đến trường thì họ đưa lên núi tránh dịch. Mặt khác, nhiều cháu đã 15-16 tuổi, lúc đi học bị bạn trêu chọc nên nghỉ giữa chừng. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cho trẻ đi học trở lại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để hỗ trợ thêm cho những cháu này.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.