Ít ai biết 72 năm về trước ngay giữa trung tâm Sài Gòn, có một nhà báo kỳ cựu bị ám sát ngay trước cửa tòa soạn trên đường Cống Quỳnh, ngay sau đó đám tang của ông trở thành cuộc biểu dương khổng lồ của lực lượng báo chí tiến bộ. Người dân, học sinh, sinh viên lên án tội ác của thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Sài Gòn thời ấy…
Ông là nhà báo Nam Quốc Cang (tên thật là Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1912 quê quán Đức Phổ, Quảng Ngãi vào Sài Gòn làm báo từ rất sớm, từng là chủ bút nhiều tờ báo tiến bộ…
Con đường Nam Quốc Cang nằm gần khu vực rẽ qua Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Ngày 6/5/1950, trước Tòa soạn báo Dân Quý nằm ngay góc đường D’Arras - Frére Louis (nay là đường Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi) vang lên một tràng súng. Ngay sau đó là thông tin bùng nổ về vụ ám sát nhắm vào hai nhà báo kỳ cựu là Nam Quốc Cang, quản lý, cây bút trào phúng của báo Dân Quý và nhà báo Đinh Xuân Tiếu, chủ bút tờ báo Thời Cuộc.
Vụ việc trên đã trôi qua hơn 70 năm là quãng thời gian bằng một đời người. Nhưng gõ trên google tên Nam Quốc Cang vẫn luôn mới. Năm 2019, 2020 vẫn có nhiều tờ báo tiếp tục nhắc lại câu chuyện về ông, về báo chí Sài Gòn thời Pháp thuộc sôi sục đấu tranh.
Đường D’Arras - Frére Louis giờ đã đổi tên thành đường Nam Quốc Cang. Con đường này dẫn tới Chợ Bến Thành và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ nên phương tiện giao thông hàng ngày tấp nập. Cách đường Nam Quốc Cang vài trăm mét có một nhóm hộ kinh doanh thuê mặt bằng bán cơm, vừa chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Họ là con cháu của nhà báo Nam Quốc Cang và gọi ông bằng ông nội.
Người nhắc đến Nam Quốc Cang nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1969. “Chúng tôi vừa cúng ông nội xong. Quê hương ông ở Quảng Ngãi nhưng không rõ dòng tộc ở nhà thờ nào. Ngày giỗ thì con cháu nguyện xin ông phù hộ để làm ăn thuận lợi, vì ngó đi ngó lại thì ai cũng nghèo, chưa thay đổi gì được, chưa ai phấn đấu làm được nhà báo như ông”, anh Thiện mở lòng.
Những người con cháu của nhà báo Nam Quốc Cang giải thích thêm việc mỗi lần cúng ông lại nguyện cầu có cuộc sống thay đổi. Con cháu trong nhà thường nhắc tới thanh danh của ông nội, thời Pháp thuộc vừa là nhà báo, đồng thời vừa là giáo sư dạy học. Ông nội là niềm tự hào, nhưng con cháu bây giờ chưa có ai thành đạt, không biết ông có buồn ở nơi chín suối.
Tấm Kỷ niệm chương báo chí mờ chữ
Ngay tại vị trí xảy ra vụ ám sát nhà báo Nam Quốc Cang 72 năm trước, bây giờ là tấm biển đường phố mang tên ông. Trước đó, ngày 4/4/1985, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đặt tên đường Nam Quốc Cang nằm cắt ngang đường Nguyễn Trãi, gần với đường Cống Quỳnh ở Quận 1. Thời còn sống, nơi đây nhà báo Nam Quốc Cang thường đi lại làm việc, ngồi đàm đạo báo chí với bạn bè, đồng nghiệp. Và cũng tại nơi này, những kẻ mắt lấm, mày lét luôn rình rập từng bước đi của ông.
Người con trai của Nam Quốc Cang là ông Nguyễn Văn Tranh (sinh năm 1934) sau này làm ngành an ninh hàng không của chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông Tranh đưa con về quê vợ ở Sóc Trăng để làm nông, vì vậy toàn bộ con của ông sau này đều dang dở nghiệp đèn sách. Sau khi ông Tranh qua đời (năm 2008) những đứa con của ông đã quay trở lại Sài Gòn mưu sinh quần quật trên phố và dưới ánh đèn đường.
Tại một ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm Trần Thủ Độ, quận Tân Phú là nơi thờ di ảnh nhà báo Nam Quốc Cang. Bàn thờ khá nhỏ nên đặt kín các tấm ảnh thờ. Ảnh Nam Quốc Cang được đặt bên cạnh người vợ của ông là bà Trần Thị Nhỏ. Trong di ảnh, nhà báo Nam Quốc Cang có đôi mắt đen, sáng, cương nghị, chất chứa nội tâm sâu thẳm. Coi sóc ngôi nhà thờ là anh Nguyễn Văn Thành, con của ông Tranh và là cháu nội của nhà báo Nam Quốc Cang. Hàng ngày cũng như người anh mình là anh Lộc, anh Thành cũng phải bươn chải kiếm sống bằng nghề xe ôm, còn vợ của anh là chị Nguyễn Thị Nguyệt chủ yếu chăm lo cho người mẹ mù lòa là bà Nguyễn Thị Lê (vợ của ông Nguyễn Văn Tranh).
Tôi để ý dấu vết duy nhất để ai đó có thể nhận ra đây là nơi thờ phụng một nhà báo, đó là tấm Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” treo trên tường. Tấm Kỷ niệm chương đã bị mờ mất một số chữ, nên chỉ còn đọc được tên người được tặng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang ký, còn ngày tháng thì chỉ đọc được 21/6/199…
|
Báo Tân Thời một thời nhà báo Nam Quốc Cang từng đăng nhiều bài viết ảnh tư liệu |
Do ngôi nhà chật chội, nên chiếc giường của bà Lê và người con dâu được đặt ngay trước bàn thờ nhà báo Nam Quốc Cang. Thỉnh thoảng anh Thiện chạy sang thắp hương cho ông nội rồi lại chạy xe cả chục cây số xuống đứng ngay vị trí đặt bảng tên Nam Quốc Cang mưu sinh bằng nghề xe ôm. Anh kể rằng, “chỉ đủ kiếm sống qua ngày, nuôi cô con gái học đại học. Gia đình gửi gắm tất cả hy vọng vào cuộc đời con…”.
Lưu danh tên tuổi
Báo chí đưa tin nhà báo Nam Quốc Cang sinh năm 1917, nhưng cháu nội của ông cho biết, ông sinh năm 1912, quê ở huyện Đức Phổ, vào Sài Gòn khoảng năm 1938, 1940. Ban đầu chế độ thực dân Pháp vẫn còn khá “thoáng” trong việc quy định cấp phép báo chí. Luật báo chí năm 1881 cho tự do xuất bản, chỉ cần thông báo trước cho chính quyền 24 giờ. Đến năm 1898 thì chính quyền siết dần quy định: Muốn ra báo quốc ngữ “phải xin phép Toàn quyền Đông Dương”.
|
Chân dung nhà báo Nam Quốc Cang. Ảnh: Văn Chương |
Nhà báo Nam Quốc Cang viết cho các tờ Tin Điển, phụ trách mục Trớ trêu, lấy bút danh Nguyễn Thạch Sơn. Ngoài ra ông còn làm chủ bút các tờ Thời Cuộc, Chống Xâm Lăng, Công Chúng và cuối cùng làm quản lý tờ báo Dân Quý. Cấu trúc thông tin của báo chí thời đó thường là một bài xã luận, chia sẻ quan điểm của báo, bài tiểu phẩm châm biếm. Mục tiểu phẩm ở mục Trớ trêu do Nam Quốc Cang phụ trách và ngòi bút châm biếm của ông đã biến Chính phủ Nam Kỳ và thực dân Pháp thành chú hề gây cười. Những lời văn đả kích của ông khiến giới cầm quyền tức giận.
Bút danh Nam Quốc Cang được ghép từ tên của 3 đồng nghiệp thân thiết đi theo chủ trương chống Nam Kỳ tự trị, đó là các nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, Trần Tấn Quốc và nữ nhà báo Anna Lê Trung Cang (quốc tịch Pháp). Đây là 3 nhà báo nổi tiếng sắc sảo thời bấy giờ. |
Nhà văn Dương Tử Giang từng có những dòng thơ về ông: “Giọng văn mai mỉa, lời ngang tàng/Người đọc thích chí cười khúc khích/Kẻ bị châm biếm chui vô hang!/Trốn đâu cho khỏi ngòi bút anh…”.
Còn đây là một đoạn trích trong bài châm biếm của nhà báo Nam Quốc Cang: “…đã thế những người ngồi cheo leo trên ghế lại hay lóc chóc lanh chanh, múa đủ lối. Coi chừng nào! Nhào thì nguy cho tôi! Đó là lời họ khuyên nhủ bề trên của họ, nhưng trong khi chung lưng đấu cật để bảo vệ cái ghế kia, họ lại thúc đá lẫn nhau vì còn mải tranh nhau một miếng bíp-tết. Trong lúc ấy, gió Thống Nhứt đã mạnh lại càng mạnh…”.
Theo Lê Văn Chương (TPO)