Gần 40.000 ô tô bị VETC dán chồng thẻ Etag

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tập đoàn Công nghiệp-viễn thông Quân đội (Viettel) đã báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải có gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị Công ty VETC dán chồng thẻ Etag, gây thiệt hại và lỗi khi xe qua trạm thu phí. 

Cụ thể, trước ngày 1-6, có 27.300 thẻ ePass bị dán chồng; từ ngày 1-6 đến 31-7 tiếp tục phát sinh thêm 12.600 xe, gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng chi phí mua thẻ và nhân công dán. Khi dán hai thẻ trên cùng một xe sẽ làm xung đột về kỹ thuật, gây lỗi khi xe qua trạm do không nhận diện và đọc đúng thẻ.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) còn ghi nhận khoảng 4.000 xe dán thẻ eTag của VETC đã bị lỗi khi đi qua trạm của VDTC cung cấp. 

Trao đổi với báo chí về phản ánh trên, lãnh đạo Công ty VETC cho biết thực tế phát sinh do lỗi của cộng tác viên, cá nhân và tình trạng này có từ cả hai doanh nghiệp thu phí không dừng. Doanh nghiệp đang rà soát, chấn chỉnh nhân viên và xử lý sự việc nếu có.

Đại diện VETC nói thêm, trong tháng 7, nhiều chủ xe bị mở tài khoản ảo, khách hàng phản hồi chưa từng đăng ký dịch vụ VDTC, trên xe không có thẻ. Với các trường hợp này, nhân viên VETC dán thẻ cho chủ xe khi có cam kết, chấp thuận của chủ xe theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra công tác dán thẻ của VETC và VDTC. Qua kiểm tra, tình trạng dán chồng hai thẻ xảy ra ở cả hai nhà cung cấp dịch vụ. Tổng cục đã yêu cầu khắc phục trước 15-8, đồng thời rút kinh nghiệm, tuân thủ quy trình dán thẻ, khi thay thẻ phải báo cho bên còn lại biết.

Hiện Thông tư 15 của Bộ Giao thông-Vận tải về hoạt động trạm thu phí và Quyết định 19 của Thủ tướng về thu phí không dừng chưa quy định cụ thể chế tài xử phạt về hành vi dán chồng thẻ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét quy định chặt chẽ hơn để xử lý trách nhiệm của các bên, gồm nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành trạm thu phí và chủ phương tiện.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.