F0 - Chuyện người trong cuộc - Kỳ 2: Những ngày trong khu cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngồi trên xe đến Trung tâm cách ly thuộc Trung đoàn 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) mà tôi lo lây nhiễm chéo, lo cho sức khỏe gia đình. Nhưng sự lo lắng ấy cũng dần qua đi, khi tôi nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Không tiếp xúc, hạn chế nói chuyện
Tôi đã nhiều lần đến khu cách ly để phản ánh về cuộc sống những công dân và sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ cũng như chính quyền địa phương. Thế nhưng, lần này tôi đến với tâm thế mình là người trong cuộc: cách ly 14 ngày và có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Chính vì thế, tôi cũng như mọi người trong khu cách ly gần như không ra khỏi phòng ở, thực hiện đúng phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ khi đi lấy mẫu và nhận cơm. Khi xe chở chúng tôi đến trung tâm, nhân viên y tế nhanh chóng lấy mẫu để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Mọi người đều giữ khoảng cách và hy vọng mình không trở thành F0. Nhiều F1 ngay lần lấy mẫu đầu tiên cho kết quả dương tính nên chúng tôi rất lo lắng.
Đón chúng tôi tại khu cách ly, mặc dù là người quen nhưng Đại úy Nguyễn Quốc Huy-Chỉ huy trưởng Trung tâm cách ly vẫn phải giữ khoảng cách. Trong bộ đồ bảo hộ, anh chào đón chúng tôi và động viên: “Bà con yên tâm, đã vào khu cách ly ai cũng được quan tâm chăm sóc chu đáo. Nếu mọi người cần gì hãy gọi cho chúng tôi nhé. Cố gắng giữ sức khỏe, đảm bảo khoảng cách và lạc quan, tuân thủ các quy định của trung tâm cách ly. Mong bà con cùng đoàn kết chia sẻ để chúng ta chiến thắng dịch bệnh!”. Các nhân viên trong khu cách ly với bộ đồ bảo hộ tất bật ghi nhận thông tin dịch tễ của từng người. Sau đó, chúng tôi được cấp phát đồ dùng cá nhân rồi lên phòng ở. Mọi người được cấp 1 chiếc gối, 1 chăn mỏng, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, xà bông tắm và nước uống. 2 bố con tôi được đưa lên một phòng ở tầng 2. Các nhân viên chỉ nơi ngủ nghỉ, tắm giặt, phổ biến sơ bộ các quy định tại khu cách ly rồi nhanh chóng rời đi.
 Chuẩn bị bữa cơm cho người dân trong khu cách ly. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những bữa cơm của người dân trong khu cách ly luôn được các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phòng cách ly của chúng tôi là nơi ở của chiến sĩ. Tuy nhiên, vì dịch bệnh mà họ di chuyển đến vị trí khác để nhường lại cho công dân. Những chiếc giường tầng của bộ đội tươm tất, phòng ở được dọn sạch sẽ nên chúng tôi vơi đi những lo lắng ban đầu. Đêm đầu tiên ở khu cách ly, chúng tôi nhận những cuộc gọi của cơ quan chức năng để truy vết. Trong đó, những cuộc gọi của đồng nghiệp và người thân làm chúng tôi thấy ấm lòng. Người thì hỏi thăm, người động viên: “Anh tới nơi chưa? Cháu sao rồi, vào đó ổn không? Cách ly ở chỗ nào vậy, có thiếu gì không mai bọn em mua nhờ người đưa vào”.
Những F1 đến sau, mang theo đồ đạc lên phòng, tiếng bước chân ngoài hành lang dần xa cũng không ai mở cửa ra nhìn. Điều này cho thấy, họ chấp hành nghiêm chỉnh việc giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm chéo. Sau thời gian ồn ào bởi những người mới nhận phòng, không khí trở nên tĩnh lặng, mọi người chọn cho mình một nơi để nghỉ ngơi. Đêm đầu tiên trong khu cách ly, tôi cứ chộn rộn, trở mình không ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng để biết kết quả xét nghiệm.
Sáng sớm ngày thứ 2, điện thoại của tôi đổ chuông, đầu dây bên kia là giọng nói của lãnh đạo cơ quan: “Chú và con bé âm tính lần 1 rồi nhé, cố gắng giữ sức khỏe, nhớ thường xuyên gọi điện động viên vợ, lạc quan, tích cực điều trị”. Tôi như cảm thấy lòng mình nhẹ đi mấy phần.
Lần lấy mẫu thứ 2 cũng là ngày thứ 3 ở khu cách ly, cuộc sống của chúng tôi dần ổn định, không còn bất an. Nếu lần này kết quả xét nghiệm của mình âm tính thì các F2 liên quan đến tôi sẽ không còn phải cách ly tại nhà. Và điều mong muốn ấy đã đến, khi tôi nhận thông tin âm tính lần 2.
Ấm tình quân-dân
Những công dân là F1 khi đi cách ly đều mang tâm trạng lo lắng, bất an. Ai cũng mong mình không trở thành F0. Nhưng khi vào trung tâm cách ly, nhờ được sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ đã giúp chúng tôi ổn định tâm lý và cảm thấy không cô đơn, tuyệt vọng trong cuộc chiến này. Cuộc sống trong khu cách ly khá giống với một đơn vị quân đội, ngày 3 bữa cơm, được các chiến sĩ mang lên tận phòng. Vì ở trong khu cách ly không ai ra ngoài nên chúng tôi đã khá quen với bước chân của chiến sĩ đưa cơm. Đều đặn ngày 3 bữa, thức ăn được mang lên, phía ngoài phòng đã kê sẵn một cái bàn để đựng thức ăn nên không tiếp xúc trực tiếp với người cách ly.
Mọi người vào đây đều phải trải qua 4 lần lấy mẫu và kết quả xét nghiệm âm tính mới hoàn thành cách ly tập trung. Ngày nhận quyết định hết thời gian cách ly tập trung, tôi mới dám trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Thiếu tá Lê Văn Lực-y sĩ Trung đoàn 991-tâm sự: “Với khẩu phần 80 ngàn đồng tiền ăn cho 1 người/ngày, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng, lên thực đơn cụ thể, đặc biệt là mua những đồ tươi ngon để đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các ngày trong tuần, thường xuyên đổi món; các bữa đều có đầy đủ thịt heo, gà, bò, cá, tôm, trứng và các loại rau củ quả. Nguồn thực phẩm nhập vào bếp có hóa đơn, xuất xứ rõ ràng, tổ chức chế biến sạch sẽ, vệ sinh. Khi chế biến xong, đến sát giờ ăn mới chia suất, đóng vào hộp để đảm bảo đồ ăn được nóng rồi mang đến tận phòng. Ăn xong, Trung tâm bố trí lực lượng thu gom hộp, rác thải mang đến nơi quy định, xử lý”.
Chiến sĩ mang cơm đến tận phòng cho người cách ly. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chiến sĩ mang cơm đến tận phòng cho người cách ly. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trải qua những ngày trong khu cách ly, tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Mọi người đi cách ly có hoàn cảnh khác nhau, người ăn chay trường, có người ăn kiêng, rồi có trẻ em, người già. Ấy vậy mà, những người phục vụ tại đây hầu như đáp ứng hết nhu cầu của công dân. Đã phục vụ trong khu cách ly được 4 tháng, chiến sĩ Nguyễn Minh Khải (Đại đội 2, Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 991) thấu hiểu hoàn cảnh từng người. Anh tâm sự: “Chúng tôi luôn coi bà con trong khu cách ly như người thân của mình. Khi mới vào đây, nhiều người chưa ổn định về tâm lý nên cũng có lúc nổi nóng. Vì vậy, chúng tôi phải bình tĩnh giải thích cho họ hiểu các quy định của trung tâm. Từ đó, bà con yên tâm thực hiện đầy đủ các quy định phòng-chống dịch”.
Những ngày sống trong khu cách ly, chúng tôi đã quen thuộc với tiếng gọi của người chiến sĩ mang cơm: “Chú nhà báo ơi, anh Hiện ơi! Mời mọi người ăn cơm”. Trong khu cách ly này, ngoài tiếng loa gọi xuống lấy mẫu định kỳ thì tiếng gọi của người chiến sĩ là thanh âm quen thuộc nhất mà chúng tôi cảm nhận được. Cùng cách ly gần phòng với tôi là anh Trần Văn Hiện-cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong một lần đưa công văn, anh tiếp xúc với F0. Trò chuyện với tôi khi cùng nhau nhận quyết định hết thời gian cách ly, anh chia sẻ rằng, cảm nhận lớn nhất những ngày này là tình cảm chân thành giữa con người với nhau trong cơn hoạn nạn. “Những người đang phải cách ly như chúng ta không bị bỏ quên, không hề cô đơn và lạc lõng. Xung quanh chúng ta vẫn luôn có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế và cả rất nhiều những tấm lòng, sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng. Thật cảm động và biết ơn khi mọi ngày thức dậy ở một nơi không phải nhà mình, không có người thân bên cạnh, nhưng lại thường xuyên được nghe chiếc loa trong khu cách ly đều đều phát thông báo nhận được sự hỗ trợ. Được chứng kiến các y-bác sĩ tận tình lấy mẫu, hỏi thăm, tất cả mọi người tất bật lo toan cho sức khỏe của mình. Chúng tôi rất biết ơn vì những điều này”-anh Hiện trải lòng.
Những ai khi đến khu cách ly và trở về nhà đều có xe của chính quyền địa phương đưa đón. Thời gian sống trong khu cách ly, nhìn những chuyến xe chở người rời trung tâm, trên khuôn mặt họ nở nụ cười tươi vì mình đã vượt qua thời gian khó khăn, thấp thỏm; kèm theo đó là lời cảm ơn, động viên những người ở lại, ai cũng xúc động. Tất cả đều tự hứa với mình là sẽ cố gắng và hẹn gặp lại trong một ngày gần nhất nhưng không phải trong khu cách ly mà ở ngoài kia, nơi cuộc sống bình thường mới đang tiếp diễn. 
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.