Dưới tấm quang năng: Nhà nông thôi lo tiền điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hết cảnh 'ám ảnh' trả chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng cho nuôi tôm, nhiều nhà nông ở Sóc Trăng, Bạc Liêu phơi phới sau khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, đạt doanh thu 'kép' từ việc bán tôm và bán nguồn điện rỗi.
Sóc Trăng và Bạc Liêu là 2 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ở ĐBSCL. Nuôi tôm vốn là một áp lực lớn với hệ thống điện năng khi nhà nông buộc phải dùng nó để phục vụ bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn... Hai năm qua, cùng với sự chuyển dịch từ nuôi tôm ao đất sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ao lót bạt để có lợi nhuận cao hơn, thì người nuôi tôm càng “ngán ngẩm” tiền điện.
Qua rồi thời “điện thắp sáng”
Tại xã Hòa Tú 2 (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nuôi tôm là “đầu cơ nghiệp” của nông dân. Lần đầu tiên chúng tôi đến nông hộ của ông Ngô Công Luận, Phó giám đốc Hợp tác xã 14.10 (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2) - nơi làm điện mặt trời áp mái để phục vụ lại cho nuôi tôm.
Ông Luận dẫn chúng tôi rảo quanh các ao tôm, ao nuôi cá rô của mình. Gương mặt phơi phới, ông Luận nói từ khi lắp điện mặt trời mái nhà công suất 25 KWp, mỗi tháng ông tiết kiệm đến 6 triệu đồng tiền điện. “Thấy vậy, tôi lắp thêm hệ thống 27,5 KWp nữa. Vài năm sẽ hoàn vốn, rồi sẽ có thêm lãi từ việc bán điện thừa. Tiết kiệm điện, sạch toàn diện, năng suất cao, tôm chất lượng”, ông Luận hào hứng.
 
Việc kết hợp điện mặt trời vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho ra lợi ích kép. Ảnh: Phạm Thu Ngân
Việc kết hợp điện mặt trời vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho ra lợi ích kép. Ảnh: Phạm Thu Ngân
Cách nhà ông Luận khoảng 2 km, gia đình của ông Lâm Minh Lớn cũng lắp một hệ thống điện mặt trời với công suất 27 KWp, tổng số tiền đầu tư 400 triệu đồng. Được biết, cả 2 hộ này đều được dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam tài trợ 30%. Dự án này do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức Oxfam và Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, triển khai tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhằm hỗ trợ giảm các tác động xấu đến môi trường từ hoạt động nuôi và chế biến tôm, qua đó có thể liên kết chuỗi giá trị.
Sau khi lắp điện mặt trời mái nhà, ông Luận hay ông Lớn đã không thất vọng.
Ông Lớn kể, ngày xưa vùng này chưa có điện, để nuôi tôm, nông dân phải dùng máy dầu để chạy ô xy cho ao tôm. Sau đó, điện lưới quốc gia về tới xã, khoảng 20 chục hộ gia đình hùn tiền với nhau để kéo một đường dây điện để sinh hoạt và phục vụ cho việc nuôi tôm. Nhưng do nhu cầu cao nên việc sử dụng chung như thế rất bất tiện như vượt định mức, cúp điện...
Khi làm hệ thống này, tôi mất khoảng 20 - 22 ngày cho 1 thủ tục. Hiện giờ rất ít người đạt được đủ các thủ tục đưa ra. Tôi tin điều này cần được tháo gỡ để phát huy tiềm lực trong dân và nhân rộng mô hình này
Ông L.V.N, xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình, Bạc Liêu
“Khi có điện thắp sáng về đến từng nhà, người dân tự kéo điện ra ao tôm của mình. Hai năm qua tôi chuyển sang nuôi tôm ao bạt, năng suất cao nhưng ngán tiền điện lắm. Một tháng, chỉ tính riêng nuôi tôm đã 19 triệu đồng. Giờ lắp điện mặt trời rồi, tiết kiệm tới 6 - 7 triệu tiền điện/tháng, tôi tính khoảng 5 năm nữa là có thể hồi vốn được. Chưa kể, hợp đồng ký với bên điện lực là 20 năm, chắc chắn có lãi”, ông Lớn chia sẻ.
Tận dụng ao lắng, thu nhập khủng
Tỉnh Bạc Liêu nằm trong trong danh sách các tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo vùng ĐBSCL.
Ở xã Vĩnh Hậu A (H.Hòa Bình, Bạc Liêu), ông L.V.N có trang trại rộng chừng 4 ha dùng để nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, có nhiều ao lót bạt trong nhà lưới. Ông N. nói, phần lớn diện tích trang trại của ông dành cho các ao lắng (ao dự trữ nước để nuôi tôm, mô hình nuôi siêu thâm canh ao bạt đòi hỏi nông dân phải thay nước mỗi ngày - PV), nhưng các ao này chỉ để không. Vì vậy, hồi tháng 12.2020, ông lắp thêm một hệ thống điện mặt trời trên các ao lắng để vừa tận dụng diện tích, vừa làm mái che giúp các ao sạch hơn, giảm chi phí xử lý.
 
Mô hình áp dụng điện năng lượng mặt trời trên các ao lắng tại hộ ông L.V.N (Bạc Liêu)
Mô hình áp dụng điện năng lượng mặt trời trên các ao lắng tại hộ ông L.V.N (Bạc Liêu)
“Lắp điện mặt trời công suất thử nghiệm 25 KWp, dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam hỗ trợ cho tôi 120 triệu đồng, còn lại tôi vay ngân hàng. Lợi ích nhiều lắm, rõ nhất có thể thấy là lúc trước, tiền điện cho nuôi tôm là từ 22 - 26 triệu đồng/tháng, giờ tôi không tốn tiền điện nữa. Sau 6 tháng thử nghiệm, tôi đăng ký làm thêm 2 dự án với công suất 2 MW”, ông N. nói.
Chưa kể, tôm của gia đình ông N. được chứng chỉ ASC (chứng chỉ là sự xác nhận quốc tế dành cho thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng xấu lên môi trường, cộng đồng dân cư... - PV) và được ưu tiên xuất khẩu sang châu Âu.
Với trang trại này, nguồn thu của ông N. không chỉ đến từ việc bán tôm (khoảng 20 tỉ đồng/năm), mà còn từ nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời trên các ao lắng (khoảng 7 tỉ đồng/năm), trong khi chỉ vài năm nữa thì ông N. có thể hoàn số vốn cho các dự án điện.
Tuy nhiên, ông N. cũng than khó khi làm các dự án lắp hệ thống năng lượng này, nhất là về mặt thủ tục đấu nối đường dây, vay vốn ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, chủ trương, chứng nhận nuôi tôm công nghệ cao... “Khi làm hệ thống này, tôi mất khoảng 20 - 22 ngày cho 1 thủ tục. Hiện giờ rất ít người đạt được đủ các thủ tục đưa ra. Tôi tin điều này cần được tháo gỡ để phát huy tiềm lực trong dân và nhân rộng mô hình này”, ông N. nói.
Cần cơ chế mở
TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam, cho biết năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm năng lượng cho nuôi tôm, bởi nguồn điện cho việc sục khí, cung cấp ô xy, cải tạo ao... chiếm khoảng từ 7 - 10% chi phí đầu vào.
Mặt khác, điện mặt trời có thể làm mái che cho ao lắng, hạn chế việc bốc hơi nước, từ đó nồng độ mặn của các ao không bị quá cao, nhất là trong các thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; hạn chế hiện tượng tảo nở hoa, ô nhiễm nguồn nước...
Tuy nhiên, ông Huy cũng nhận định, mô hình này vẫn còn nhiều rào cản như điện mặt trời trong nuôi tôm vẫn chưa được quy định cụ thể, rõ ràng mà chỉ mới xác định là điện năng lượng mặt trời áp mái. Vì vậy giá đầu tư khá cao trong khi chưa có chính sách hướng dẫn, chương trình khuyến cáo, khuyến khích người dân ứng dụng mô hình này. Nếu lỡ giá bán điện bấp bênh hoặc sau này giảm, thì người dân sẽ không mạnh dạn đầu tư nữa.
Ngoài ra, người nghèo khó tiếp cận được mô hình trên khi việc đầu tư cho một hệ thống năng lượng mặt trời với quy mô khoảng 25 KWp đã mất 400 triệu đồng. Chính vì vậy, cần có nhiều cơ chế mở hơn để khuyến khích mô hình này.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.