(GLO)- Chiều 2-6, chúng ta đau lòng khi cùng lúc nhận thông tin về 2 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, trong đó có đến 7 học sinh. Nạn nhân là 4 ông cháu ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) và 4 học sinh ở Ia Grai. Tang thương bao trùm cả xóm nhỏ Tân Lập (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) khi 4 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 rủ nhau xuống hồ lấy nước tưới cà phê chơi rồi trược chân, cùng đuối nước. Tại hồ này đã xảy ra 4 vụ chết đuối, cướp đi 8 sinh mệnh, gần đây nhất có 2 em học sinh đuối nước !
Ảnh: Lê Nam |
Cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 29-3, tại xã Ia O (huyện Ia Grai), 4 nữ sinh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) tử vong khi xuống chơi ở hồ thủy điện Sê San 4. Ban Giám hiệu Trường THCS Chu Văn An cho biết, chiều 29-3, các em học sinh bị nạn không có lịch học ở trường nên rủ nhau đi chơi và đuối nước.
Thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2016, toàn tỉnh có đến 51 trường hợp tử vong do đuối nước, trong số gần 3.000 trường hợp chết đuối mỗi năm của cả nước, đa số là học sinh. Nước ta là nơi có số trẻ em chết đuối cao nhất Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước tiên tiến trên thế giới.
Hàng năm, nhất là đến dịp hè khi học sinh nghỉ ngơi, tai nạn chết đuối lại tăng vọt. Các cháu bé ở nông thôn rất thiếu nơi vui chơi, giải trí, rảnh rỗi thường rủ nhau ra sông suối, ao hồ nô đùa, tắm táp. Không may, trong nhóm có một vài bạn bị đuối nước, một số bạn lao ra cứu, số cứu được không rõ bao nhiêu vụ, song con số chết chung thì mỗi năm có đến hàng trăm trường hợp.
Trẻ em đuối nước là cái chết thương tâm, xót xa, không đáng có, trong đó có phần trách nhiệm của người lớn. Những cảnh báo chưa đủ sức ngăn cản tính tò mò, hiếu kỳ, sự ham chơi của con trẻ. Trước đây, khi niềm tin vào thế lực siêu nhiên, ma quỷ còn nặng nề, những người ở quê muốn cấm kỵ trẻ con việc gì thì gắn với chữ “không nên” bao hàm yếu tố tâm linh. Không nên cho trẻ con cầm dao, không nên để trẻ soi mặt xuống giếng, không nên trèo cây cao (vì có quỷ thần), không nêm tắm đoạn sông sâu (vì có Hà Bá)... Bây giờ nghiệm lại, thấy những ngăn cấm ấy đều bao hàm ý nghĩa nhân văn sâu xa.
Như Báo Gia Lai phán ánh, cái hồ C3 ở Ia Sao nơi 4 em vừa đuối nước có 4 vụ, 8 người chết, đã thành “huông”. Mà khi phóng viên đến khu vực này không thấy biển cảnh báo nào! Người lớn biết chỗ này thường có tai nạn đuối nước, song các em nhỏ không có thông tin, không đủ hình dung về những rủi ro tiềm tàng khi đến đó. Nếu chỉ cần vài tấm biển nói rõ, cảnh báo nguy hiểm, chắc chắn các em muốn bước chân xuống nước sẽ ngần ngại hơn, trong nhóm cũng sẽ có bạn chờn chợn can ngăn, thông tin về những vụ chết đuối hiển hiện khiến các em sẽ suy nghĩ lại.
Muốn cắm tấm biển như thế, trách nhiệm phải của chính quyền địa phương. Song để các em không bước chân xuống nơi nguy hiểm thì cần cả gia đình và nhà trường, nhất là các thầy-cô giáo chủ nhiệm.
Chúng ta đang phát động nhà trường dạy bơi cho học sinh, việc đó là cần thiết. Nhưng để tất cả học sinh nước ta, trong đó có tỉnh Gia Lai đều biết bơi, rớt xuống nước không chết đuối thì chưa rõ đến bao giờ đạt được! Bởi cơ sở vật chất ở đâu để trường xây hồ bơi, rồi biết bơi trong hồ nhưng ra ngoài sông, ngoài suối, ngoài hố nước, ao hồ lại khác xa. Không khéo lại chết đuối vì tính thể hiện, vì chủ quan của con trẻ. Ngay cả những ngư dân sống bằng nghề chài lưới mà khi lật thuyền, khi rơi xuống sông xuống hồ còn chết nữa là.
Thiết nghĩ đã đến lúc tất cả các địa phương trong tỉnh phải rà soát lại toàn bộ những bến sông, đoạn suối, những hố nước, ao, hồ xem chỗ nào có nguy cơ bước chân xuống mà bị đuối nước thì phải cắm biển cảnh báo. Và cần có chế tài với những đơn vị thi công các công trình tích nước để khi họ trữ nước hoặc công trình làm ra khi mưa lũ đọng nước thì phải có trách nhiệm dựng biển cảnh báo. Biển báo phải to, rõ, nhiều, đủ sức răn đe. Có như thế mới mong hạn chế tối đa những cái chết thương tâm do đuối nước.
Nhật Cường