Đừng nổi lòng tham

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhặt được đồ khách bỏ quên ở cửa hàng, nhặt được tiền đánh rơi, nhận được tiền của người khác gửi nhầm cho mình… họ tới xin lại có nên trả không? Câu trả lời không phải là “nên” hay “không nên”, mà là “bắt buộc phải trả lại”!


Xét ở góc độ đạo đức, ông bà ta từ xưa đã dạy không nên tham của người, đừng thấy của mà tối mắt lại. Có những trường hợp đang trong cảnh ngặt nghèo, cha bệnh con đau mà lỡ bỏ quên, đánh rơi tiền, mình giữ lại không trả khiến người ta bệnh nặng hơn hay là mất mạng, chẳng phải là ác nhân lắm sao? Mà sống trên đời, gieo nhân nào gặp quả nấy.

Còn xét ở góc độ pháp luật, nếu không trả lại tiền của nhặt được thì sẽ bị xử lý nghiêm minh. Chị L. ở TPHCM là tạp vụ làm việc ở một đài truyền hình. Chị dọn phòng họp, thấy chiếc túi xách một người bỏ quên, lặng lẽ mang về nhà cất giấu. Người ta xuống xin mấy lần, chị vẫn chối là không biết, nên họ báo công an. Công an làm việc một hồi, chị mới nhận là đã giấu chiếc túi. Chị “nhận lại” một năm tù treo và 2 năm thử thách.

Chị Ch. ở Bình Phước đi bán vé số dạo, qua quán cà phê thấy có chiếc túi ai bỏ quên cũng “tiện thể” rút hết 12,5 triệu đồng trong túi rồi đi mất. Chủ quán coi camera thấy chị lấy tiền, chạy theo lấy lại cho khách, nhưng chị Ch. vẫn không thừa nhận. Lúc ấy chị vẫn chưa biết bản án 9 tháng tù treo, 18 tháng thử thách đang chờ mình!

Ở Khánh Hòa, chị K.L. là chủ cửa hàng quần áo. Trưa hôm ấy khách vô lựa đồ để quên chiếc iPhone 7. Khách gọi lại để kiếm thì chị tắt máy rồi giấu đi. Người khách tới tìm, tức giận lục soát cửa hàng thì tìm ra chiếc điện thoại. Ngoài việc phải trả lại chiếc điện thoại, chị K.L. còn phải hầu tòa và bị phạt tiền 15 triệu đồng sung công quỹ.

Bên cạnh những câu chuyện đẹp về nhặt được của rơi trả người đánh mất, tòa án các cấp ở Hà Nội và TPHCM cũng từng xét xử nhiều vụ việc tài xế taxi nhất quyết không trả lại tiền và tài sản khách bỏ quên trên xe. Ban đầu ai nấy đều chối bay chối biến, mãi đến khi ra tới cơ quan công an, chỉ bằng vài biện pháp nghiệp vụ, phân tích giải thích thì họ đều nhận là đã giấu tài sản, hoặc mang đi tẩu tán khắp nơi.

Khi ấy họ hối hận, xin lỗi thì đã muộn. Tùy vào số tiền bị chiếm giữ mà người chiếm giữ sẽ phải đối mặt với những khung hình phạt khác nhau: Phạt tiền 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu tài sản bị chiếm giữ trị giá trên 200 triệu đồng, hoặc là bảo vật quốc gia, thì sẽ bị phạt tù 1 - 5 năm.

Đột nhiên có món tài sản “trên trời rơi xuống”, hẳn không ít người động lòng. Nhưng cũng cần tỉnh táo để chọn cách hành xử như thế nào cho đúng với lương tâm và pháp luật. Đừng để “tham thì thâm”, lúc đó lại trách tiền rơi xuống đầu mình là “họa vô đơn chí”.

 

Theo KHÁNH TƯỜNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.