Dũng Gạc Ma và nghĩa tình đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một trong hai người tên Dũng liên quan đến Gạc Ma đã ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo cách nay 4 năm.

Các cựu binh Trường Sa viếng Khu lưu niệm Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh
Các cựu binh Trường Sa viếng Khu lưu niệm Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh


Người còn lại là Nguyễn Văn Dũng hiện ở Bãi Tiên, TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Các anh không làm hổ danh tên “Dũng”, từng là lính Trường Sa!


Cuối năm 2019, tôi ghé thăm Nguyễn Văn Dũng ngoài Bãi Tiên, cách trung tâm TP.Nha Trang 10 cây số về phía bắc. Thấy khách quen nhưng Dũng không “nghỉ tay” để tiếp khách mà liên tục chỉ huy tốp thợ hàn gấp rút hoàn thành “hội trường” 200 chỗ kịp đón đại biểu là lính Gạc Ma trong cả nước hoặc từng là lính Trường Sa quê Khánh Hòa và Phú Yên về họp mặt nhân kỷ niệm 32 năm ngày xảy ra trận Gạc Ma. Mấy ngày sau đó, Nha Trang phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên nên cuộc gặp mặt nói trên bị hủy trong hụt hẫng. “Tốn trên 200 triệu đó anh. Lại đến từ Trung Quốc!”, Dũng phân trần với tôi về câu chuyện gặp mặt lính Gạc Ma - Trường Sa phải gác lại mà không biết đến khi nào mới tổ chức được.

Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của Nguyễn Văn Dũng - cũng là nơi anh mở quán ăn mang tên Thiên Phước, đã thành chỗ đi về của những người lính Gạc Ma - Trường Sa. Chí tình với đồng đội, rộng lòng với bạn bè, thủy chung và ơn nghĩa với những người đã từng vì mình mà hy sinh… đó là phẩm chất của anh thương binh hạng 2/4 này.

 

 Anh Nguyễn Văn Dũng tặng quà cựu binh Trường Sa - Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Anh Nguyễn Văn Dũng tặng quà cựu binh Trường Sa - Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Trận ốm định mệnh

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nhắc đến Phan Tấn Dư, giọng nói của người cựu binh Trường Sa này như chùng xuống: “Nếu tôi không có trận ốm đột xuất trước ngày ra Trường Sa 11.3.1988 thì Dư sẽ không phải nằm lại giữa vùng biển Gạc Ma ấy. Nhưng biết làm sao được, không phải tôi thì là Dư, không phải Dư thì là một người lính nào đó cũng sẽ ngã xuống trước sự bạo tàn của quân Trung Quốc xâm lược ấy thôi”. Dũng luôn gằn từng tiếng mỗi khi nhắc đến hai tiếng Trung Quốc trong bất cứ cuộc chuyện trò nào. Quen với Dũng lâu nay tôi biết vì sao anh lại luôn tỏ thái độ như vậy mỗi khi nhắc đến hai tiếng “nhạy cảm” kia. Vì 64 đồng đội của anh đã ngã xuống, vì hòn đảo mang tên Gạc Ma mà các anh đã đổi cả máu của mình giờ đã nằm trong tay kẻ khác hay vì điều gì khác nữa..., rất khó để cắt nghĩa rạch ròi. Nhiều lúc có cảm giác như Phan Tấn Dư, người bạn, người đồng đội đã ngã xuống thay Dũng ở đảo đá Gạc Ma luôn thầm thì vào tai anh rằng “Dũng ơi, đừng bao giờ quên mối uất hận ấy nhé” vậy.

Đã 33 năm rồi mà Dũng vẫn nhớ không sót một chi tiết nào về trận ốm định mệnh nọ: “Đêm trước ngày ra Trường Sa, chúng tôi tập kết tại quân cảng Cam Ranh. Những ngày ấy, không khí rất căng thẳng do những tin tức từ Trường Sa điện về. Dù vậy, trước khi mang ba lô xuống tàu, anh em lính cũng tụ họp một trận ra trò, cùng hát những bài hát ra trận. Kết quả là tôi bị viêm họng và sốt. Lính thông tin, giữ điện đài liên lạc cho đơn vị mà nói không ra hơi như thế nên thủ trưởng ra quyết định nhanh: “Phan Tấn Dư thay Nguyễn Văn Dũng đi để trực điện đài. Dũng đi chuyến sau”. Tôi ngẩn ngơ không phải vì “tiếc” chuyến ra Trường Sa mà vì cảm thấy như mình hèn nhát. Ba ngày sau, tôi nhận hung tin, đau đớn thay, Phan Tấn Dư - người thay tôi trực điện đài nằm trong số 64 đồng đội vừa ngã xuống!”.

Má Niệm của Dũng

Rồi Dũng cũng ra Trường Sa sau đó không lâu. Một cú trượt chân khi anh leo lên đài quan sát đã khiến một bên chân bị giập nát. Đi khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, Dũng mới giữ lại được chiếc chân thương tật ấy đến giờ. Ra quân khi một chân không còn nguyên vẹn, cơm áo của thời đất nước gian lao như đè nặng thêm lên đôi vai của anh thương binh này. Dũng chọn Bãi Tiên để làm rẫy, hết mùa chuối, mùa ngô thì anh xuống biển bắt ốc, đánh cá kiếm sống qua ngày. Thế rồi trời thương anh, con đường Phạm Văn Đồng của TP.Nha Trang bất ngờ xuyên qua rẫy chuối của Dũng. Mặt quay ra biển, lưng tựa vào núi, quán ăn Thiên Phước ra đời. Nó như chiếc phao cứu sinh của đời Dũng để anh có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình: đi tìm mẹ Phan Tấn Dư!

Một dòng tin ngắn ngủi Dũng lưu vào bộ nhớ của mình về người bạn đã chết thay anh: má Lê Thị Niệm, quê ở Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Dành dụm được đồng nào từ cái quán ăn ấy, Dũng lận lưng để vượt trăm cây số ra Phú Yên tìm má Niệm. “Hồi đó - đầu những năm 2000 - đi lại vẫn còn khó khăn, đường về Tây Hòa quê Dư cũng không “trơn tru” như giờ. Mỗi lần đi là một lần cơ cực vì địa chỉ rất tù mù. Tôi phải lục tung tất cả các mối quan hệ để tìm cho bằng được nhà Dư”, Dũng kể về nỗi vất vả khi tìm nhà má Niệm từ hơn 20 năm trước mà ngỡ như vừa mới hôm qua.

Cuối cùng rồi Dũng cũng tìm ra nơi cần tìm. Năm đó má Lê Thị Niệm đã ngoài 70 tuổi. “Có một mối linh cảm nào đó nên khi tôi vừa bước vào nhà là mẹ Dư đã ôm chầm lấy tôi như thể ôm đứa con đã bỏ bà đi biệt từ hơn 10 năm trước. “Từ nay, con sẽ là con của má nghe Dũng!”. Má Niệm ôm tôi trong giàn giụa nước mắt. Tôi thầm thì trước vong linh Dư: “Mình sẽ thay mặt bạn chăm sóc má đến phút cuối cùng. Mong bạn yên nghỉ”, Dũng kể, và anh đã giữ lời hứa ấy đến mãi ngày cận tết vừa qua, khi má Lê Thị Niệm trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 93!


 

Nguyễn Văn Dũng thăm má Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư tại Tây Hòa, Phú Yên
Nguyễn Văn Dũng thăm má Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư tại Tây Hòa, Phú Yên


Nơi đi về của lính Trường Sa

Hằng năm, cứ đến ngày 14.3 là Dũng tổ chức thả hoa đăng ngay tại bờ biển trước quán ăn của anh. Hầu như những ai từng khoác áo lính ở Trường Sa đều có mặt trong những buổi tưởng niệm thiêng liêng đó. Quán Thiên Phước không chỉ là chỗ đi về của những cựu binh Gạc Ma và Trường Sa mà còn là nơi cưu mang rất nhiều thân phận. Tất cả những cháu nào con em của lính Gạc Ma hoặc lính Trường Sa đang gặp khó khăn, Dũng đều đón về nuôi dạy, vừa phụ giúp chú Dũng, các cháu vừa học việc. “Đã có trên 20 cháu “tốt nghiệp”, hiện còn 4 cháu ở quán đó anh”, Dũng khoe với khách.

Đúng như nguyện ước của ông chủ khi đặt tên cho quán ăn của mình là “Thiên Phước”. Phước trời ấy đã mỉm cười với Dũng suốt 20 năm qua. Không giàu có gì nhưng số tiền kiếm được cũng đủ để Dũng thực hiện tâm nguyện của đời anh ngay từ thuở hàn vi sáng lên rừng chặt củi, chiều xuống biển mò cua: giúp đỡ hết lòng những đồng đội một thời. Mỗi năm đôi ba lần, nhất là dịp 14.3, đích thân Nguyễn Văn Dũng mang quà đến tận các gia đình liệt sĩ Gạc Ma hoặc cựu binh Trường Sa để thăm hỏi và trao tận tay họ. Hàng trăm triệu đồng mỗi năm như thế, kể cũng không phải là ít đối với một quán ăn thuộc diện “cò con” ở Nha Trang này.

Tôi điện thoại hỏi Dũng: “Ngày 14.3 năm nay vẫn tổ chức chứ?”. Dũng nói như lạc giọng: “Tôi khấn các liệt sĩ Gạc Ma rồi anh. Những “chuyến hàng” sẽ không theo thuyền hoa đăng để ra Trường Sa với các bạn được. Dịch cúm có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn chưa buông chúng mình!”.

Dũng nói thêm với tôi là anh chỉ chuẩn bị những phần quà để thăm các gia đình liệt sĩ Gạc Ma như những năm đất nước chưa có dịch mà thôi.

 

Theo Trần Đăng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.