(GLO)- Người các nước phát triển đưa về nước mình công nghệ cao, giáo dục trình độ cao, quy trình bảo vệ môi trường chất lượng cao. Còn ở Việt Nam, họ lại đang ùn ùn đổ… rác thải về, bắt phải nhận, phải chịu.
Tại sao lại có nhiều chuyến tàu chở container rác thải về các cảng Việt Nam, sau khi nhập bãi, gọi mãi chả thấy ai đến nhận?
Ảnh minh họa |
Nếu những “công” đó chứa sừng tê, ngà voi, chắc khó nằm phơi sương phơi nắng như vậy. Nhưng đây là rác thải, chỉ cần bỏ một ít chi phí vận tải thuê tàu chở về các cảng Việt Nam. Sau đó họ… biến, bỏ mặc mình tự chịu lấy rác, làm gì thì làm.
Đó là một chiêu trò không có mấy sáng tạo và bí mật gì, vậy mà sao bao nhiêu năm nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn bị lừa một cách nhẹ nhàng đến vậy?
Có chuyện dở khóc dở cười, theo một chuyên gia trong ngành Hải quan, hiện tại, hoàn toàn chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Đó là lý do khi hàng về cảng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ chối nhận hàng, cơ quan Hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu. Thiệt hại duy nhất mà hãng tàu phải chịu, trong trường hợp này, là nguy cơ bị mất vỏ container. Vì vậy, một trong những giải pháp để ngăn chặn nguy cơ Việt Nam thành bãi rác, đó chính là có chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên.
Chuyện như thế là quá rõ. Muốn các hãng tàu có trách nhiệm thì phải có cơ chế xử phạt họ thật nặng nếu làm trái. Số tiền phạt phải gấp nhiều lần số tiền mà họ được nhận từ chủ hàng thuê họ chở rác thải. Có như vậy, “cho ăn kẹo” họ cũng không dám chở. Nhưng muốn các chủ tàu không dám chở rác thải thì còn phải có cơ chế kiểm tra (tiền kiểm) nghiêm ngặt trên tàu, chứ không đợi hàng xuống bãi rồi mới kiểm tra.
Còn một chuyện phải giải quyết thật ổn thỏa nữa là có một số doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập phế liệu về để tái chế hàng hóa. Và đây chính là kẽ hở để những kẻ đùn đẩy rác thải về Việt Nam “té nước theo mưa”, thuê chở ù xọe rác thải “chính hiệu con nai” một cách “lẫn lộn” mà Việt Nam cứ tưởng là nhập phế liệu tái chế.
Phải xem việc nhập phế liệu tái chế có “lợi bất cập hại” không, chuyện lợi-hại này phải đứng trên lợi ích quốc gia mà xét, chứ không thể xét trên lợi ích của một số doanh nghiệp. Đây là một bài toán phải giải, và phải có đáp số rõ ràng, chứ không thể nước đôi. Nếu xét thấy “lợi bất cập hại” thì nên cấm. Còn nếu phân biệt được rạch ròi, nghiêm túc, đâu là phế liệu nhập để tái chế, còn đâu là rác thải nguyên chất thì phải kiểm tra nghiêm ngặt và hiệu quả, không để tình trạng “đánh lận con đen” tiếp diễn.
Khi Trung Quốc đã siết chặt việc nhập rác thải thì Việt Nam lập tức có nguy cơ trở thành “bãi rác thế giới”. Nghe thật kinh hoàng. Nhưng vì sao các cơ quan hữu quan vẫn tà tà bình chân như vại? Bên trong chuyện nhập rác thải ấy, có lợi ích phe nhóm nào không?
Còn đến khi rác thế giới đã chình ình trên đất nước mình thì quả thật chưa có công nghệ nào, dù cao tới đâu, xử lý được.
Lúc bấy giờ, chỉ còn biết “vừa đi vừa khóc”. Mà khóc cũng không xong, khi chân mình ngập trong… rác.
Thanh Thảo