Việc thực thi không nghiêm thì quy định dù có nghiêm đến đâu cũng vẫn sẽ dẫn đến tình trạng lờn luật.
Lợi dụng dịch Covid-19, nhiều người đã tăng giá khẩu trang hồi đầu năm 2020 - ẢNH: DUY TÍNH |
Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11, bao gồm nhiều quy định xử lý hành chính, xem xét xử lý hình sự mang tính răn đe hơn đối với một số vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dược, trang thiết bị, mỹ phẩm, bảo hiểm y tế...
Nghị định cũng bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với thực tiễn, như: xử phạt lợi dụng tình hình dịch bệnh đầu cơ, nâng giá; những quy định về phòng chống dịch... Bên cạnh đó, mức xử phạt tiền, xử lý hành chính ở một số hành vi tăng gấp đôi và nặng hơn so với Nghị định 176 của Chính phủ ban hành năm 2013 quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế.
Vì sao phải tăng mức phạt tiền, tăng mức xử lý hành chính, và có thể xử lý hình sự? Có thể thấy, trước đây trong thực tiễn, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế xử lý hành chính khá nhẹ nên người vi phạm cứ tái diễn, như: hút thuốc lá nơi công cộng, dùng bằng giả khám chữa bệnh, vi phạm những quy định về phòng chống dịch bệnh... Chưa kể, trong lĩnh vực y tế, y đức được đặt lên cảnh giới cao nhất, nhưng nhiều người hành nghề y vẫn bất chấp y đức để đạt được mục đích tư lợi cá nhân hơn là quyền lợi cho người bệnh, người dân; cũng như một số người lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá khẩu trang, trang thiết bị y tế, dung dịch khử khuẩn...
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy khi có pháp luật để điều chỉnh hành vi trong xã hội thì việc thực thi cần phải nghiêm minh. Bởi việc thực thi không nghiêm từ các cơ quan chức năng, cộng với ý thức chấp hành pháp luật kém của người dân thì quy định dù có nghiêm đến đâu cũng vẫn sẽ dẫn đến tình trạng lờn luật. Nghị định 117 cũng vậy, rất cần sự tự giác của mọi người, cần các công cụ đắc lực thực thi, giám sát thì mới hy vọng đi vào đời sống trong thời gian tới.
Theo DUY TÍNH (thanhnien)