Đừng bỏ chứng chỉ… trên ti vi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ Nội vụ vừa có công văn thúc giục các bộ, ngành sớm sửa đổi các thông tư để bỏ các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng nghiệp vụ đang “làm khổ” không ít công chức, viên chức trong suốt nhiều năm qua.

Câu chuyện chứng chỉ “hành” công chức, viên chức không phải tới gần đây mới được nhắc đến. Những quy định chứng chỉ hình thức, không dựa trên năng lực thực tế đã đẻ ra vô số câu chuyện cười ra nước mắt và là nguồn cơn của những tệ lậu như mua chứng chỉ, hoặc học giả, thi bao đỗ lâu lâu lại xuất hiện trên báo.

Có cử nhân công nghệ thông tin bị đánh trượt mọi vòng xét hồ sơ viên chức vì thiếu chứng chỉ tin học. Có vị giáo sư đào tạo hàng chục lứa sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ đứng trước nguy cơ không được tiếp tục đứng lớp nếu không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Hàng ngàn giáo viên hợp đồng lâu năm bỏ tiền để “chạy” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chỉ để được vào biên chế viên chức hay được thăng hạng nghề nghiệp dù công việc hằng ngày chẳng mấy khi dùng tới…

Từ tháng 5.2019, những câu chuyện tréo ngoe của chứng chỉ đã vào tới nghị trường Quốc hội. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội cuối năm đó, trước rất nhiều câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi đó là ông Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận: “Tôi cũng thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ”. Ông Tân hứa sẽ bỏ các chứng chỉ hình thức đang làm khổ công chức, viên chức hiện nay.

Trong năm cuối của nhiệm kỳ, Bộ trưởng Tân cũng đã chuẩn bị cho việc bỏ các chứng chỉ hình thức về tin học, ngoại ngữ hay bồi dưỡng nghiệp vụ. Nhưng sự chuẩn bị cũng mất đến gần 2 năm. Tới tận tháng 6.2021, Bộ Nội vụ mới chính thức có văn bản đề nghị Thủ tướng bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Chỉ 10 ngày sau, Chính phủ đã có trả lời bằng văn bản, đồng ý với đề nghị nói trên của Bộ Nội vụ. Việc bỏ các chứng chỉ hình thức đã có sự đồng ý của lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền.

Bộ Nội vụ sau đó cũng là cơ quan đi đầu khi ban hành Thông tư 02 trong đó bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chuyên ngành hành chính và văn thư - 2 ngành mà bộ này quản lý.

Thế nhưng, yêu cầu về chứng chỉ vẫn đang nằm trong thông tư của các bộ, ngành với hàng trăm ngành nghề khác nhau. Nhiều công chức, viên chức vẫn đang trong tình cảnh chạy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để hợp thức hóa các thủ tục. Niềm vui trước thông tin bỏ các loại chứng chỉ mang tính hình thức, hóa ra, như cách người ta vẫn đùa: “chỉ có trên ti vi”.

Một việc đã rõ, đã chín, và rõ ràng là đúng như thế, không rõ vì lý do gì mà các bộ, các ngành vẫn phải chờ?

Theo LÊ HIỆP (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nâng chuẩn an toàn giao thông

Nâng chuẩn an toàn giao thông

Mới đây, Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024. Theo số liệu thống kê được thông tin tại buổi lễ, từ tháng 1 - 10, cả nước xảy ra 19.711 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.061 người, bị thương 14.685.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.