Đưa chuyên gia "dỏm" nhập cảnh trái phép, hàng loạt giám đốc lãnh án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hai bị cáo Lee Kwan Young, Seo Young Jin lôi kéo hàng loạt giám đốc các doanh nghiệp nhỏ đứng ra bảo lãnh cho hàng trăm người Hàn Quốc nhập cảnh trái phép dưới hình thức "chuyên gia" hoặc "nhà đầu tư" để thu lợi bất chính.

Chiều 15-2, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên án 24 bị cáo (bao gồm người Hàn Quốc và Việt Nam) về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Trong đó, 2 bị cáo cầm đầu đường dây gồm: Lee Kwan Yuong (SN 1968; quốc tịch Hàn Quốc, Phó chủ tịch Hội người Hàn miền Trung, Giám đốc Công ty TNHH Eyelux) và Seo Yuong Jin (SN 1973; quốc tịch Hàn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Mai KT) bị kết án 10 năm tù và phạt bổ sung mỗi bị cáo số tiền 50 triệu đồng.

Các bị cáo Song Hong Sup (SN 1972, quốc tịch Hàn Quốc) 9 năm tù, phạt bổ sung số tiền 40 triệu đồng; Tô My Hoàng Oanh (SN 1989, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) 8 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng.

20 bị cáo khác lãnh mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm 6 tháng tù.

Ngoài ra, 3 bị cáo bị tuyên thêm hình phạt từ 1 đến 3 năm tù về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

24 bị cáo trong đường dây tổ chức đưa chuyên gia "dỏm" đến Đà Nẵng lãnh án.

24 bị cáo trong đường dây tổ chức đưa chuyên gia "dỏm" đến Đà Nẵng lãnh án.

Theo cáo trạng, ngày 26-4-2021, Công an TP Đà Nẵng kiểm tra hành chính một số căn hộ tại quận Ngũ Hành Sơn và phát hiện 14 người Hàn Quốc lưu trú không đúng mục đích nhập cảnh. Qua điều tra, công an phát hiện 14 người này được các doanh nghiệp bảo lãnh vào làm việc theo diện "chuyên gia". Trên thực tế, những người này đã đóng tiền cho đối tượng môi giới để đến Đà Nẵng với mục đích cá nhân.

Công an xác định đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép trên do Lee Kwan Young và Seo Young Jin chủ mưu, cầm đầu. Hai bị cáo này đã lợi dụng chính sách nhập cảnh cho chuyên gia và lôi kéo hàng loạt giám đốc các doanh nghiệp nhỏ do người Việt Nam đứng tên đứng ra bảo lãnh cho hàng trăm người Hàn Quốc nhập cảnh dưới hình thức "chuyên gia" hoặc "nhà đầu tư" để thu lợi bất chính.

Các bị cáo còn lại đã giúp sức tích cực cho các đối tượng cầm đầu và được trả công khoảng 200 USD/trường hợp nhập cảnh.

Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo tiền tỉ

Ngày 15-2, Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Đoàn Văn Thiện (32 tuổi, trú Quảng Ngãi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Cơ quan Công an, Thiện là nhân viên tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Tận dụng các mối quan hệ trong công việc, Thiện làm thêm dịch vụ đáo hạn tín dụng và nhiều lần vay mượn tiền của chị T.T.B (SN 1984, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để làm ăn. Thời gian đầu, Thiện trả nợ đúng hạn nên được chị B. tin tưởng. Đến tháng 3-2021, Thiện vay tiếp của chị B. 1,5 tỉ đồng (lãi suất 0,2%/ngày, tương đương 6%/tháng) với lý do cần tiền để đáo hạn tín dụng cho khách.

Tuy nhiên, thời điểm này, Thiện đang mắc nợ nhiều người do hùn vốn kinh doanh bất động sản nhưng bị thua lỗ. Khoản tiền 1,5 tỉ đồng vay của chị B. được Thiện chuyển trả cho nhiều người để giải quyết một phần khoản vay mượn trước đó. Đến hẹn, Thiện không có tiền để trả cho chị B. nên viết giấy nhận nợ và xin lùi thời gian hoàn trả.

Sau khi nhiều lần Thiện không trả như cam kết, chị B. làm đơn gửi cơ quan công an tố cáo hành vi của Thiện. Trước khi bị bắt giữ, Thiện cũng đã bị buộc thôi việc tại chi nhánh ngân hàng nói trên.

Tống đạt quyết định bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Thiện (áo xanh)

Tống đạt quyết định bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Thiện (áo xanh)

Hải Định

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.
Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.