Đưa cá đi tìm nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Gio Việt - Quảng Trị, người dân vẫn thường vượt cả trăm cây số để "cõng cá đi tìm nắng". Họ "cõng" từ cửa biển lên đến tận biên ải đã hai mươi mấy năm nay

Bà Hoàng Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - ôn tồn giải thích khi tôi gặng hỏi sao lại có chuyện lạ lùng "cõng cá đi tìm nắng" như người dân địa phương thường gọi. Bà thủng thẳng: "Ừ, đâu chỉ có chuyện cõng cá tìm nắng. Người dân nơi đây còn cõng cả nắng, cả mưa để con cá duội (cá cơm than) ra đến tận nước ngoài".

Vừa cần nắng vừa sợ nắng

Đầu tháng 3, bầu trời ủ dột lấn lướt cái nắng nơi cửa biển Quảng Trị. Tiết trời này khiến người làm nghề hấp sấy cá ở xã Gio Việt đứng ngồi không yên.

Họ lo trời thiếu nắng. Trong khi đó, con cá duội bé bằng ngón tay sau khi hấp xong phải cần phơi 2 nắng mới đạt tiêu chuẩn đóng gói, xuất đi.

Người dân Gio Việt đưa cá duội lên Lao Bảo phơi nắng

Người dân Gio Việt đưa cá duội lên Lao Bảo phơi nắng

Mùa này, thời tiết ở cửa biển Quảng Trị là vậy song tại vùng biên Lao Bảo, huyện Hướng Hóa thì cái nắng vẫn ngự trị. Vì thế, nhiều chủ lò hấp sấy chọn nơi biên ải này làm điểm đến để phơi cá.

Ở Gio Việt, nếu vợ quán xuyến việc hấp sấy cá thì chồng ra khơi, chủ yếu là ngư trường quanh đảo Cồn Cỏ, để đánh bắt cá duội. Họ đảm trách từ đầu vào cho đến lúc sản phẩm được xuất ra thị trường.

Bao nhiêu năm qua, cứ đến mùa hấp sấy cá duội, thấy thiếu nắng là nhiều người nghĩ ngay đến Lao Bảo. Đây là nơi chịu ảnh hưởng khí hậu Lào nên trong năm có số ngày nắng nhiều hơn vùng đồng bằng.

"Cứ nghe dự báo thời tiết xã Gio Việt sắp có mưa khoảng 40% trở lên là tụi tui lại lên đường" - chị Trần Thị Tuyến, chủ một lò hấp sấy cá ở xã Gio Việt, cho biết. Theo chị, việc chuyển cá thường được tiến hành từ lúc nửa đêm.

Trong đêm tối, từng đoàn xe tải từ xã Gio Việt nối nhau ngược ngàn lên vùng Lao Bảo. Mỗi xe chất đến vài tấn cá duội. 2-4 lao động đi theo xe để đảm nhận bốc xếp, phơi cá. Nhiều chủ lò cũng khăn gói đi cùng nhóm lao động để quán xuyến công việc.

Chị Hoàng Thị Nhi, ngụ xã Gio Việt, cho hay gia đình chị gắn với nghề hấp sấy cá gần 12 năm qua. Đến nay, chị không nhớ xuể đã bao nhiêu lần đưa cá đi tìm nắng như vậy. Theo chị, nếu không tìm nắng để phơi thì cá rất dễ bị hỏng. Cả mẻ cá có thể bỏ đi nếu không bảo quản đúng cách. Dù biết chi phí sẽ phát sinh nhiều nhưng các chủ lò phải chấp nhận.

Nghề hấp sấy cá ở Gio Việt giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương

Nghề hấp sấy cá ở Gio Việt giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương

Hôm gặp tôi ở Lao Bảo, chị Nhi thuê xe tải đưa 2 tấn cá duội lên đây phơi, xuất phát từ 23 giờ. Xe lên đến Lao Bảo lúc 1 giờ. Thao thức trên xe đến rạng sáng, chị cùng các lao động bày những vỉ cá ra phơi dọc theo tuyến đường vắng người qua lại.

Khi sương tan dần trên đỉnh núi dáng tựa yên ngựa thì cũng là lúc nắng bắt đầu dát vàng lên vùng biên ải. Từ chủ đến thợ đều cất được mối lo "thiếu nắng" đè nặng trong lòng.

"Nghề hấp, phơi cá duội rất cần nắng nhưng cũng sợ nắng. Nếu không chú ý, để lâu dưới nắng, cá duội sẽ quắt lại, trọng lượng giảm đi. Vì thế, người phơi cá phải túc trực, lật trở liên tục và khi cá đạt đến độ cần thiết thì phải thu các vỉ lại ngay. Nhiều lúc làm không ngơi tay, bữa cơm vì vậy lở dở theo" - vừa đưa tay thoăn thoắt lật trở cá, chị Nhi vừa tâm sự.

Theo chị Nhi, thường thì người phơi cá sẽ trở về ngay trong ngày nhưng có hôm phải ở lại qua đêm vì trời không có nắng. Những hôm như vậy, chi phí đội lên cao, người làm nghề lời lãi chẳng được bao nhiêu.

Duy trì 25 năm

Gio Việt nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 9. Mùa này, từng nhóm người xúm nhau bên các lò sấy ở hai bên đường để bẻ đầu cá, đưa cá đi phơi hoặc canh bếp lửa để hấp. Các công đoạn này đa số là phụ nữ đứng tuổi tham gia.

Bà Trần Thị Hoan (ngụ thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt) là một trong số đó. Mỗi ngày, bà nhận bẻ đầu cá duội cho các chủ lò với giá 2.500 đồng/vỉ, kiếm được khoảng 200.000 đồng từ công việc thời vụ này.

Chọn lựa cá duội thành phẩm để đóng gói, xuất ra thị trường

Chọn lựa cá duội thành phẩm để đóng gói, xuất ra thị trường

"Tuổi già có việc làm thêm như thế này vừa vui vừa có thu nhập. Ở Gio Việt, nhiều người đi làm thêm như tui lắm" - bà Hoan nói.

Tại xã Gio Việt, lúc cao điểm có đến 81 lò hấp sấy cá duội, cá nục. Mùa cá duội rơi vào tháng 12 đến tháng 3 âm lịch, còn cá nục thì từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Mỗi năm, Gio Việt cung cấp ra thị trường (chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc) khoảng 10.000 tấn cá thành phẩm.

Hiện nay, 1 kg cá duội tươi có giá khoảng 12.000 đồng, khi chế biến xong được thương lái thu mua 55.000 đồng. Cứ 3 kg cá tươi sau khi hấp, phơi thì còn khoảng 1 kg cá khô.

Đến nay, vì nhiều nguyên nhân nên Gio Việt chỉ còn 25 lò hấp sấy cá hoạt động với 3 đại lý lớn thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Một trong những lý do khiến các lò hấp sấy cá giảm dần là bởi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đầu ra còn phụ thuộc vào thị trường và đặc biệt là thiếu lao động.

Ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt, cho biết nghề hấp sấy cá trên địa bàn hình thành khoảng 25 năm nay. Lúc trước, người dân học hỏi nghề này từ ngư dân các tỉnh phía Nam và duy trì đến nay.

"Thực tế, nghề này cho thu nhập khá và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi lò giải quyết việc làm cho 10-15 lao động, với thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người" - ông Hùng thông tin.

Nghề hấp sấy cá ở Gio Việt không những phụ thuộc thời tiết mà còn trông chờ vào sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến ra khơi. Dù làm ra sản phẩm nhưng người dân không quyết định được giá cả, mà phải phụ thuộc vào thương lái thu mua. Vì thế, nhiều chủ lò hấp sấy cá thường nói vui rằng "làm con cá duội, hồn treo… muôn nơi" là vậy.

Món nào cũng "hao cơm"

Trao đổi với bà Hoàng Thị Thu Thủy, tôi cho rằng cá duội được đánh bắt ở Cồn Cỏ, người dân vất vả hấp rồi hong phơi dưới nắng gió cửa biển và biên ải nên có rất nhiều dư vị đọng lại khi thưởng thức. Vì vậy, cần xây dựng thương hiệu cá duội thành đặc sản tiêu biểu, độc đáo của địa phương.

Người dân thu lại các vỉ cá duội xếp lên xe sau khi phơi đủ 2 nắng ở Lao Bảo

Người dân thu lại các vỉ cá duội xếp lên xe sau khi phơi đủ 2 nắng ở Lao Bảo

Bà Thủy gật gù, thừa nhận chỉ cần cầm con cá duội sau khi tắm táp nắng gió với hành trình "Cồn Cỏ - cửa biển - biên ải" trên tay đã cảm nhận được dư vị ấy. Khi đã xây dựng sản phẩm này thành đặc sản thì du khách đến đây sẽ có món quà ý nghĩa mang về biếu tặng người thân, bạn bè. Cá duội sau khi phơi 2 nắng có thể chế biến thành nhiều món như chiên, rim ngọt với thịt ba rọi, nấu canh chua...., món nào cũng "hao cơm".

"Cá duội đang được địa phương định hướng sản xuất, chế biến đạt chuẩn OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"). Điều này sẽ làm phong phú hơn sản phẩm tiêu biểu của địa phương" - Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt kỳ vọng.

Con cá nghĩa tình

Ông Lê Ánh Hùng nhớ lại thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều người dân Gio Việt đã tự tay đóng bao khô cá duội mang đến nhờ chính quyền địa phương gửi vào các tỉnh, thành phía Nam, tiếp sức những người đang gặp khó khăn. Có người gửi đến 10 kg.

"Theo thống kê, hơn 5 tấn cá duội đã được gửi vào phía Nam trong thời điểm ấy. Đó là tấm lòng của người dân Gio Việt nhằm sẻ chia phần nào khó khăn với người dân phía Nam trong lúc dịch bệnh bủa vây" - ông Hùng nhận xét.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.