Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 và sẽ công bố trong tháng 5.2020. Quy chế năm nay sẽ có một số điều chỉnh so với năm 2019 để phù hợp với việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, một vài vấn đề còn lo ngại.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Hải Nguyễn |
Chưa giải quyết được về điểm ưu tiên
Theo ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT - cho rằng, với bản Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2020 đang được gửi xin ý kiến hiệu trưởng các trường, ông vẫn băn khoăn câu chuyện về điểm ưu tiên.
Theo đó, quy chế vẫn thực hiện chính sách ưu tiên theo khu vực, chính sách ưu tiên theo đối tượng. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 điểm. Mặc dù, số điểm chênh lệch này đã giảm đáng kể từ năm 2018, nhưng thực tế vẫn cho thấy chưa thực sự phù hợp.
“Chúng ta cần phải có chính sách ưu tiên cho những đối tượng đặc biệt, khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, tuy nhiên, với cách thực hiện như hiện nay thì nhiều thí sinh ở thành phố lại có cảm giác không công bằng. Ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như Công an, Quân đội, Y dược... kết quả cộng điểm sau ưu tiên khác biệt hẳn so với điểm số thực ban đầu” - ông Tùng chỉ rõ.
Thống kê trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có khoảng trên 80% thí sinh đang hưởng chế độ ưu tiên khu vực, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng đã thu hẹp nhanh khoảng cách khó khăn giữa các vùng miền. Chính vì thế ông Tùng cũng cho rằng, chính sách cũng cần điều chỉnh, vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi, thực sự say mê với ngành đào tạo đã lựa chọn.
“Tôi cho rằng cần phân định rõ chỉ tiêu cho các đối tượng ưu tiên để không còn hiện tượng học sinh thành phố “thua” vì không có điểm ưu tiên, hay 29 - 30 điểm vẫn trượt đại học vì điểm ưu tiên... Bởi có em được cộng cao nhất tới 3 điểm ưu tiên thì khó ai chạy theo kịp. Biện pháp khắc phục là mỗi trường dành một số chỉ tiêu cụ thể, ví dụ dành 5% để xét hồ sơ cho những thí sinh có điểm ưu tiên còn 95% kia sẽ xét từ số điểm thực. Như vậy, sẽ phân định rõ 2 đối tượng để đảm bảo kết quả xét tuyển công bằng và đúng với thực lực của thí sinh hơn. Đối với những thí sinh trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên, các trường cần có chính sách riêng để “vực” chất lượng đầu vào lên ngang tầm với những thí sinh trúng tuyển bằng số điểm thực” - TS Lê Trường Tùng đề xuất.
Cẩn trọng xét tuyển học bạ
Cũng theo dự thảo, nếu không sử dụng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển, các trường được quyền lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Đáng chú ý, năm nay, theo phương án tuyển sinh mới nhất, các trường đã tăng tỉ lệ xét tuyển bằng học bạ thay vì điểm thi tốt nghiệp THPT như mọi năm.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thay mặt Hiệp hội gửi góp ý tới Bộ GDĐT. Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Những trường thuộc top đầu hoặc trường năng khiếu, đặc biệt với những ngành học tuyển sinh rất ít nhưng thí sinh đăng ký thi rất đông, sau khi sơ tuyển qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, nên có thêm một kỳ thi trung tuyển (viết, vấn đáp hoặc phỏng vấn…) do trường tự tổ chức.
Những trường thuộc top giữa và top cuối nên tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để tránh tình trạng “thí sinh ảo”, các trường nên liên kết với nhau thành từng cụm và sử dụng chung một trung tâm khảo thí để tổ chức xét tuyển chung cho tất cả các trường trong cụm.
“Nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Với cách xét tuyển như vậy có thể không công bằng” - PGS-TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
|
Theo HUYÊN NGUYỄN (LĐO)